Cuộc chạy đua giải cứu trẻ em Campuchia

Vì thương cảm, nước Australia và nhiều cư dân phương Tây khác không tiếc tiền quyên góp cho các trại trẻ mồ côi ở Đông Nam Á, trong đó có Campuchia. Tuy nhiên, tình thương của họ vô hình trung đã và đang bứt lũ trẻ ra khỏi gia đình, buộc chúng phải chịu cực, chịu khổ, bị lạm dụng trong các trại trẻ mồ côi vì lợi ích của người điều hành thiếu đạo đức. 'Không đâu bằng nhà mình', Sinet Chan, một trẻ mồ côi, hiện là thành viên Quỹ Nhi đồng Campuchia lên tiếng. Nếu muốn giúp đỡ trẻ nghèo Campuchia, xin hãy hỗ trợ cho cha mẹ họ để gia đình có thể tự chăm sóc các em.

Đã hơn một thập kỷ kể từ khi trẻ nghèo Campuchia bị xem như một món hàng

Đã hơn một thập kỷ kể từ khi trẻ nghèo Campuchia bị xem như một món hàng

Kinh doanh trại mồ côi

Trẻ mồ côi bị ép ăn mặc rách rưới để lôi kéo sự thương cảm của du khách

Theo kết quả thống kê của chính phủ Campuchia và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), có 16.500 trẻ em sống trong 406 trại trẻ mồ côi khắp quốc gia, song phần lớn các em đều không phải là trẻ mồ côi. 80% trẻ trong các trại trẻ mồ côi Campuchia vẫn còn cha mẹ. Từ năm 2005 – 2015, số trẻ mồ côi ở Campuchia tăng 60%, một nửa tập trung tại các điểm tham quan du lịch trong Thủ đô Phnom Penh và Thành phố Siem Reap. Theo James Sutherland, điều phối viên truyền thông của Tổ chức Friends International, Campuchia, sự phát triển của các trại trẻ mồ côi hoàn toàn trái ngược với tỉ lệ đói nghèo đang ngày càng giảm. Thay vào đó, nó tăng trưởng tỉ lệ thuận với sự phát triển của ngành du lịch và “chủ nghĩa tự nguyện”. “Về cơ bản”, Sutherland nói, “các giám sát trại mồ côi vô đạo đức đã nhìn thấy chuyện này như một cơ hội kinh doanh”. Vấn đề cấp bách này thậm chí vượt ra ngoài biên giới Campuchia. Ước tính có đến 8 triệu trẻ em sống trong các trại trẻ mồ côi trên toàn cầu trong khi phần lớn đều vẫn còn gia đình, người thân có thể chăm sóc, nuôi nấng chúng đúng cách.

Thực tế tại Campuchia chỉ ra, trẻ em đang bị tách khỏi gia đình vì lợi ích của người lớn, trở thành mặt hàng buôn bán lòng thương, thu về lợi nhuận khổng lồ. Không chỉ thế, các em còn bị ép lao động cực nhọc, lạm dụng thể chất và tình dục.

Ở Campuchia, việc du khách nước ngoài đến thăm và tặng quà tại các trại trẻ mồ côi không hề lạ. Là một trẻ em mồ côi, Sinet Chan không ít lần đón tiếp khách đến thăm, nhảy múa cho họ xem, chụp ảnh chung trước khi họ về. Khách du lịch, tất nhiên, tặng quà vì lòng tốt và không hề biết sự thật phía sau màn kịch cảm động diễn ra trước mắt. Họ không hay Chan phải nhảy múa mua vui trong khi bụng đói meo. Bé và các bằng hữu khác, khi khách viếng thăm ra về, phải tự bắt chuột để dỗ dành dạ dày.

Không chỉ thế, giám sát trại trẻ mồ côi còn thường xuyên đánh đập, cưỡng hiếp Chan. Cô bé buộc phải làm việc đồng áng cực nhọc trên các ruộng lúa và trang trại mà không được trả công. Quần áo, đồ chơi được khách quốc tế tặng bị cướp mất, trở thành mặt hàng trên chợ, cuối cùng biến thành tiền nằm trong túi giám đốc trại.

“Cháu cứ tưởng đó là một nơi tốt, có đủ ăn, đủ mặc và cơ hội được học hành. Nhưng thật ra, mọi thứ cháu tưởng đều là sai”, Chan bày tỏ với Tờ Người Bảo hộ Úc. “Ông ta cho chúng cháu ăn mặc rách rưới để khách đến thăm thương hại, quyên góp nhiều hơn”.

Sinet Chan (trái) và Tara Winkler (phải) từ Quỹ Nhi đồng Campuchia

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/cuoc-chay-dua-giai-cuu-tre-em-campuchia-3761256-b.html