“Cuộc chiến” chống thủ đoạn “lỗ giả lãi thật“ với doanh nghiệp nội

Trong khi hoạt động chuyển giá của các DN đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang diễn biến phức tạp thì theo nhận định của các cơ quan chức năng, các DN trong nước cũng có hiện tượng "lỗ giả lãi thật". Đã đến lúc "cuộc chiến" chống chuyển giá cần trang bị thêm nhiều "vũ khí" hữu hiệu...

Trong khi hoạt động chuyển giá của các DN đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang diễn biến phức tạp thì theo nhận định của các cơ quan chức năng, các DN trong nước cũng có hiện tượng "lỗ giả lãi thật". Đã đến lúc "cuộc chiến" chống chuyển giá cần trang bị thêm nhiều "vũ khí" hữu hiệu...

Biếm họa Internet

50% doanh nghiệp FDI báo lỗ

Theo báo cáo của ngành thuế, trong những năm gần đây, hiện tượng các FDI kê khai lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó nhiều DN kê khai lỗ liên tục trong 3 năm. Điển hình tại một số địa phương như Bình Dương, số DN FDI kê khai lỗ năm 2010 là 754/1.490 DN (chiếm tỷ trọng 50,6%, trong đó có tới 200 DN lỗ quá vốn chủ sở hữu); tại TP. HCM và Đồng Nai, tỷ lệ số DN FDI kê khai lỗ lần lượt là 60% và 52,2%...

Cơ quan thuế (CQT) cũng đã nhận diện được một số "mánh" chuyển giá của các DN FDI tại VN, điển hình là chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chuyển giao dịch vụ giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chi trả lãi vay vốn SXKD giữa các bên liên kết.

Đáng lo ngại hơn, theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa - Tổng cục Thuế, hành vi chuyển giá nhằm tối thiểu nghĩa vụ thuế TNDN không chỉ diễn ra tại các DN FDI, mà còn diễn ra giữa các bên liên kết trong nội địa VN do các tập đoàn kinh tế trong nước lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, thành lập một số công ty con hoạt động trong những lĩnh vực và địa bàn khác nhau, trong đó có những lĩnh vực, địa bàn được ưu đãi thuế TNDN, từ đó tìm cách chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN không được ưu đãi thuế sang DN liên kết được ưu đãi thuế, hoặc chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN có lãi sang DN bị lỗ thông qua giá chuyển giao sản phẩm và cung cấp dịch vụ giữa các bên để giảm thiểu nghĩa vụ thuế tổng hợp của cả tập đoàn.

Ông Sơn cũng cho rằng, hành vi chuyển giá của DN liên kết không chỉ đơn thuần là việc điều chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hơn để tránh thuế mà nó còn bao gồm cả chiều ngược lại. Nguyên nhân chính là do công ty mẹ muốn thu hồi vốn nhanh hoặc việc chuyển lợi nhuận để thực hiện chiến lược kinh doanh đã được công ty mẹ xây dựng. ...

Sẽ "điểm mặt, chỉ tên" doanh nghiệp trong nước?

Tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm tra 4 DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu hồi cuối năm 2011, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, nếu như các DN đầu mối xăng dầu, đặc biệt là Petrolimex không chi hoa hồng quá tay cho các đại lý mà chi đúng quy định thì DN không lỗ, thậm chí còn có lãi. Tuy nhiên, trả lời báo PLVN về việc các DN này có chuyển giá hay không, Thứ trưởng Mai cho biết "có dấu hiệu" nhưng để khẳng định cần phải có thời gian kiểm tra đối chiếu cụ thế.

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM và cộng đồng DN châu Âu (Eurocham) cách đây không lâu, ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cũng cho biết, không chỉ các DN FDI chuyển giá mà các các DN trong nước cũng có dấu hiệu chuyển giá, trong số DN báo lỗ, nhiều DN có lỗ không bình thường.

Ông Hạnh cho hay, phương thức của các DN trong nước là chuyển lợi nhuận về DN ở vùng chịu thuế thấp để đóng thuế thấp hơn. "DN tối thiểu hóa nghĩa vụ nộp thuế bằng cách lập một nhóm nhiều DN, trong đó có DN đặt ở TP.HCM, có DN đặt ở các tỉnh, thành khác được ưu đãi thuế. Những DN trong nhóm chuyển lãi qua DN đang được hưởng ưu đãi thuế, những DN còn lại thì không phải đóng thuế do… không có lãi", ông Hạnh cho biết.

Cũng theo Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, không chỉ chuyển giá lỗ mà nhiều DN còn chuyển giá lãi. Cũng với hình thức lập một nhóm DN, trong đó có một DN chuẩn bị đưa lên sàn giao dịch: Năm đầu, nhóm sẽ “hy sinh” một DN bằng cách mua cổ phiếu của DN sắp lên sàn rồi bán ra với giá rẻ hơn giá mua vào và luân phiên 3-4 năm sau những DN khác trong nhóm cũng sẽ mua đắt, bán rẻ như vậy.

Cuối cùng, báo cáo tài chính của DN chuẩn bị lên sàn có đường biểu diễn lợi nhuận tăng liên tục; nhà đầu tư nhỏ lẻ thấy lợi nhuận DN đó tăng đều thì đổ vào mua, đẩy giá cổ phiếu tăng cao so với giá gốc. Sau một thời gian giao dịch bằng giá trị ảo, cổ phiếu của DN trở về giá trị thật thì DN đã gom được một khoản tiền không nhỏ từ các nhà đầu tư...

Tại Hội nghị chuyên đề về chống thất thu, nợ đọng thuế tổ chức tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng thừa nhận hiện tượng chuyển giá của DN trong nước. "DN chuyển giá là tối đa hóa lợi nhuận của mình để giảm nghĩa vụ đối với NSNN. Ví dụ như than: giá khai thuế tài nguyên chỉ bằng một nửa giá thị trường.

Như vậy Nhà nước mất một nửa thuế tài nguyên. Ngoài ra, các công ty còn dùng thủ đoạn chia công ty thành 2 công ty (một khai thác, một lưu thông). Hay trong lĩnh vực dịch vụ, giá cho thuê khách sạn thường bị khai thấp hơn và chuyển giá cho các công ty lữ hành…"- ông Tuấn “bóc” một số "mánh" chuyển giá của DN trong nước.

Mặc dù chưa công khai "điểm mặt, chỉ tên" DN trong nước nào chuyển giá, song theo nguồn tin có thẩm quyền, một danh sách các DN có hiện tượng "lỗ không bình thường" đã được đưa vào "tầm ngắm" của CQT.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/kinh-doanh/201203/Cuoc-chien-chong-thu-doan-lo-gia-lai-that-cua-doanh-nghiep-noi-2064319/