Cuộc chiến khó khăn của Mỹ ở Afghanistan

Năm 2001, lấy cớ tiêu diệt lực lượng khủng bố, quân Mỹ nhảy vào Afghanistan lật đổ chính quyền Taliban một cách dễ dàng và nhanh chóng lập nên chính quyền thân Mỹ. Một năm sau đó, chính quyền Washington tưởng như đã "làm chủ" tình hình Afghanistan để rảnh tay làm cuộc chiến tranh lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein ở Iraq. Nhưng bảy năm sau, gần 60 nghìn quân Mỹ với sự "hỗ trợ" của 38 nghìn quân của các nước đồng minh NATO khác (ISAF) và hơn 150 nghìn quân chính phủ Afghanistan, vẫn chưa bảo đảm an ninh cho Afghanistan. Quân Taliban và các lực lượng nổi dậy khác kiểm soát tình hình nhiều địa phương ở phía nam và đông, tiến công quân NATO và cơ quan chính quyền ở ngay Thủ đô Kabul. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đô đốc Mike Mullen ngày 16-7 thừa nhận rằng, quân Taliban tại Afghanistan đã tăng cường tiến công cũng như được tổ chức tốt hơn trong những năm gần đây. Các binh sĩ liên quân sẽ phải đương đầu với "cuộc chiến rất khó khăn" trước mắt. Ông Mullen nhận định, thật khó để xác định sẽ mất bao nhiêu lâu để có thể cải thiện tình hình an ninh tại quốc gia Trung Á này.

Tổng thống Mỹ B. Obama tuyên bố dành ưu tiên giải quyết cuộc chiến tranh ở Afghanistan bằng biện pháp "tăng thêm quân viễn chinh Mỹ cho chiến trường này" ngay trong năm nay để tiêu diệt lực lượng Taliban. Ông Obama đã chỉ thị triển khai bổ sung 21 nghìn lính Mỹ tới Afghanistan trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ở nước này vào ngày 20-8 tới, đưa tổng số lính Mỹ đồn trú tại Afghanistan lên tới 68 nghìn quân vào cuối năm nay, tăng hơn hai lần so với 32 nghìn quân hồi cuối năm 2008. Theo hướng này, từ ngày 2-7, khoảng bốn nghìn lính thủy đánh bộ tinh nhuệ Mỹ và hơn 650 quân Afghanistan, được trang bị vũ khí hiện đại và có máy bay yểm trợ, đã triển khai một cuộc tiến công quy mô lớn mang tên "Chiến dịch Khanjar" (Chiến dịch dao găm) vào các căn cứ của Taliban ở tỉnh Henman, giáp với Pakistan, nơi được coi là "thành trì" của quân nổi dậy Taliban ở miền nam Afghanistan, nhằm bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử. Với chiến thuật mới là tiêu diệt các tay súng Taliban, chia rẽ và tranh thủ các phần tử Taliban "ôn hòa", liên quân do Mỹ chỉ huy vừa tiến công vào các căn cứ của Taliban vừa tranh thủ vận động các tộc trưởng để cô lập và "nhổ tận gốc" lực lượng Taliban. Đồng thời, máy bay Mỹ liên tục bắn tên lửa và giội bom vào những căn cứ của Taliban, truy đuổi các thủ lĩnh Taliban trên vùng biên giới giữa Afghanistan và Pakistan. Tuy nhiên kết quả không như mong muốn, liên quân bị thiệt hại nặng nề về người. Theo thống kê của quân đội Mỹ, tháng 7 trở thành tháng thương vong nhiều nhất đối với lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu tại Afghanistan. Từ đầu tháng 7 tới ngày 21-7, đã có 55 binh sĩ liên quân bị giết, trong đó có 30 lính Mỹ, 17 lính Anh và bốn lính Canada. Con số này đã nhiều hơn số binh sĩ liên quân bị chết trong tháng 6 và tháng 8 năm ngoái là hai tháng liên quân bị tổn thất nặng nề nhất kể từ khi tiến hành cuộc chiến tại Afghanistan năm 2001. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, số lính Mỹ thiệt mạng tại Afghanistan từ đầu tháng 7 đến nay đã "ở mức báo động". Báo chí phương Tây bình luận, binh sĩ Mỹ tham gia Chiến dịch Khanjar truy quét Taliban tại Afghanistan đang phải gánh chịu những tổn thất, thương vong bất ngờ và thậm chí khó có thể hoàn thành nhiệm vụ do phải đối mặt với cuộc chiến tranh du kích do lực lượng phiến quân tiến hành. Chuyên gia phân tích Afghanistan, G. Muda nhận định, mặc dù lực lượng đông đảo, trang bị tốt, nhưng quân Mỹ sẽ dần bị hao tổn sức lực do thời gian chiến dịch kéo dài, thời tiết nắng nóng và các loại bẫy bom mìn của quân nổi dậy Taliban. Nhà phân tích này cho rằng, chiến thuật "phục kích chớp nhoáng rồi rút chạy" mà Taliban đang áp dụng để đối phó với quân Mỹ cũng tương tự chiến thuật đã được lực lượng này sử dụng trong những năm 80 của thế kỷ trước. Bản thân người phát ngôn Taliban Yousuf Ahmadi cũng cảnh báo, các tay súng Taliban sẽ lợi dụng địa hình phức tạp, sự quen thuộc thông thổ để phục kích tiêu diệt quân Mỹ, tránh đối đầu trực diện với quân Mỹ. Báo chí Mỹ từng cảnh báo, một khi có nhiều quân Mỹ được đưa đến Afghanistan và tiến hành nhiều cuộc tiến công càn quét thì thương vong càng lớn. Các thủ lĩnh cấp cao của Taliban ở đâu vẫn là điều vô cùng bí mật đối với quân Mỹ. Nhiều người Afghanistan còn nhớ rõ rằng Washington đã từng "bỏ rơi" họ và chính Taliban là do Mỹ dựng nên và huấn luyện để thực hiện mưu đồ của Washington tại khu vực này. Thực tế chiến trường cho thấy, cuộc chiến tranh của Mỹ tại Afghanistan trong hơn tám năm qua, như mạng tin American Interest mới đây nhận xét là "khá tốn kém và kết cục của nó không rõ ràng, trong khi các lực lượng nổi dậy có nhiều khả năng tiếp tục các chiến dịch bạo lực gây mất ổn định". Tiếp tục can dự hay là rút lui khỏi Afghanistan đang là vấn đề được bàn thảo trong chính giới Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ B. Obama hôm 14-7 đã có bài phát biểu bày tỏ, hy vọng hoạt động quân sự tại Afghanistan bước sang một giai đoạn mới sau cuộc bầu cử tổng thống nước này ngày 20-8 tới, trong đó liên quân có thể từng bước rút khỏi Afghanistan, chuyển giao công tác an ninh cho quân đội và cảnh sát nước này. TRỊNH MINH PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=153332&sub=82&top=45