Cuộc chiến biên giới phía Bắc và những kí ức vọng về từ đèo Khau Chỉa

Xen kẽ hồi ức về những ngày tháng cũ, Nguyễn Thái Long cũng ghi vào đó là ngày hiện tại, của những nhân chứng sau 40 năm có dịp gặp lại để rồi lắng nghe lời kể của họ...

Đến nay đã hơn 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, thế nhưng dữ kiện và các hồi ức về mốc lịch sử này vẫn chưa hoàn thiện. Một trong số đó là vấn đề nhân chứng bởi bối cảnh rối ren ở thời bấy giờ. Mới đây cuốn sách Tiếng vọng đèo Khau Chỉa của Nguyễn Thái Long đã thuật lại một cách chính xác, sống động những gì từng diễn ra, dưới ngòi bút của người tham gia vào sâu trận chiến.

Tác giả Nguyễn Thái Long sinh năm 1955, quê tại phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang. Năm 1972, ông nhập ngũ rồi học y sĩ trong quân đội. Năm 1975, ông ra trường, được điều về trung đoàn 567. Năm 1976, ông cùng đơn vị được điều lên Cao Bằng làm kinh tế và tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc như một bác sĩ quân y.

Nhà phê bình Văn Giá (trái) và tác giả Nguyễn Thái Long.

Trung đoàn 567 của ông cũng chính là trung đoàn anh dũng giữ vững biên cương trong trận chiến đó. Suốt 12 ngày đêm khốc liệt của năm 1979, Trung Quốc với 60 vạn quân trên toàn tuyến biên giới phía Bắc với những trang bị tiên tiến như xe tăng, pháo binh… dù rất cố gắng, nhưng đã không vượt được qua đèo Khau Chỉa.

Nguyễn Thái Long kể lại kí ức về những tháng năm gian khó này. Ở đó có những con người làm nên lịch sử, và cũng có những thời khắc đau thương. Mặc cho bị cô lập hoàn toàn và phải chiến đấu độc lập, thế nhưng đèo Khau Chỉa đã được giữ vững bởi tình yêu và sự can trường của những con người kiên gan bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ Quốc.

Cuốn sách được chia thành 5 phần riêng, trong đó bao gồm những mốc thời gian đã sống, học tập cũng như tham gia chiến đấu của riêng tác giả.

Phần đầu - Cao Bằng một dải biên cương khắc họa lại quá trình làm kinh tế mới, khi trung đoàn 567 xây dựng đường xá và các công trình khác ở Trùng Khánh, Cao Bằng. Bên cạnh tinh thần quật cường, Nguyễn Thái Long một cách tinh tế cũng đã viết về những điều gian khó, về đêm biên giới lạnh buốt nơi những người lính chỉ biết hút thuốc cho qua cơn nhớ nhà, nhớ quê và nhớ người…

Trong hành trình đó, cái rét khắc nghiệt khiến cho người lính phải “biến” những chiếc quần đùi làm đồ che tai, và cũng có cả những lần đập đá đến tay tóe táu… Những chi tiết đó đã được mô tả một cách hào hùng như cũng không thiếu những giây phút lãng mạn. Đó là tình cảm đôi lứa mà vì thế anh Duân muốn học bài ca Xe chỉ luồn kim, còn chính tác giả thì cài nhành hoa lên súng, nâng niu từng kỷ vật một như những rung động một thời thanh xuân.

Cảm thức nhớ quê cũng theo sát những người lính này, với hoa dã quỳ nở vàng mạnh mẽ và đầy hoang dã ở vùng Trà Lĩnh. Khi đi cắt cỏ lợp những công sự, cỏ tranh cắt tay và ngồi nhìn vào thiên nhiên, những người lính ấy thấy mình bé nhỏ và rồi nhớ nhà. Những đêm lạnh mùa đông vẫn nồng ấm như khi ở cùng gia đình Tày, bên bếp lửa cũng liên tục trở về...

Bức ảnh của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 567.

Bước sang năm 1979 khi toàn trung đội chuyển từ kinh tế sang tập trung chiến đấu, phần hai và ba: Khau Chỉa mười hai ngày đêm khói lửaTrở lại Tà Lùng là những thời khắc của các chiến công, là hành trình dài tiến đến thành công giữ vững biên cương trong suốt 12 ngày đêm. Trong phần viết này, tác giả Nguyễn Thái Long tường thuật một cách sinh động và đầy rõ ràng về những trận đánh, như khi chặn xe tăng địch vào cầu Hồng Định, phục kích quân địch ở bản Bó Tờ hay chặn đánh xe tăng trên đèo Khau Chỉa…

Tại đây những địa danh như đồi Nghĩa Trang, bản Chăm, cao điểm 244, cao điểm 300… đã đi vào trong lịch sử, cùng đó là những con người, những chiến sĩ dũng cảm cũng như khéo léo thoát khỏi nanh vuốt quân xâm lăng. Câu chuyện của những con người còn sống như của cậu Quang trốn lên núi cao để tránh phục kích, hay của chị Thắm và cậu Bắc sa vào ổ phục kích… cũng được tả lại theo những kí ức của các nhân chứng rõ ràng như một bộ phim.

