Cuộc di cư khỏi Nga, 'kẹo đắng' của doanh nghiệp nước ngoài từ bỏ Moscow?

Thông tin mới nhất về 'cuộc di cư' là người khổng lồ thực phẩm của Pháp - Danone vừa hoàn tất việc bán tài sản của mình và chính thức rời Nga. Giới truyền thông lại một lần nữa 'tô đậm' về cái giá khá đắt khi một nhà kinh doanh phải từ bỏ mảnh đất 'màu mỡ' trải dài từ Đông Âu sang Bắc Á này.

Công ty thực phẩm khổng lồ của Pháp Danone hoạt động tại hơn 140 quốc gia, vào Nga từ năm 1992. (Nguồn: Zuma Press)

Công ty thực phẩm khổng lồ của Pháp Danone hoạt động tại hơn 140 quốc gia, vào Nga từ năm 1992. (Nguồn: Zuma Press)

Công ty thực phẩm khổng lồ Danone thông báo, họ vừa hoàn tất việc bán tài sản và đang kết thúc hoạt động tại Nga - quốc gia từng chiếm khoảng 5% doanh thu toàn cầu của công ty và cũng là nơi doanh nghiệp hàng đầu của Pháp đã hoạt động hơn 30 năm.

Theo Ukrinform, Tập đoàn Danone đã thông báo hoàn tất việc mua bán trong một thông cáo báo chí một ngày trước đó.

“Hôm nay, Danone thông báo đã hoàn tất việc bán doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của mình ở Nga cho Vamin R LLC sau khi nhận được các giấy phép cần thiết từ các cơ quan quản lý của Nga”, thông cáo cung cấp thông tin cơ bản, nhưng không tiết lộ thêm bất kỳ chi tiết nào.

Tờ Le Figaro đề cập nhiều thông tin chi tiết hơn về việc rời đi của Danone.

Theo đó, vào cuối tháng 3, tập đoàn Pháp thông báo họ đã nhận được sự chấp thuận cần thiết từ các cơ quan quản lý của Nga để bán công ty con ở thị trường này và gần đạt được thỏa thuận với người mua. Tuy nhiên, đến nay thương vụ này mới được hoàn tất.

Theo truyền thông, việc bán doanh nghiệp sản xuất sữa và rau quả cho Vamin R LLC - được gọi là Vamin Tatarstan - một công ty sữa Nga thuộc sở hữu của Mintimer Mingazov, người có quan hệ với nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, đã được lên kế hoạch”.

Hồi tháng 3, có tin Vamin Tatarstan sẵn sàng trả 17,7 tỷ Ruble, trong khi các chuyên gia lưu ý, giá trị thực tế của khối tài sản thực nằm trong khoảng từ 60 đến 80 tỷ.

Tập đoàn của Pháp cũng đã phải mất hơn 7 tháng sau chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine để bắt đầu quá trình rời khỏi Nga. Đến tháng 10/2022, hãng này mới công bố kế hoạch rời khỏi thị trường Nga. Nhưng sau đó, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh quốc hữu hóa Danone.

Theo truyền thông quốc tế, sự kiểm soát của nhà nước Nga đã chặn quá trình mua bán như các chủ sở hữu đã dự tính. Như vụ việc của Danone, chính quyền đã bổ nhiệm ông Yakub Zakriyev, cháu trai của lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov và người đứng đầu Bộ Nông nghiệp nước cộng hòa này, làm Giám đốc điều hành mới.

Công ty Danone của Pháp là một trong những nhà sản xuất các sản phẩm sữa và thực phẩm khác lớn nhất, hoạt động tại hơn 140 quốc gia. Danone vào Nga vào năm 1992, tài sản ở Nga của công ty này đã được đăng ký với cái tên Danone Russia Corporation. Sau nhiều năm hoạt động tốt tại Nga, tháng 10/2022, dưới áp lực của các lệnh trừng phạt kinh tế Nga, Danone đành quyết định từ bỏ quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh sữa của mình ở Nga và rời khỏi thị trường.

Theo giới truyền thông quốc tế, Danone chỉ là một trường hợp cho thấy “cái giá khá đắt” của các doanh nghiệp quốc tế muốn từ bỏ Nga - mảnh đất vốn từng rất “màu mỡ” đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo phân tích mà Reuters công bố hồi cuối tháng 3, các công ty nước ngoài đã rời khỏi Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022 đã mất 107 tỷ USD trong quá trình rút lui khỏi thị trường này.

