Cuộc cải cách chính sách di cư mang tính lịch sử

'Chúng tôi đã lắng nghe, chúng tôi đã hành động và chúng tôi đã giải quyết được một trong những mối quan tâm chính của người dân trên toàn châu Âu. Đây là một ngày lịch sử'. Đó là tuyên bố của Chủ tịch Nghị viện châu Âu sau khi cơ quan này thông qua kế hoạch cải cách di cư trong cuộc bỏ phiếu quan trọng tối ngày 10.4, bất chấp những lo ngại trước đó về tình trạng chia rẽ về nhiều vấn đề còn gây tranh cãi.

Nội dung chính của kế hoạch cải cách

Kế hoạch cải cách di cư của châu Âu còn được biết đến với tên gọi “Hiệp ước mới về di cư và tị nạn” là một gói gồm 5 đạo luật thành phần. Gói lập pháp này đã được EP thông qua trong cuộc bỏ phiếu tối ngày 10.4 với trung bình các đạo luật đều nhận được 300 phiếu thuận và 270 phiếu chống trên tổng số 700 ghế tại cơ quan lập pháp châu Âu.

Kế hoạch này được coi là một cuộc đại tu toàn diện nhằm đưa chính sách di cư của EU sang một trang mới sau một thập kỷ các quốc gia thành viên phản ứng đơn lẻ, lúng túng và thiếu đồng bộ trước cuộc khủng hoảng di cư bùng phát từ những năm 2015 - 2016. Hiệp ước mới thiết lập các quy tắc chung để quản lý quá trình tiếp nhận và tái định cư người xin tị nạn.

Nội dung cải cách giữ nguyên “nguyên tắc Dublin” lâu đời, theo đó, quốc gia EU đầu tiên mà người xin tị nạn nhập cảnh phải chịu trách nhiệm về trường hợp của họ. Còn các vấn đề khác đều được quy định trong 5 đạo luật thành phần của Hiệp ước với những nội dung cụ thể như sau:

Quy định quản lý tị nạn và di cư (AMMR): để hỗ trợ các quốc gia nằm ở tuyến đầu phải đối mặt với lượng người di cư đến đông như các quốc gia Địa Trung Hải là Italy, Hy Lạp và Malta, một cơ chế “đoàn kết bắt buộc” được thiết lập để chia sẻ gánh nặng với những nước này. Điều này đồng nghĩa các nước EU khác sẽ tiếp nhận một số lượng nhất định người di cư hoặc đóng góp khoản hỗ trợ tài chính nếu từ chối tiếp nhận.

Nghị viện châu Âu đã nhất trí thông qua Hiệp ước mới về di cư và tị nạn. Ảnh: AFP

Quy định về sàng lọc đưa ra một quy trình sàng lọc trước khi nhập cảnh để nhanh chóng kiểm tra hồ sơ của người xin tị nạn, thu thập thông tin cơ bản như quốc tịch, tuổi, dấu vân tay và hình ảnh khuôn mặt. Việc kiểm tra sức khỏe và an ninh cũng sẽ được thực hiện để những người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn có thể nhanh chóng được hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển.

Quy định sửa đổi, cập nhật Eurodac: một cơ sở dữ liệu quy mô lớn sẽ lưu trữ bằng chứng sinh trắc học được thu thập trong quá trình sàng lọc. Cơ sở dữ liệu sẽ chuyển từ tính số lượng đơn sang tính số người nộp đơn để ngăn chặn tình trạng một người nộp đơn nhiều lần; độ tuổi tối thiểu để lấy dấu vân tay sẽ giảm từ 14 xuống 6 tuổi.

Quy định về thủ tục tị nạn (APR): đặt ra hai bước khả thi cho người yêu cầu thủ tục tị nạn truyền thống, kéo dài và thủ tục biên giới được tiến hành nhanh (tối đa 12 tuần). Thủ tục biên giới sẽ áp dụng đối với những người di cư gây rủi ro cho an ninh quốc gia, cung cấp thông tin sai lệch hoặc đến từ các quốc gia có tỷ lệ nhận dạng thấp, như Morocco, Pakistan và Ấn Độ. Những người di cư này sẽ không được phép vào lãnh thổ ngay mà sẽ bị giữ tại các cơ sở ở biên giới, tạo ra một "viễn tưởng hợp pháp về việc không được nhập cảnh".

Quy định về khủng hoảng đưa ra các quy tắc đặc biệt sẽ được kích hoạt khi hệ thống tị nạn của EU phải đối mặt với lượng người di cư tăng đột ngột và ồ ạt, như trường hợp trong cuộc khủng hoảng 2015 - 2016, hoặc do tình huống bất khả kháng, như dịch Covid-19. Trong những trường hợp này, chính quyền quốc gia sẽ được phép áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn, bao gồm thời gian đăng ký và giam giữ lâu hơn, đồng thời Ủy ban sẽ có quyền yêu cầu các biện pháp “đoàn kết” bổ sung.

