Cuộc đại thảm sát vì cà phê

Cuối thập niên 1970, bạo chúa Idi Amin điên cuồng nắm lấy lợi nhuận cà phê và tàn sát nhân dân của mình.

Với tình trạng hối lộ tràn ngập, chế độ đàn áp ở châu Phi và Nam Mỹ, giá cà phê tăng cao của những năm cuối thập niên 1970 làm giàu kho bạc của chính phủ và đầu sỏ chính trị truyền thống. Tại Uganda, bạo chúa Idi Amin điên cuồng nắm lấy gần như toàn bộ lợi nhuận cà phê và tàn sát nhân dân của mình.

Amin - có học thức bậc trung nhưng đầu óc sắc sảo lên nắm quyền vào năm 1971, sau khi giúp lật đổ Milton Obote. Ông ta bắt đầu hủy hoại nền kinh tế, một phần là do quyết định tách ra khỏi cộng đồng kinh doanh châu Á. Là người Hồi giáo, Amin sau đó chuyển sự chú ý tới Kitô giáo, dẫn đến cái chết của 300.000 người sau đó.

Hình ảnh bạo chúa Idi Amin bắt người Anh và Mỹ quỳ gối năm 1975. Ảnh: Nile Post.

Vào năm 1977, các ngành công nghiệp luyện kim đồng và sản xuất bông vải đã hầu như bị phá hủy, cà phê trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Uganda. Dưới sự cai trị của Amin, sản lượng thu hoạch cà phê giảm 35%, nhưng với việc cà phê tăng giá sau đợt sương giá, hạt cà phê trở thành nguồn cung cho lối sống xa hoa của nhà độc tài và chi trả chi phí quân đội.

Trong tháng 3/1977, tờ New York Times báo cáo rằng Mỹ đã trả 200 triệu đôla một năm cho cà phê Uganda để hỗ trợ chế độ tham nhũng, trong khi 80% dân Uganda chỉ vừa đủ sống trên mảnh vườn của họ. Phần lớn các nhà lãnh đạo châu Phi làm lơ, hoặc là ủng hộ Amin, nhưng đến cuối năm, các nhà hoạt động ở Mỹ lên tiếng.

Nghị sĩ mới của Ohio, Donald Pease, đã đệ trình một dự luật vào Hạ viện nhằm buộc thực hiện cuộc tẩy chay cà phê Uganda, chiếm khoảng 6% lượng cà phê nhập khẩu của Mỹ, nhưng lại là 1/3 toàn bộ lượng xuất khẩu của Uganda. General Foods, P & G, Nestlé và các hãng rang xay lớn khác phối hợp ban hành một tuyên bố thông qua Hiệp hội Cà phê Quốc gia, gọi các vụ thảm sát ở Uganda là “đáng ghê tởm và mâu thuẫn về mặt đạo đức”, nhưng họ yêu cầu một “chính sách quốc gia thống nhất” về phương hướng; nói cách khác, họ từ chối thực hiện cuộc tẩy chay cho đến khi chính phủ buộc họ phải làm như vậy.

Với sự suy giảm sản lượng ở Angola, cà phê Robusta xuất khẩu từ Uganda trở nên khá quan trọng đối với các hãng rang xay lớn cho các loại cà phê xay bình thường.

Trong tháng 2/1978, một tiểu ban của Quốc hội tổ chức phiên điều trần về tình hình ở Uganda. Các vị nghị sĩ đã nghe lời khai khủng khiếp, trực tiếp từ một số người Uganda bỏ xứ mà đi.

Remigius Kintu, con trai của một nông dân trồng cà phê, lặp đi lặp lại câu nói đùa cực kỳ phổ biến trong các hộ trồng cà phê đã trốn khỏi đất nước: “Nếu ai đó có một ngôi nhà ở địa ngục và một trang trại lớn ở Uganda, ông ta sẽ bán nhanh trang trại đó và vội vàng chuyển đến căn nhà ở địa ngục để được an toàn”.

Nhiệm vụ chính thức mà quân đội giết chóc của Amin thực hiện là “khủng bố, giết người, hãm hiếp, cướp và tra tấn người Uganda”. Kintu nói về những tù nhân bị buộc phải uống nước tiểu của lính canh, những người đàn ông bị bắt phải bò trên mảnh kính vỡ với tay và chân bị còng, những tiếng kêu rên liên tục vang lên từ những trại tập trung ở Uganda. Kintu cho biết Amin đã biến Uganda thành “một lò mổ lớn”.

