Cuộc chiến in tiền ở Nga: Putin khó xử

Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga và cố vấn Tài chính của Putin đang có những chiến lược đối nghịch nhau trong cuộc chiến in tiền.

Reuters dẫn nguồn tin thân cận với Chính phủ Nga cho thấy đến nay, bà Elvira Nabiulina - Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga vẫn kiên quyết với ý tưởng không in thêm tiền để bơm vào nền kinh tế dù sức ép gia tăng khi dự trữ ngoại tệ đang cạn dần. Bên cạnh đó, mức chi tiêu cho chương trình kinh tế trong cuộc bầu cử quốc gia Nga vào năm 2018 cũng cần phải tiến hành trong khoảng thời gian này.

Ngân hàng Trung ương dưới sự nắm quyền của bà Nabiulina cực lực phản đối bật cỗ máy in tiền trước thềm bầu cử.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tại Nga đang hình thành quan điểm kinh tế đối lập nhau: Một là nhóm Câu lạc bộ Stolypin có chuyên gia kinh tế kiêm cố vấn Tổng thống, ông Sergey Glaziev. Hai là những người ủng hộ cựu Bộ trưởng Kinh tế Aleksey Kudrin, nay đang lãnh đạo Trung tâm Soạn thảo chiến lược.

Nhóm thứ nhất đề nghị giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách bằng máy in tiền, dựa vào kinh nghiệm của các nước phát triển.

Câu lạc bộ này đề nghị một cơ chế mới để giải quyết thâm hụt ngân sách. Đó là phát hành trái phiếu quốc gia bằng đồng ruble, được chuyển đổi sang ngoại tệ vào ngày thanh toán. Theo đại diện của câu lạc bộ này, hình thức trái phiếu này giảm rủi ro liên quan đến ngoại tệ và mang lại thu nhập 2- 3%.

Hồi tháng 9, nhóm này đưa ra một dự thảo cho kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế với số tiền cần thiết đã cao hơn trước đó và đạt 1,92 nghìn tỷ ruble. Số tiền được phía câu lạc bộ này tuyên bố còn nhỏ hơn chi phí cho tham dự Olympic vừa qua.

Nhóm thứ hai của cựu Bộ trưởng Kinh tế Aleksey Kudrin thì bác bỏ hoàn toàn đề xuất in tiền.

Nhóm cố vấn kinh tế thân cận với Điện Kremlin đã kêu gọi chính phủ tăng cường chi tiêu để giúp đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái sau khi hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine cùng đà lao dốc của giá dầu.

Chính phủ Nga sẽ làm gì?

Trong khi nền kinh tế Nga đang đối đầu nhiều khó khăn, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định Moscow sẽ không thực hiện in tiền để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong một tuyên bố mới đây trên nhật báo Rossiyskaya Gazeta, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho hay Moscow sẽ không thực hiện in tiền để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và không cho phép tư tưởng dân túy chi phối các chính sách về ngân khố quốc gia.

Đây là "tuyên bố về chính sách kinh tế" đầu tiên của Chính phủ Nga kể từ sau cuộc bầu cử Duma quốc gia (Hạ viện) Nga hôm 18/9. Trong đó, Thủ tướng Medvedev cam kết sẽ thực hiện chính sách ngân khố thắt chặt song vẫn tập trung đáp ứng nhu cầu an ninh- xã hội.

Theo Thủ tướng Medvedev, các vấn đề kinh tế Nga không thể được giải quyết chủ yếu bằng nguồn vốn nhà nước. Những ưu tiên của chính phủ trong chi tiêu ngân sách thời gian tới sẽ bao gồm an ninh, đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ bộ phận dân số dễ bị tổn thương nhất.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã đề xuất chi tiêu chính phủ trong giai đoạn 2017-2019 dừng lại ở mức của năm 2016. Dự báo về thâm hụt ngân sách năm 2016 của Nga đã được điều chỉnh nâng lên 3,2% GDP thay vì mức 3% dự kiến trước đó.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nga đặt mục tiêu cắt giảm thêm 1 điểm phần trăm nữa trong những năm tới.

Trước đó, hôm 29/9, tại Hội nghị G20, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã tuyên bố, kinh tế Nga đang dần phục hồi, tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng tích cực vẫn chưa ổn định.

Theo Tổng thống Putin, khoảng cách về tỷ lệ lạm phát thực tế và mục tiêu đang dần thu hẹp. Hiện tỷ lệ lạm phát của Nga là 7%, trong khi tỷ lệ lạm phát mục tiêu trung hạn ở mức 4%.

Dẫu vậy, tình thế đặt ra trong thời điểm hiện nay của Ngân hàng Trung ương Nga do người lãnh đạo là thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin là điều giới tài chính, đầu tư cũng như người dân Nga đang trông ngóng.

Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina.

Bà Nabiulina đã nhiều lần tiến hành thành công những chính sách cứng rắn và không được lòng dân.

Trong một tuyên bố mới nhất liên quan tới kịch bản giá dầu lại lao dốc, bà Elvira Nabiullina tuyên bố Ngân hàng Trung ương đã trù tính giá dầu ở mức 25 USD và khẳng định có thể an tâm được.

"Tính toán của chúng tôi cho thấy rằng ngay cả theo kịch bản với mức giá dầu xuống thấp, tất nhiên có ảnh hưởng tác động tiêu cực hơn đến tăng trưởng kinh tế, nhưng chắc chắn sẽ không có thảm họa nào hết. Nền kinh tế, hệ thống tài chính và cán cân thanh toán của chúng ta phần nhiều đã thích nghi kịp với mức giá dầu thấp", bà nói.

Ngoài ra, bà Nabiullina cho biết, nợ nước ngoài của Nga trong thời kỳ này đã giảm bớt 30%.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/cuoc-chien-in-tien-o-nga-putin-kho-xu-3320144/