Ngay từ khi bắt đầu cuộc tranh luận, Hiệp ước mới của EU đã trở thành mục tiêu chỉ trích của các tổ chức phi chính phủ, những người ủng hộ nhân quyền và các chuyên gia pháp lý, những người cảnh báo rằng việc thúc đẩy mạnh mẽ để có các quy tắc chung, có thể gây tổn hại đến các quyền cơ bản.

Một trong những điểm đáng quan tâm chính là thủ tục biên giới được tiến hành nhanh chóng; mặc dù các quan chức EU cho rằng thủ tục ngắn hơn này sẽ đặt ra các mốc thời gian rõ ràng cho người nộp đơn và giảm bớt tình trạng tồn đọng hành chính cho chính quyền, nhưng các tổ chức nhân đạo cho rằng quy định này sẽ khiến quá trình đánh giá không thể công bằng đầy đủ, tăng nguy cơ người tị nạn bị trục xuất.

Dự kiến, các quy định mới sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm 2026 và toàn bộ thành viên EU sẽ có 2 năm để đưa ra những thay đổi tương ứng trong luật pháp quốc gia của mình.

Chiến thắng trước sự chia rẽ

Được Ủy ban châu Âu (EC) giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 9.2020, Hiệp ước mới về Di cư và Tị nạn dài hàng trăm trang và liên quan đến vô số vấn đề phức tạp, chẳng hạn như các quyền cơ bản, vấn đề trẻ vị thành niên không có người đi cùng, quyền riêng tư về dữ liệu, đóng góp tài chính, thời gian giam giữ và an ninh quốc gia, khiến quá trình lập pháp bị kéo dài trong nhiều năm.

Đề xuất đầy tham vọng của Ủy ban châu Âu đã trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có những giai đoạn bế tắc tưởng chừng như kế hoạch cải cách sẽ không bao giờ đến được vạch đích. Nhưng hy vọng đã nhen nhóm trở lại sau khi vấn đề di cư lại được đưa lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu, dẫn đến một thỏa thuận tạm thời vào tháng 12.2023 giữa EP và Hội đồng châu Âu nhất trí về hiệp ước mới. Tuy nhiên, thỏa thuận mang tính đột phá này vẫn cần được mỗi cơ quan thông qua lần cuối cùng trước khi được ký ban hành thành luật.

Tại EP, các cuộc đàm phán cũng đã kéo dài thời gian qua; tuy nhiên, thời gian không còn nhiều bởi cuộc bầu cử lập pháp sẽ diễn ra vào tháng 6 tới, điều đó có nghĩa là cuộc họp tháng 4 này là cơ hội cuối cùng để các nghị sĩ châu Âu thông qua Hiệp ước mới về Di cư và Tị nạn.

Với những lợi ích rõ ràng mà Hiệp ước mới sẽ mang lại, cuộc bỏ phiếu tại EP ban đầu được dự đoán là sẽ diễn ra suôn sẻ và các nhà lập pháp từ khắp các nhóm đảng trong EP đều ủng hộ cuộc cải cách, vốn được coi là hồ sơ chính trị lớn nhất - nếu không muốn nói là lớn nhất từ trước đến nay - trong lĩnh vực di cư. Tuy nhiên, các ý kiến phản đối sau đó đến từ các đảng cực hữu và dân túy đã phủ bóng đen lên triển vọng thông qua kế hoạch cải cách. Cuối cùng trong cuộc họp mang tính lịch sử, EP đã thông qua Hiệp ước mới dù với tỷ lệ thấp hơn dự kiến ban đầu. Kết quả này cho phép các đảng chính thống thở phào nhẹ nhõm, vì nếu thất bại, chủ đề này có thể trở thành điểm yếu của họ trong chiến dịch tranh cử nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới.

Bà Metsola hứa rằng Hiệp ước mới sẽ "công bằng" với những đối tượng được bảo vệ, "cứng rắn" với những người không đủ điều kiện và "mạnh tay" đối với những kẻ buôn lậu. Tuy nhiên, bà nói thêm, kế hoạch cải cách không phải cây đũa thần và sẽ không thể "giải quyết mọi vấn đề chỉ sau một đêm".

Phát biểu bên cạnh bà, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với các phóng viên: tôi tự hào nói rằng chúng tôi đã đưa ra một giải pháp châu Âu cho vấn đề tị nạn; nhưng công việc của chúng tôi vẫn chưa hoàn thành, chính quyết tâm và sự đoàn kết đã đưa chúng ta đến ngày nay phải hướng dẫn chúng ta triển khai Hiệp ước thành công thực sự ở châu Âu.

Bà Ursula von der Leyen đồng thời nhấn mạnh: “chúng ta phải là người quyết định ai sẽ đến Liên minh châu Âu (EU) và trong hoàn cảnh nào, chứ không phải những kẻ buôn lậu và buôn người”.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/cuoc-cai-cach-chinh-sach-di-cu-mang-tinh-lich-su-i366551/