'Cuộc chiến' tiền lẻ tại BOT QL5 khiến chủ đầu tư buộc phải 'xả' trạm

Nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng để trả tiền phí khi qua trạm thu phí số 1 trên Quốc lộ 5 (Phố Nối, Hưng Yên) vào chiều 4/9 khiến QL này bị ùn tắc giao thông đang thu hút dư luận.

BOT Quốc lộ 5 đối mặt “cuộc chiến” tiền lẻ

Theo VnEconomy, từ năm 2003, các phương tiện đi trên Quốc lộ 5 phải nộp phí với mức 10.000 đ/lượt/trạm/xe tiêu chuẩn. Nhưng từ năm 2009, để thu phí hỗ trợ dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã thu phí 40.000 đ/lượt/xe gây bức xúc cho người dân. Đỉnh điểm là ngày 4/9, các doanh nghiệp vận tải cố tình trả tiền lẻ qua trạm, người dân cản trở thu phí, khiến chủ đầu tư buộc phải “xả” trạm.

Tại trạm thu phí trên Quốc lộ 5, đoạn qua tỉnh Hưng Yên, đến 18h ngày 4/9 đã xảy ra tắc nghẽn cục bộ. Tình trạng kéo dài cả 2 chiều vì một số xe tải trả phí qua trạm bằng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng. Hơn thế, còn có hiện tượng xe tự “chết máy” ngay khi vào làn trạm thu phí.

Ông Trần Anh Tú, Phó Tổng giám đốc VIDIFI cho biết: trước đó, các đơn vị thu phí đã tính toán để lường trước tình trạng lái xe trả tiền lẻ qua trạm. Đơn vị cũng đã sẵn sàng bố trí nhân lực, nếu lái xe trả tiền lẻ sẽ yêu cầu di dời vào khu vực riêng, có nhân viên trực tiếp ra lề đường thu phí để tránh ùn tắc trước cổng trạm. Tuy nhiên, tình hình diễn biến khá phức tạp vì cả những người dân trong khu vực cản trở thu phí.

Tại trạm thu phí trên Quốc lộ 5, đoạn qua tỉnh Hưng Yên, đến 18h ngày 4/9 đã xảy ra tắc nghẽn cục bộ.

Sáng ngày 5/9, ông Tú cho biết thêm: theo dõi qua camera, VIDIFI và các lực lượng chức năng xác định lái xe của 20 xe tải, chủ yếu xe có logo Đức Chính, đã dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng để trả tiền phí, gây ùn tắc cục bộ chiều từ Hải Dương đi Hà Nội. Sau đó, các xe này vòng đi, vòng lại nhiều lần gây ùn tắc cả hai chiều. Có trường hợp xe đột ngột “chết máy” trong làn thu phí khiến ùn tắc nghiêm trọng.

Theo ý kiến phản ảnh của người dân tại các huyện Văn Lâm, Văn Giang, do phí qua trạm quá cao (40 nghìn đồng/lượt) nên xe tải đã tìm cách trốn đi vào các đường liên xã, huyện, tỉnh. Tình trạng này kéo dài đã làm hỏng đường, tăng tai nạn giao thông, vì thế, người dân phải ra đường chặn xe để phản đối trạm thu phí.

“Trước tình hình ùn tắc kéo dài, VIDIFI đã quyết định cho phép xả trạm thu phí trong khoảng 20 phút để các phương tiện lưu thông”, ông Tú nói. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện, có việc kích động gây cản trở thu phí tại Quốc lộ 5 khiến phải “xả” trạm thu phí. Những hình ảnh gây rối đã bị các lực lượng chức năng xử lý kịp thời, nhưng sẽ tạo ra những tiền lệ xấu.

“Đây là dự án thu phí hỗ trợ dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chưa phải là BOT”, ông Huyện nhấn mạnh.

Hầu hết các xe tải mà tài xế dùng tiền lẻ để trả tiền phí qua trạm đều mang logo Đ.C –Đức Chính.

Được biết, hầu hết các xe tải mà tài xế dùng tiền lẻ để trả phí qua BOT QL5 đều mang logo Đ.C – Đức Chính thuộc Công ty TNHH Thương Mại Đức Chính (có trụ sở tại tỉnh Hải Dương). Để làm rõ nguyên nhân, chiều 5/9, PV Kiến thức đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Đức Chính.