Để từ đó “người lính biên cương như cây cỏ tranh mọc hoang bám rễ nơi đất cằn sỏi đá, thân mảnh mai nhưng không bao giờ gục gãy, vẫn vươn lên chấp nhận nắng cháy mưa sa gió táp suốt đời” đã được hiện lên vô cùng ấn tượng. Đèo Khau Chỉa trong những ngày đó vừa là vùng đất “bất khả xâm phạm”, là nơi chiến đấu đau thương, và cũng là nơi mà những màn sương như chiếc khăn tang đưa tiễn người hùng, những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Phần 4 - Vị Xuyên – Lời thề trên đá là lời kể lại những gì xảy ra đối với trung đoàn 567 khi quân Trung Quốc trở lại xâm lăng lần hai vào năm 1985. Ở đó quan trọng nhất là trận A6b như một chiến thắng bản lề, giúp làm thay đổi cục diện mặt trận Vị Xuyên một cách triệt để, và cũng là một chiến công ghi danh sử sách của một đơn vị anh hùng.

Xen kẽ hồi ức về những ngày tháng cũ, Nguyễn Thái Long cũng ghi vào đó là ngày hiện tại, của những nhân chứng sau 40 năm có dịp gặp lại để rồi lắng nghe lời kể của họ. Đó là anh hùng Hồ Tuấn – người không mệt mỏi ngồi bên khẩu AK, hay là Nguyễn Ánh – một cô bé con vào thời điểm đó, mà cha của cô góp phần đáng kể vào việc di chuyển những bệnh viện dã chiến kịp lúc trước khi quân Trung Quốc tràn vào…

Vì sao kí ức qua bốn thập kỷ vẫn còn vẹn nguyên ở trong mỗi người? Vì, như Nguyễn Thái Long nói, ký ức về thời gian khó và đầy oanh liệt đã trở thành máu thịt của cuộc sống, như một mạch nước ngầm đầy ăm ắp chỉ cần một chạm nhẹ là tuôn trào mãnh liệt. Do đó ngòi bút của ông tuôn ra từng tràng, từ ngày hiện tại cho đến khi xưa, của sự đồng hiện, trở về và rồi cùng nhau kể lại một thời khó khăn.

Bìa cuốn sách Tiếng vọng đèo Khau Chỉa.

Tiếng vọng đèo Khau Chỉa của tác giả Nguyễn Thái Long đã tái hiện chân thực và sinh
động cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc qua hai giai đoạn chính vào năm 1979 ở Khau Chỉa (Cao Bằng) và năm 1985 ở Vị Xuyên (Hà Giang). Với tâm huyết của một người lính đã đi qua cuộc chiến, Nguyễn Thái Long đã đưa vào trong sách tất cả những tư liệu ông đã dày công sưu tầm từ các đông đội, tất cả hiểu biết về cuộc chiến tranh và tất cả cảm xúc tha thiết của mình với hy vọng truyền tải đến thế hệ hôm nay không bao giờ quên những Khau chỉa, Tà Lùng, Vị Xuyên nơi mấy chục năm trước đã thấm máu đào những người chiến sĩ biên cương, những người lính Trung đoàn 567.

Nhân dịp kỷ niệm tới đây, buổi ra mắt và trò chuyện về cuốn Tiếng vọng đèo Khau Chỉa sẽ được diễn ra từ 9h30 - 11h30, Chủ nhật, ngày 12.2.2023 tại Manzi (số 14 Phan Huy Ích, Hà Nội). Bởi lẽ lịch sử cần phải được biết đến, được ghi nhớ và để chúng ta biết trân quý những ngày bình thường. Qua lời kể của những nhân chứng sống, những ký ức hào hùng sẽ còn sống mãi, nhắc nhở các thế hệ hôm nay về cuộc chiến thiêng liêng bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc từ mùa xuân 1979 ấy.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cuoc-chien-bien-gioi-phia-bac-va-nhung-ki-uc-vong-ve-tu-deo-khau-chia-38320.html