Cuộc cách mạng của những bộ ngực trần

Những bộ ngực trần xuất hiện trên khắp sàn diễn bộ sưu tập mới của Saint Laurent trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Paris Thu/Đông 2024, đem đến nhiều luồng ý kiến đối lập.

36/48 thiết kế trong bộ sưu tập mới của Saint Laurent là trang phục xuyên thấu, để lộ đến 90% cơ thể người mặc. Một số tấm hình được ghi lại tại show thời trang Thu/Đông 2024 này thậm chí bị hạn chế đăng tải trên New York Times. Theo biên tập viên thời trang Vanessa Friedman, những chiếc áo cánh đính nơ, váy bút chì hay trang phục xếp nếp đều có một điểm chung duy nhất: bó sát và xuyên thấu. Người mẫu của thương hiệu hoàn toàn thả rông, để lộ ngực trần khi sải bước trên sàn catwalk.

Hình ảnh những bộ ngực xuất hiện dày đặc trên sàn diễn. Không chỉ Saint Laurent, nhiều nhà mốt danh tiếng cũng thể hiện sự tôn vinh hình thể trần trụi của phái nữ trong mùa mốt Thu/Đông 2024. “Ai sẽ mặc trang phục này ra đường?” không còn là câu hỏi đáng quan tâm đối với nhà mốt. Trang phục trong suốt không còn là sản phẩm may mặc mới lạ trong thế kỷ 21. Tư duy vật hóa cơ thể phụ nữ dần bị loại bỏ trong lĩnh vực thời trang.

Năm 1966, nhà sáng lập thương hiệu Yves Saint Laurent thu hút sự chú ý khi lần đầu trình làng một chiếc áo sơ mi mỏng tang. Đây được xem là thiết kế mang tính cách mạng, góp phần xóa bỏ những quy tắc lỗi thời. Anthony Vaccarello, Giám đốc sáng tạo của Saint Laurent, được cho là nhớ về thời kỳ hoàng kim đó. Nhà thiết kế này khai thác xu hướng mặc như không mặc ở mức độ cao nhất, khéo léo ngợi ca những đường nét quyến rũ trên cơ thể phái nữ. Bộ sưu tập cũng cho thấy khả năng ứng dụng thủ pháp đối lập của Anthony Vaccarello. Cụ thể, giữa hàng loạt trang phục xuyên thấu, phơi bày những bộ ngực trần, một bộ vest và chiếc áo khoác cỡ đại xuất hiện. Sự tương phản này nhằm nâng cao vai trò của quần áo, khiến người xem khó đánh giá thấp tầm quan trọng của vải vóc.

Tuy nhiên, show thời trang của Yves Saint Laurent vẫn vấp phải một số ý kiến trái chiều. Giới mộ điệu cho rằng váy áo xuyên thấu để lộ cơ thể gầy trơ xương, đến mức báo động của mẫu nữ. Ngoài ra, việc phơi bày những bộ ngực trần một cách lộ liễu cũng bị đánh giá là lạc hậu, không có khả năng tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực thời trang hiện nay.

Theo phỏng đoán của The Guardian, bộ sưu tập này thể hiện tinh thần phản đối quy định hạn chế hình ảnh ngực trần của phụ nữ trên mạng xã hội Instagram. Anthony Vaccarello cho thấy nỗ lực đấu tranh cho trào lưu “Free the nipple” (tạm dịch: “Thả rông vòng một”) đã thành công gây chú ý tại Tuần lễ thời trang Paris Thu/Đông 2024.

Di sản của nhà sáng lập Yves Saint Laurent không phải là nguồn cảm hứng duy nhất của Anthony Vaccarello. Theo chia sẻ từ phía nhà mốt, chiếc váy “khỏa thân” được nữ minh tinh Marilyn Monroe mặc để hát ca khúc Happy Birthday Mr President vào năm 1962 cũng là một phần cảm hứng sáng tạo của thương hiệu. Khi Kim Kardashian mặc lại chiếc đầm tại Met Gala 2022, Giám đốc sáng tạo của Saint Laurent đã chú ý đến thiết kế huyền thoại này.

Với vai trò đại sứ thương hiệu, Rosé (BlackPink) cũng diện một chiếc váy xuyên thấu, xuất hiện trên hàng ghế đầu. Sự xuất hiện của nữ thần tượng K-Pop trong thiết kế này cho thấy quyết tâm lăng xê trang phục trong suốt của nhà mốt. Rosé không để ngực trần, song vẫn khoe khéo phần lớn da thịt trong bộ cánh này. Bộ sưu tập mới của Saint Laurent được xem là sự kết hợp giữa thời trang và văn hóa. Triển lãm mang tên Sheer (tạm dịch: “Xuyên thấu”) trưng bày những bộ cánh mỏng tang cũng đang diễn ra tại bảo tàng Yves Saint Laurent (Paris, Pháp).

Linh Vũ

Ảnh: YSL, @roses_are_rosie

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuoc-cach-mang-cua-nhung-bo-nguc-tran-post1462529.html