Cùng nâng cao ý thức để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời khống chế, không để dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm ở người bùng phát trên địa bàn tỉnh, hàng năm, ngành Y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác phòng, chống dịch bệnh; do vậy các loại dịch bệnh luôn được kiểm soát chặt chẽ, qua đó, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Cán bộ Trung tâm Y tế TP. Điện Biên Phủ khám, tư vấn sức khỏe cho người dân trên địa bàn xã Nà Nhạn.

Thống kê của Sở Y tế, năm 2023, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch, hầu hết các ca mắc đều giảm, tuy nhiên, một số bệnh có ca mắc tăng so với cùng kỳ, như: Thủy đậu, viêm não vi rút, bạch hầu, uốn ván sơ sinh, bệnh dại... trong đó 11 ca tử vong.

Trong số 11 ca tử vong năm 2023, có 6 ca do bệnh dại, 2 ca viêm não vi rút, 1 ca uốn ván sơ sinh, 1 ca bạch hầu và 1 ca do tiêu chảy. Các ca bệnh chủ yếu ở các huyện: Mường Nhé, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Chà và TP. Điện Biên Phủ.

Người dân thị xã Mường Lay được cán bộ y tế Trung tâm Y tế thị xã truyền thông, giáo dục sức khỏe và hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh.

Theo điều tra xác minh của cơ quan chức năng, đối với các ca tử vong do dại, nguyên nhân phần thì do chủ quan, phần do hiểu biết không đầy đủ về hệ lụy của bệnh dại nên ngay khi bị chó cắn dù đã được cán bộ cơ sở khuyên đi tiêm vắc xin phòng dại nhưng bệnh nhân vẫn không tiêm phòng, mà chỉ khi chuyển bệnh mới điều trị thì đã không kịp.

Đơn cử như trường hợp tử vong do bệnh dại của chị G.T.N., trú tại bản Hát Khoang, xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo. Qua lời kể từ người thân của nạn nhân, khoảng tháng 2/2023, chị N. Bị chó nhà cắn. Chủ quan vì chó của gia đình nuôi, dù được cán bộ xã tư vấn tiêm phòng dại, nhưng chị N. không tiêm. Suốt thời gian sau đó, chị N. vẫn sinh hoạt và đi làm bình thường. Đến ngày 14/4 (sau 2 tháng bị chó cắn), thấy cơ thể đau mỏi, vận động khó khăn, chị N. được người thân đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa thăm khám. Sau đó, chị được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được chẩn đoán mắc bệnh dại; đến ngày 16/4 thì tử vong.

Đến các cơ sở y tế là một trong những cách tốt nhất để kiểm soát bệnh tật. Trong ảnh: Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé thăm khám, chẩn đoán bệnh cho bệnh nhi.

Trường hợp của chị G.T.N., chỉ là một trong số những nạn nhân tử vong do chủ quan, cũng như chưa trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết để chăm sóc sức khỏe. Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 do Sở Y tế tổ chức đã có nhiều ý kiến phân tích, làm rõ tồn tại hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ; trong đó có công tác phòng, chống dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm gây dịch. Một số đại biểu cho rằng, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về dịch bệnh, hệ thống y tế cơ sở phải thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ y tế; tích cực tập huấn chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ năng giám sát, khám sàng lọc, điều trị ban đầu nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh mới để có biện pháp khống chế kịp thời. Các trung tâm y tế tuyến huyện cần tích cực chỉ đạo, hướng dẫn trạm y tế các xã chuẩn bị đầy đủ số lượng thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch; làm tốt việc điều trị, cách ly bệnh nhân nghi nhiễm dịch bệnh nguy hiểm; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thường xuyên với cơ quan chuyên môn cấp trên...

Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thời tiết đang diễn biến khá phức tạp, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho một số bệnh truyền nhiễm phát triển. Do vậy, cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, ngành Y tế, để phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm gây dịch, bản thân mỗi người dân cũng phải chủ động theo dõi phương tiện thông tin đại chúng, nắm bắt kịp thời diễn biến, tình hình về dịch bệnh nâng cao kiến thức, kĩ năng cần thiết bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng; chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh với những bệnh có vắc xin. Đặc biệt, khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn và điều trị.

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/y-te/213148/cung-nang-cao-y-thuc-de-bao-ve-suc-khoe-cong-dong