Lần cuối cùng Reuters công bố bản phân tích về hồ sơ và báo cáo của công ty là vào tháng 8/2023. Vào thời điểm đó, các công ty nước ngoài rời khỏi Nga đã thiệt hại hơn 80 tỷ USD trong quá trình rời đi. Dữ liệu mới nhất tái hiện số liệu đó đã gia tăng mạnh, thêm tới 30% - kể từ phân tích cuối cùng nói trên.

Theo đó, các công ty rời khỏi Nga sẽ không chỉ mất doanh thu mà còn bị tiêu hao nhiều loại tài sản khác, trong đó có các khoản phí khổng lồ - khi Moscow thực hiện các biện pháp ngày càng mạnh tay đối với các công ty muốn rời bỏ Nga. Họ sẽ còn phải đối mặt với những khó khăn hơn nữa và phải chấp nhận các khoản lỗ lớn hơn. Những biện pháp này bao gồm, yêu cầu các công ty nước ngoài bán tài sản của họ với mức chiết khấu 50% và trả lại ít nhất 10% số tiền bán được cho ngân sách liên bang.

Washington đã gọi những khoản phí như vậy là “thuế xuất cảnh”.

Liên tục thắt chặt các yêu cầu rút lui, các công ty muốn rời khỏi Nga phải được Moscow chấp thuận. Các công ty hoạt động trong các lĩnh vực như năng lượng và ngân hàng phải cần có sự phê duyệt của cá nhân ông chủ Điện Kremlin.

Không biết có phải do những lý do cực kỳ “khắc nghiệt” nêu trên, nên dù đã có hàng nghìn công ty nước ngoài cam kết rời khỏi Nga từ sau khi nước này khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (2/2022), mới chỉ có hơn 372 doanh nghiệp trong số họ đã rút lui hoàn toàn, theo số liệu của Trường Kinh tế Kiev.

502 công ty khác đang trong quá trình rút khỏi nước này, trong khi 702 công ty khác chỉ mới tạm dừng hoạt động tại Nga. Các công ty đang cố gắng bán tài sản của họ ở Nga trong năm nay, gồm gã khổng lồ năng lượng Shell, Ngân hàng toàn cầu HSBC, Công ty khai thác mỏ Polymetal International và Công ty công nghệ Yandex.

Theo tính toán của Reuters, doanh số bán tài sản của họ đạt gần 10 tỷ USD và chúng được bán với mức chiết khấu lên tới 90%.

Cuộc di cư khỏi Nga của các doanh nghiệp quốc tế lớn, hiện chia thành hai xu hướng, một số tên tuổi lớn nhất của phương Tây, như McDonald's, Starbucks và Ikea – đã rời Nga, trong khi một số khác vẫn đang hoạt động, gồm Nestlé, Unilever và Mondelez...

Tuy nhiên, theo công bố của Tạp chí Forbes Nga hồi cuối năm 2023, bảng xếp hạng hàng năm với 50 công ty nước ngoài lớn nhất hoạt động ở Nga tính đến ngày 20/9 (có hơn 50% thuộc sở hữu của các tập đoàn hoặc cá nhân nước ngoài). Theo đó, các tập đoàn của Mỹ, Pháp và Đức vẫn tiếp tục thống trị thị trường này, bất chấp làn sóng ra đi của các doanh nghiệp phương Tây sau khi bùng nổ xung đột ở Ukraine. Trong số này có các doanh nghiệp Đức, với tổng số tiền đóng góp thuế vào ngân sách Nga năm 2022 lên tới 402 triệu USD.

Trong khi đó, theo Rossiyskaya Gazeta của Nga, trong 9 tháng đầu năm 2023 vẫn có 16 thương hiệu hàng tiêu dùng nước ngoài đến Nga - là con số kỷ lục kể từ năm 2019.

Nhộn nhịp người cũ và người mới, Nga vẫn là thị trường màu mỡ bất chấp lệnh trừng phạt. Thực tế cho thấy, ở thời điểm này, các công ty nước ngoài gia nhập thị trường Nga có nguồn gốc địa lý đa dạng hơn, không chỉ là các chuỗi bán lẻ từ Mỹ và châu Âu như trước đây.

(theo Businessinsider, Ukrinform)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-di-cu-khoi-nga-keo-dang-cua-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-tu-bo-moscow-271990.html