Cuộc đời binh nghiệp xuất sắc của Tướng Nguyễn Chí Vịnh

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh để lại nhiều di sản quan trọng trong lĩnh vực tình báo quốc phòng, đối ngoại quốc phòng, ông không ngại lên tiếng về những vấn đề gai góc, thời sự.

Sau thời gian lâm bệnh nặng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã từ trần rạng sáng 14/9 tại nhà riêng, hưởng thọ 65 tuổi.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Học trò xuất sắc của người thầy tình báo lừng lẫy

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh quê xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cố Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và cha - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Ông sinh ngày 15/5/1959 tại Hà Nội. Năm ông lên 8 tuổi, cha ông là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất. Năm ông 21 tuổi, mẹ cũng qua đời.

Tháng 8/1983, Nguyễn Chí Vịnh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin, nay là Trường Đại học Thông tin liên lạc với quân hàm Trung úy.

Ông được đặc cách gửi sang học tập tại Liên Xô nhưng đã từ chối. Thay vì chọn con đường thuận lợi, ông xin đi chiến trường Campuchia và bắt đầu cuộc đời binh nghiệp bằng hoạt động tình báo tại Đoàn 817, đơn vị tình báo trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh lúc còn nhỏ cùng cha là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và mẹ - bà Nguyễn Thị Cúc - tại nhà số 34 Lý Nam Đế năm 1963.

Tướng Lê Đức Anh lúc đó là Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, đã "gửi" ông Vịnh đến công tác tại một đơn vị đặc biệt, dưới quyền của sĩ quan chỉ huy tình báo lừng lẫy: Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc).

Giữa chiến trường thầm lặng và khốc nghiệt, căng thẳng, được sự dìu dắt tận tâm của chỉ huy và là người thầy nghiêm khắc nhưng cũng tràn đầy yêu thương, ông Vịnh trưởng thành (sau này, ông viết cuốn “Người Thầy” với 500 trang về người thầy lớn Ba Quốc của mình).

Ông Nguyễn Chí Vịnh trong một buổi họp với thầy của mình - Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc).

Tháng 11/1999, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng, sau đó giữ chức Tổng cục trưởng Tình báo Quốc phòng.

Tháng 3/2009, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng.

Từ cuối năm 2009, ông thôi kiêm nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng để toàn tâm thực hiện trọng trách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách đối ngoại.

Từ đây, một nhà chiến lược xuất sắc bắt đầu tỏa sáng sau những năm tháng âm thầm làm việc ở lĩnh vực bí mật của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khoảng thời gian của nghề tình báo đã có ý nghĩa rất lớn khi ông ở cương vị đối ngoại này.

Cuốn "Người thầy" của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Chia sẻ trên báo chí, ông cho biết, nghề tình báo dạy cho mình hiểu hơn thế nào là xâm hại của bên ngoài đối với đất nước mình, giúp ông hiểu cần nhất quán trong quan điểm.

Khi làm đối ngoại Quốc phòng, chỗ này có thể thương lượng, chỗ kia có thể mềm dẻo, nhưng bước tới ranh giới xâm phạm lợi ích quốc gia, thì ngay lập tức phải có thái độ rõ ràng.

Nhà chiến lược đối ngoại Quốc phòng xuất sắc

Trong 12 năm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có nhiều đóng góp thúc đẩy đối ngoại Quốc phòng Việt Nam phát triển. Ông nổi tiếng với bản lĩnh vừa sắc sảo vừa mềm dẻo vừa kiên định trong quan hệ đối ngoại, thường xuyên lên tiếng về những vấn đề gai góc.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (thứ hai từ trái qua) trong cuộc nói chuyện với cố Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ John McCain.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người đầu tiên phát biểu công khai về chính sách quốc phòng "3 không" của Việt Nam năm 2010 (không liên minh, liên kết; không đi với nước này chống nước kia; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam).

Ông đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng, đưa Cảng Quốc tế Cam Ranh vào hoạt động, trở thành biểu tượng cụ thể về chính sách quốc phòng "4 không" hiện nay của Việt Nam (không liên minh quân sự, không đi theo nước này chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam để chống lại nước khác và không dùng vũ lực, đe dọa hòa bình trong quan hệ quốc tế).

Ông đóng vai trò then chốt trong việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus) đầu tiên tại Hà Nội năm 2010 với sự tham gia của 18 bộ trưởng quốc phòng (10 nước ASEAN và 8 cường quốc lớn). Đây là một trong những thành tựu nổi bật trong sự nghiệp của ông.

Ông cũng nhiều lần lên tiếng về vấn đề gai góc. Ông khẳng định, các nước lớn phải tôn trọng luật chơi của ASEAN và không nước nào có thể buộc Việt Nam chọn bên vì Việt Nam độc lập, tự chủ, giành và giữ độc lập bằng sức của mình.

Về vấn đề Biển Đông, ông từng bày tỏ quan điểm: "Không một ai ở đất nước này có suy nghĩ rời bỏ hoặc nhân nhượng về chủ quyền, đặc biệt là những nhà lãnh đạo. Nếu để mất Biển Đông, quân đội Việt Nam, các nhà lãnh đạo sẽ có tội với đất nước. Trong quân đội, từ trên xuống dưới, đều coi Biển Đông là sống còn. Chủ quyền lãnh thổ là điều chúng ta tuyệt đối không bao giờ buông tay".

Mai Nguyễn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/cuoc-doi-binh-nghiep-xuat-sac-cua-tuong-nguyen-chi-vinh-1900355.html