Cuộc đổ bộ đau đớn nhất của Mỹ trong Thế chiến II

Vào thời điểm kết thúc cuộc đổ bộ lên đảo Peleliu, thiệt hại nhân mạng của Mỹ đã lên tới 9.000. Nhưng chiến thắng đau đớn này là vô nghĩa về mặt chiến lược.

Vào ngày 14/9/1944, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến số 1 của Mỹ đã thực hiện một cuộc đổ bộ lên đảo Peleliu, khởi đầu chiến dịch Chiến dịch Stalemate, một chiến dịch đổ bộ chiếm đảo được đánh giá là thảm kịch đẫm máu của quân đội Mỹ trong Thế chiến II.

Đảo Peleliu là một hòn đảo thuộc Quần đảo Palau ở Thái Bình Dương, khi đó đang nằm dưới sự chiếm đóng của quân Nhật. Người Mỹ cố chiếm hòn đảo này nhằm hỗ trợ cho cuộc đổ quân vào Philippines của tướng Douglas MacArthur.

Quân đội Mỹ khi đó không có nhiều thông tin về đảo Peleliu. Đô đốc William Halsey đã phản đối triển khai Chiến dịch Stalemate. Ông cho rằng chiến dịch này là không cần thiết, đặc biệt là khi tính đến những rủi ro có thể xảy ra.

Quân Mỹ đã bắn phá Peleliu dữ dội trước khi tiến hành cuộc đổ bộ. Dù vậy, đòn phủ đầu này không gây ra thiệt hại đáng kể. Lính phòng vệ Nhật Bản ở trên hòn đảo đóng quân rất sâu trong rừng rậm, và thông tin tình báo của Mỹ về mục tiêu đã bị sai lệch.

Khi đổ bộ, Thủy quân Lục chiến Mỹ gặp rất ít kháng cự. Nhưng đó chỉ là một cái bẫy. Khi quân Mỹ đã tập kết với số lượng lớn trên một diện tích chật hẹp, hỏa lực của người Nhật đồng loạt nã vào dồn dập.

Hơn 20 tàu đổ bộ của Mỹ đã bị tiêu diệt. Xe tăng và lính Nhật cũng tiến lên mạnh mẽ, trong khi hai trung đoàn Thủy quân Lục chiến số 1 và số 5 Mỹ vì quá bất ngờ nên chỉ biết cuống cuồng chiến đấu nhằm giữ lấy mạng sống.

Ngày càng có nhiều lính Nhật xuất hiện từ những hang động giữa rừng sâu. Trong vòng một tuần sau cuộc đổ bộ, Thủy quân Lục chiến Mỹ đã chết 4.000 người.

Nhờ hỏa lực vượt trội của súng phun lửa và bom, cuối cùng người Mỹ cũng chiếm được đảo Peleliu. Vào thời điểm chiến dịch kết thúc, thiệt hại nhân mạng của Mỹ đã lên tới 9.000. Con số thương vong ở phía Nhật là hơn 13.000 người.

Nhưng chiến thắng đau đớn này là vô nghĩa. Tướng MacArthur đã đổ bộ vào Philippines mà hoàn toàn không cần đến sự hỗ trợ của lực tượng từ đảo Peleliu...

Mời quý độc giả xem video: Nhà thờ Đức Bà Paris | VTV.

T.B (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/cuoc-do-bo-dau-don-nhat-cua-my-trong-the-chien-ii-1616483.html