Nói về việc nhiều lái xe của Công ty TNHH Thương Mại Đức Chính dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng để trả tiền phí khi qua trạm thu phí, ông Chính lý giải: Mục đích của tôi muốn phản đối một cách văn hóa nhất, lịch sự nhất mà không vi phạm pháp luật. Pháp luật Việt Nam không cấm sử dụng tiền lẻ để trả phí đường. Tôi luôn quán triệt đội lái xe là phải lịch sự, tươi cười, không vi phạm pháp luật, không làm gì quá đáng hết. Tất cả phải chấp hành theo đúng pháp luật khi trả tiền lẻ.

Trước câu hỏi, tuy việc đưa tiền lẻ không vi phạm pháp luật, nhưng đã giá tiếp gây ùn tắc giao thông tại trạm thu phí này nhất là thời điểm cao điểm người dân trở lại Hà Nội sau dịp nghỉ lễ 2.4, ông Chính cho rằng: "Đến thời điểm này, tôi chưa nhận được cuộc điện thoại nào từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, một vài đồng chí Thanh tra Hải Dương có trao đổi với tôi rằng, việc làm như vậy không vi phạm pháp luật nhưng làm doanh nghiệp thì phải chú ý.

Theo tôi, nếu ai cũng có suy nghĩ như vậy thì người dân rất thiệt thòi. Theo tôi phí chồng phí như vậy là không có hợp lý".

Nguyên nhân từ đâu?

Nói về nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp ông đưa tiền lẻ cho tài xế qua trạm thu phí số 1 – QL5, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Đức Chính cho hay, năm 1998, hai trạm thu phí Quán Toan và Phố Nối trên Quốc lộ 5 bắt đầu hoạt động. Tới nay, sau mười mấy năm đáng lý phải hoàn vốn và bỏ hai trạm này. Và nếu có thu thì các trạm này chỉ nên thu bằng mức phí cũ để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Thế nhưng, bây giờ tăng phí xe con gấp 4 lần và tăng phí xe đầu kéo gần 3 lần như vậy là mức phí rất bất hợp lý.

"Công ty tôi có gần 60 đầu xe, so với mức phí cũ với mức thu hiện tại, mỗi tháng ảnh hưởng đến công ty khoảng 200 đến 400 triệu/gần 60 đầu xe. Theo tính toán, mỗi chuyến xe lưu thông từ điểm đi đến điểm đến, doanh nghiệp ông phải trả các phí các loại trên đường từ phí bảo trì đường bộ, BOT, các loại phí khác chiếm đến 30% tổng giá cước.

BOT tăng thì chúng tôi buộc phải tăng phí với khách hàng, khách hàng tăng thì người dân lại phải sử dụng sản phẩm đắt như kiểu "nước nổi thì bèo nổi".

Hơn nữa, thu phí cao như vậy, theo tôi, lái xe sẽ đi đường tránh, né trạm khiến nhiều đường dân sinh bị phá hỏng. Người dân ở ven đường bị ảnh hưởng đến an toàn tính mạng do nguy cơ tai nạn giao thông cao", ông Chính nói.

Và thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra do xe to đi đường nhỏ. Nếu nhà thầu cố tình thu phí cao, khiến nhiều xe trốn vé gây thất thoát, sao không giảm giá vé để không thất thoát tiền và đường dân sinh không bị hỏng.

Theo các chuyên gia giao thông, hầu hết các dự án BOT đang thực hiện không có bóng dáng nhà thầu ngoại mà chủ yếu là thầu nội với phương thức chỉ định thầu. Riêng đối với dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Bộ Giao thông Vận tải đã chào hàng với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà thầu Ấn Độ và công ty tư vấn đầu tư từ Úc đang rất quan tâm, xúc tiến chuyển nhượng.

Tuy nhiên, nếu các hỗ trợ của Nhà nước không được thực hiện và trạm thu phí tiếp tục ùn tắc như hiện nay, sẽ không nhà đầu tư ngoại nào dám mạo hiểm nhảy vào. Đó chính là điểm nghẽn trong dòng vốn để xây dựng hạ tầng của đất nước trong thời gian tới.

Minh Anh (TH)

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/cuoc-chien-tien-le-tai-bot-ql5-khien-chu-dau-tu-buoc-phai-xa-tram-p42812.html