'Cuộc chiến' cuối cùng cứu nước Đức và EU của bà Merkel

Quyết định tranh cử nhiệm kỳ thứ tư năm 2017 của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho thấy quyết tâm bảo vệ các nguyên tắc của Liên minh châu Âu cũng như sự thật rằng bà là người duy nhất có thể đoàn kết được một nước Đức đang chia rẽ.

Theo Sputnik, bà Merkel, còn có biệt danh là “người mẹ”, là nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Đức và cũng là người đầu tiên xuất thân từ khu vực Đông Đức, bà có một vị trí rất đặc biệt đối với quốc gia này. Bà là người hiểu rõ hơn ai hết sự chia cắt. Sinh ra tại Hamburg, Tây Đức trước khi chuyển tới Đông Đức, nơi cha bà làm mục sư và bà đã tiếp tục việc học tại ĐH Leipzig.

Tự đặt bản thân mình vào chính giữa giấc mơ châu Âu, bà Merkel đã phải nhận không ít chỉ trích cả trong và ngoài nước về chính sách tị nạn của mình. Bà tuyên bố mở cửa cho những người tị nạn vào mùa hè năm 2015, vội vàng đón nhận một lượng lớn người nhập cư đe dọa đến an ninh của riêng nước Đức.

Bà Merkel quyết định ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư. Nguồn: Reuters

Tuy nhiên, theo như tiến sĩ Nils Diederich, giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Tự do ở Berlin, phân tích: “Phần lớn đều chào đón người nhập cư và nghĩ rằng trong cuộc khủng hoảng thế giới này, chúng ta cần phải giúp đỡ họ. Nhưng có những dạng người nhập cư khác nhau, những người từ các cuộc nội chiến được chào đón, còn có những người chỉ muốn tìm kiếm điều kiện tốt hơn. Vì vậy, hầu hết họ phải quay trở lại đất nước của mình”.

Sau khi không thể giải quyết được vấn đề hòa nhập của người tị nạn tại Đức, bà Merkel cuối cùng cũng đã thành công trong việc đối mặt với các chỉ trích trầm trọng trong chính nội bộ đảng mình, đặc biệt là từ lãnh đạo của đảng liên minh. Mặc dù mức độ tín nhiệm của bà Merkel đã sụt giảm vì khủng hoảng tị nạn nhưng bà vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ trong nước khi khảo sát của tờ Bild am Sonntag cho thấy bà nhận được 55% sự tán thành với quyết định tranh cử nhiệm kỳ thứ 4. Và điều đó cho thấy vị trí của bà Merkel hiện tại, đó là bà vẫn được ưa thích bất chấp mọi việc đã xảy ra với nước Đức và châu Âu.

“Bà Merkel là ứng viên duy nhất của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), chính đảng duy nhất có thể thắng cử tại thời điểm này. Không một ai khác có thể trở thành ứng viên thay thế bà. Dù bà vẫn sẽ có đối thủ nhưng bà Merkel có cơ hội tốt nhất để đưa đảng của mình giành chiến thắng”, tiến sĩ Diederich cho Sputnik biết.

Sự chia rẽ trong EU

Liên minh châu Âu đang ở trong giai đoạn cực kỳ chia rẽ và những người ủng hộ EU hy vọng bà Merkel sẽ tiếp tục lãnh đạo để có thể ổn định lại tình hình bất mãn tăng cao như hiện nay. Cuộc khủng hoảng tị nạn đã đẩy EU vào tình trạng lộn xộn và bà Merkel ủng hộ việc Brussels kêu gọi hệ thống hạn mức ủy thác để tái phân bổ người nhập cư đã được trao quyền tị nạn. Rất nhiều quốc gia, đặc biệt là ở phía Đông Âu, đã phản đối kế hoạch này.

Bà Merkel chụp ảnh với một người nhập cư tại Đức.

Thỏa thuận cá nhân của bà Merkel khi buộc Thổ Nhĩ Kỳ chặn dòng người tị nạn rời khỏi bờ biển nước này để tiến vào châu Âu cũng được xem là một cách xoa dịu tình hình. Đổi lại, là khả năng gia nhập EU của Ankara cũng như miễn thị thực vào châu Âu cho công dân nước này.

Trong khi đó, các biện pháp khắt khe của Thủ tướng Merkel nhằm chống đỡ cho khu vực đồng tiền chung Eurozone lại không được lòng công chúng và các nước khác, đặc biệt là ở phía Nam châu Âu, tuy nhiên bà vẫn quyết tâm thực hiện chính sách này để cứu vãn đồng tiền chung.

Tóm lại, bà Merkel vẫn có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thủ tướng vào năm sau bởi không có ai có đủ khả năng để đoàn kết nước Đức. Ngoài ra, bà cũng được xem là lãnh đạo duy nhất có thể đưa EU trở lại quỹ đạo, vì cho đến cuối cùng “người mẹ” vẫn luôn có cách riêng để đưa “các con” trở về với gia đình của mình.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cuoc-chien-cuoi-cung-cuu-nuoc-duc-va-eu-cua-ba-merkel-post214284.info