Cuộc đời của sĩ quan tình báo Liên Xô, người cứu sống hơn 16.000 tù nhân

Đại tá, Anh hùng Liên Xô Lev Manevich từng làm việc ở Áo và Italia, đã thu thập được rất nhiều tài liệu bí mật quân sự. Trong trại tập trung của Đức Quốc xã, ông tổ chức phong trào phản kháng và cứu sống các tù nhân ở đó…

Đại tá, Anh hùng Liên Xô Lev Manevich

Lev Manevich sinh năm 1898 ở Belarus. Do tàng trữ tài liệu cấm và vũ khí, Yakov, anh trai của L.Manevich bị đưa đi lao động bắt buộc, sau đó bị đày ở Siberia vì tham gia cuộc nổi dậy. Sau khi trốn thoát, Yakov sang Thụy Sĩ sinh sống. L.Manevich đến Thụy Sĩ sống với anh trai và học tại trường Cao đẳng Bách khoa. Ông thông thạo các thứ tiếng: Italia, Đức, Pháp và còn theo học tại Đại học Geneva. L.Manevich và Yakov thường đến nghe các bài giảng của Vladimir Lenin khi đó sống tại Thụy Sĩ. Năm 1917, L.Manevich trở về Nga và chiến đấu dưới ngọn cờ của Lenin.

Năm 1920, L.Manevich được đánh giá có khả năng hoạt động tình báo và vào học tại Trường tham mưu thuộc Bộ chỉ huy Hồng quân. Năm 1922, ông học tiếng Anh ở Học viện quân sự. Sĩ quan tình báo L.Manevich sau đó được cử tới Berlin (Đức) và từ năm 1925 đến 1927 ông thu thập được nhiều thông tin có giá trị. Sau khi về nước, ông vào học tại Học viện Không quân Zhukovsky. Năm 1929, được cử tới Italia, L.Manevich thu thập được các thông tin về chế độ lái tự động và ngành đóng tàu quân sự. Dưới vỏ bọc doanh nhân Konrad Kertner, ông mở văn phòng cấp bằng sáng chế, xây dựng được mối quan hệ với các phi công, nhà thiết kế máy bay…

Năm 1931, L.Manevich được cử tới Milan (Italia). Nadezhda, vợ ông và con gái Tatyana được chuyển đến sống ở Vienna (Áo). Tại Milan, ông mở Văn phòng Bằng sáng chế Evrika và là người đại diện cho các công ty sản xuất thiết bị hàng không và nhìn đêm của Đức, Áo, Cộng hòa Czech... Ngoài ra, L.Manevich còn tuyển mộ được 12 người ở Italia làm việc cho tình báo Liên Xô. Họ cung cấp các thông tin về điều động quân đội và các ngành công nghiệp quốc phòng. L.Manevich gửi về nước khoảng 190 tài liệu là những bản vẽ tàu ngầm lớp Mameli và Bragadin, bệ pháo Breda, thiết bị trung tâm điều khiển để phóng đạn từ tàu chiến… Ông chuyển tin về nước qua nữ điện đài viên có bí danh Traviata.

Nhận thấy có thể bị bắt, L.Manevich đề nghị cấp trên tìm người thay ông. Vợ và con gái của ông đã trở về Liên Xô. Theo sự chỉ dẫn của ông, Traviata đã trốn thoát tại Thụy Sĩ. Còn L.Manevich bị bắt khi nhận tài liệu của Pasquale Esposito, người làm việc cho tình báo Liên Xô. Nghe tin con gái bị cảnh sát bắt và đánh đập, nhằm cứu con, Esposito hợp tác với tình báo Italia dụ L.Manevich đến nhận tài liệu để bắt ông... L.Manevich bị xét xử về tội gián điệp vào tháng 2-1937 và phải nhận 16 năm tù. Năm 1941, ông bị chuyển đến nhà tù ở đảo Santo Stefano (Italia). 2 năm sau, khi quân đội Mỹ chiếm hòn đảo này, L.Manevich và nhiều tù nhân chính trị khác được trả tự do, nhưng lại rơi vào tay quân đội Đức Quốc xã.

Lev Manevich và con gái Tatyana

L.Manevich bị đưa đến Áo, tự nhận mình là Đại tá Yakov Starostin, tên người bạn cũ của ông. Được đưa đến trại tử thần Ebensee, ông cùng các cựu sĩ quan Liên Xô tổ chức phong trào phản kháng bí mật. L.Manevich còn cứu sống 16.000 tù nhân ở đây. Khi biết mọi người sắp chết hết trong khu mỏ bị gài mìn, ông đã hét lên bằng tất cả các ngôn ngữ mình biết để dòng người dừng lại. Quân Đức không dám nổ súng vì sợ tù nhân nổi loạn.

L.Manevich qua đời năm 46 tuổi vì bệnh lao. Trước khi chết, ông kể cho người bạn trung thành Airapetov biết rằng ông là sĩ quan tình báo Liên Xô và địa chỉ ở Mátxcơva... L.Manevich khi đó được gọi là Yakov Starostin được chôn cất tại Áo và yên nghỉ dưới cái tên này cho tới năm 1965. Trước đó, vào năm 1935, L.Manevich được phong quân hàm Đại tá. Ông đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lenin. Hài cốt của L.Manevich được cải táng tại nghĩa trang St. Martin ở thành phố Linz, nơi chôn cất những người lính Xô Viết đã ngã xuống…

Theo Lenta

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuoc-doi-cua-si-quan-tinh-bao-lien-xo-nguoi-cuu-song-hon-16000-tu-nhan-post557907.antd