Lời khai đó đã lay người và khi Julius Katz từ Bộ Ngoại giao chọn giải pháp hòa hoãn tạm thời, cho rằng “cấm vận chỉ nên dành cho những trường hợp bất thường”, đại diện Stephen Solarz gợi ý rằng ông và các đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao nên đọc qua cuốn sách While Six Million Died (tạm dịch: Khi 6 triệu người chết), tài liệu về việc Mỹ không hành động gì trong vụ thảm sát của Đức với dân Do Thái trong Thế chiến thứ hai.

George Boecklin, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Quốc gia, cho rằng nếu các hãng rang xay hành động một mình, họ sẽ phải đối mặt với “nguy cơ chống độc quyền nghiêm trọng". Chủ tịch của phiên điều trần nhận xét rằng đây là một quan điểm “tự huyễn hoặc”, khó có khả năng là sự thật.

Một người lưu vong Uganda làm chứng: “Đối với tôi, những doanh nhân người Mỹ tiếp tục kinh doanh với Idi Amin đang buôn bán cái chết, quan tâm đến số dư trong tài khoản ngân hàng của mình nhiều hơn là nỗi thống khổ của con người".

Donald Pease hỏi: “Có phải các công ty cà phê Mỹ sẵn sàng kinh doanh với một người diệt chủng như Amin hay Hitler, miễn là giá cả hợp lý?". Rõ ràng, câu trả lời là có, đặc biệt là đối với các nhà nhập khẩu như Claude Saks.

“Thống kê nhập khẩu của chúng tôi từ Uganda là rất lớn”, ông nhớ lại, “và thực tế này đã được một nhà bình luận tại Washington Post để mắt tới. Chúng tôi bị chỉ trích vì hỗ trợ chế độ phát xít và vô nhân đạo của nhà độc tài Idi Amin ”.

Những tờ báo khác tiếp nhận câu chuyện và Saks sớm nhận được thư từ Tổng Giáo phận New York, nhà thờ Tin Lành, các tổ chức nhân quyền và công dân. Saks đã phải tìm tới các cố vấn pháp lý với "vấn đề về công chúng". Các luật sư khuyên ông không trả lời thư từ của người biểu tình và các bài báo, rồi “quan sát xem các cơn bão có qua đi hay không”.

Sau phiên họp, các hãng rang xay chờ đợi phản ứng của Quốc hội. Thứ Hai, ngày 15/5, P & G biết được rằng Hạ viện đang ngấp nghé thông qua nghị quyết lên án Amin và thúc giục Tổng thống Jimmy Carter thực hiện một lệnh cấm vận.

Ngày hôm sau, P & G thông báo mạnh mẽ rằng Folgers sẽ không mua bất kỳ hạt cà phê nào của Uganda. Nhanh chóng, Nestlé ban hành một tuyên bố rằng họ đã ngừng mua cà phê Uganda từ tháng trước và General Foods nói rằng công ty đã ngừng mua trực tiếp từ Hội đồng Cà phê Uganda, dù vào chính tháng đó, General Foods vẫn mua hạt cà phê Uganda qua môi giới.

Cuối tháng 7/1978, Quốc hội cuối cùng bỏ phiếu để áp đặt lệnh cấm vận đối với cà phê của Uganda. Tuy không có quốc gia nào khác dự phần vào cuộc tẩy chay nhưng việc này cũng làm suy yếu lực lượng hỗ trợ của Amin.

Trong tháng 4/1979, Julius Nyerere từ Tanzania gửi quân tới Uganda lật đổ chính quyền Amin, một vài lãnh đạo lâm thời được cử lên và cuối cùng là Milton Obote trở lại chính trường.

Cuộc tẩy chay cũng được bãi bỏ vào tháng 5, việc kinh doanh hoạt động trở lại bình thường. Nhưng không may cho Uganda, Obote cũng tàn nhẫn và tham nhũng không kém gì Amin, khủng bố và giết người vẫn tiếp tục trong nhiều năm mà không có bất kỳ động thái phản đối nào từ phía cộng đồng quốc tế.

Mark Pendergrast / Thái Hà Books và NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-dai-tham-sat-vi-ca-phe-post1349773.html