Cuộc chiến săn kim loại hiếm

Tháng 9-2010, Ủy ban châu Âu (EC) lên danh sách 14 kim loại quý hiếm. Tháng 9-2010, Trung Quốc tuyên bố hạn chế xuất khẩu kim loại hiếm, giảm quota 72% từ nay đến cuối năm. Cũng trong tháng 9, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố bản báo cáo về sự phụ thuộc của quân đội trong nhiều sản phẩm kim loại mà hiện Trung Quốc là nguồn cung duy nhất.

Cuối tháng 8, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã rất hài lòng khi kết thúc chuyến thăm chính thức Hàn Quốc đầu tiên với hành trang mang về nước là các tài liệu quý, đáng kể nhất trong đó là biên bản ghi nhớ về nghiên cứu phát triển và công nghiệp hóa tài nguyên khoáng sản thuộc khu vực Uyuni, mở đường cho hợp tác đôi bên trong khai thác lithium. Đó mới chỉ là bước khởi đầu. Quan hệ ngoại giao Bolivia - Hàn Quốc được thiết lập từ năm 1965 nhưng trong suốt 45 năm qua, Hàn Quốc hầu như không hề mảy may chú ý tới đất nước Bolivia nghèo khổ. Còn Uyuni, cao nguyên ở Bolivia vẫn khá hoang sơ với hoạt động khai khoáng còn xa lạ. Nhưng vùng đất rộng lớn này lại chứa đựng đủ lượng lithium để bất kỳ ai tiếp cận được đều có khả năng làm chủ thị trường sản xuất pin cho xe hơi điện, máy tính xách tay và các loại điện thoại di động. Đây mới chính là mối bận tâm của Seoul. Thực tế, Hàn Quốc mới chỉ bắt đầu những bước đi đầu tiên trong việc đảm bảo nguồn cung độc lập các kim loại hiếm từ năm 2007 dù trước đó, một số nước đã nhận thấy thế giới đang thay đổi một cách sâu sắc, và rằng dầu lửa không ở vị trí độc tôn nữa. Các kim loại hiếm đang lên ngôi và là những chất liệu không thể thiếu để làm bộ pin nạp lại cũng như điốt phát quang; dùng trong máy tính notebook và động cơ tự động hoặc sản xuất thiết bị y tế hiện đại. Trong bối cảnh cạnh tranh trong các ngành công nghiệp trọng yếu ngày một gay gắt, các quốc gia phát triển đã thức tỉnh và tùy theo từng nước mà họ chọn những “kim loại chiến lược” cho riêng mình. Ví dụ ở Hàn Quốc, nhu cầu trong nước về kim loại hiếm ở đây được dự báo rất lớn. Kim loại hiếm được sử dụng để sản xuất 4,5% sản phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc năm 1970, và năm 2008, con số này tăng lên 65%. Ngoài việc trích thêm ngân sách hưu trí quốc gia và quỹ nhà nước để trữ kim loại hiếm, nước này cũng tính đến việc hoạch định lại các chính sách viện trợ phát triển đối với các quốc gia sở hữu nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản. Trong khi đó, Nhật Bản đã bắt đầu dự trữ các nguyên tố đất hiếm từ 1983. Từ đầu năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đã không ngừng đi đến nhiều nơi trên thế giới nhưng lại không hề tới London, Berlin hay Paris, thậm chí cả Bắc Kinh cũng không. Bù lại, ông Okada tới thăm Nam Phi, Việt Nam, Tanzania, Mông Cổ hay Kazakhstan và Australia, những nước giàu khoáng sản. Hay ở Trung Quốc, tuy chiếm tới 95% sản lượng kim loại hiếm trên thế giới nhưng dự trữ các nguyên tố đất hiếm sử dụng trong sản phẩm điện tử như chất bán dẫn đã được chú tâm khá sớm. Các công ty gia công kim loại ở phương Tây cũng từng bước đầu tư để sở hữu vài tấn kim loại hiếm trong bối cảnh đòi hỏi chặt chẽ cả về nguồn nhân lực và năng lượng. Theo ông Gal Luft, Giám đốc Học viện Phân tích và an ninh toàn cầu ở Washington, khắp nơi trên thế giới, chính sách đối ngoại của các chính phủ, vốn được định hình từ thế kỷ 20 dựa vào dầu lửa sẽ sớm bị thay thế bằng nhu cầu về dysprosium, cobalt hay platine... Một cuộc chiến săn tìm, giành giật tài nguyên khoáng sản đã bắt đầu. Tuy nhiên, các quốc gia công nghiệp hóa đều ganh đua để tiếp cận với những nguồn dự trữ lớn nhất thông qua các hợp đồng, thỏa thuận khai thác với các nước có trữ lượng lớn kim loại nếu không tính toán hợp lý sẽ có nguy cơ dẫn tới “sự thiếu hụt nguồn tự nhiên nghiêm trọng nhất mọi thời đại” trong tương lai. HÀ TRANG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thegioi/binhluan/2010/9/238429/