Cung đường từ thiện - Đền ơn đáp nghĩa

QĐND - Ngày 7-3-2012, đúng 6 giờ, chiếc xe ô tô rộng dài mang hơn 50 thành viên xuất phát, đi tiếp theo chiếc xe mang số lượng quà từ thiện, hướng về phía miền Trung.

QĐND - Ngày 7-3-2012, đúng 6 giờ, chiếc xe ô tô rộng dài mang hơn 50 thành viên xuất phát, đi tiếp theo chiếc xe mang số lượng quà từ thiện, hướng về phía miền Trung.

Chiếc xe mang biểu tượng “Toàn thể Phật tử chùa Vạn Đức - quận Bình Tân - cứu trợ đồng bào nghèo tại huyện Hướng Hóa - tỉnh Quảng Trị” lăn bánh trước sự hân hoan của mọi người có mặt.

Đoàn cứu trợ do Hòa thượng Thích Thiện Toàn hướng dẫn, có phật tử Minh Quang phụ tá và có cả thành viên Hội đồng hương tỉnh Quảng Trị tại TP Hồ Chí Minh tham gia là anh Võ Văn Cẩm - Phó trưởng ban Thường trực Hội đồng hương Quảng Trị.

Anh Võ Văn Cẩm giới thiệu với Hòa thượng, trong đoàn Quảng Trị có hai vợ chồng nhà báo quân đội là lão thành cách mạng Nguyễn Đức Toại và vợ là Đặng Thị Minh Đức, nhân viên Báo Quân đội nhân dân. Hòa thượng bắt tay vợ chồng tôi, và thật bất ngờ, Hòa thượng ôm chầm lấy tôi rất mực thân thiết và nói qua tai tôi: “Vừa rồi, trong chuyến đi đền ơn đáp nghĩa tới Côn Đảo, tôi đã đi cùng Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên - Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân…”. Thế rồi, những bước đi tiếp theo, đến đâu Hòa thượng cũng dẫn tôi đi gần kề, tạo điều kiện cho tôi tìm hiểu, ghi chép, tiếp cận vụ việc tình cảm, chan hòa.

Đoàn từ thiện-đền ơn đáp nghĩa giao lưu với các Phật tử tỉnh Quảng Trị.

Xe đến Quảng Trị, dừng lại chùa Sắc Tứ ở vùng đất Ái Tử - nổi danh với câu ca muôn thuở: “Mẹ thương con, bồng con ra ngoài cầu Ái Tử…”, để đoàn nắm rõ hơn tình hình huyện Hướng Hóa - cầu Đắc K’rông, Khe Sanh, cửa khẩu Lao Bảo, nơi đoàn đến trao quà từ thiện, đền ơn đáp nghĩa.

Hòa thượng Thích Thiện Toàn nhấn mạnh: “Mảnh đất Quảng Trị xứng danh với công tác từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, vì quân và dân nhiều vùng miền đất nước đã hy sinh nằm xuống nơi đây, thể xác của các liệt sĩ đã được tìm ra, được chôn cất ở nhiều nghĩa trang liệt sĩ. Chúng ta sẽ đến làm lễ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Tôi thông báo với Hòa thượng: “Ở đất huyện Gio Linh, Quảng Trị, có hai nhà Báo Quân đội nhân dân đi chiến dịch Mậu Thân 1968, đã nằm xuống vĩnh viễn nơi đây là nhà báo Lê Đình Dư và nhà báo Ngọc Nhu”.

Sau một lời tụng niệm, Hòa thượng cho biết: “Ngày 19-3-2012, tôi và đoàn dự lễ sẽ bay ra Quảng Trị, làm lễ cầu siêu ở Thành cổ Quảng Trị và trên dòng sông Thạch Hãn. Rồi đi làm từ thiện cho những nạn nhân chất độc da cam, đi-ô-xin. Quảng Trị cũng là mảnh đất chịu đựng biết bao đau thương từ chất độc này…”.

Đến Đông Hà thì xe rẽ trái lên Đường 9 để hướng về Hướng Hóa - Khe Sanh.

Đến Khe Sanh, gần cửa khẩu Lao Bảo thì tất cả đoàn xuống xe đi cùng đông đảo đồng bào Hướng Hóa đến chùa Khe Sanh - Trường Sơn tự. Đoàn được UBND tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hóa, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hóa đón tiếp ân cần, thân mật. Trong số các đoàn đón tiếp, tôi nhận ra Đại tá - Kỹ sư Lê Kim Thơ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam - đi-ô-xin tỉnh Quảng Trị, đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam - đi-ô-xin Việt Nam, cũng có mặt tại đây.

Chiếc xe làm công việc từ thiện-đền ơn đáp nghĩa và niềm vui của người làm từ thiện.

Anh đưa tài liệu cho tôi và nói: “Nạn nhân chất độc da cam -đi-ô-xin là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ và là nghèo nhất trong những người nghèo khổ. Tổng số nạn nhân chất độc da cam - đi-ô-xin tỉnh Quảng Trị có đến 15.485 người gồm 8.209 hộ, trong đó có 4.965 hộ có từ 2 đến 7 nạn nhân, mà hộ ông Giả ở thôn Cẩm Phổ, huyện Gio Linh là hộ có 7 nạn nhân đau khổ đến cùng cực. Ngày 19-3-2012 sắp tới, Hội chúng tôi sẽ đón đoàn từ thiện đền ơn đáp nghĩa đến tỉnh Quảng Trị.

Buổi lễ phân phát quà từ thiện được tổ chức rất trang trọng và cảm động. Hơn 500 phần quà gồm các thùng mì ăn liền, các bao đựng gạo; quần áo trẻ em, người già; các bao thư đựng tiền…

Rất nhiều bà con đến nhận quà ăn mặc trang phục người dân tộc Vân Kiều - người dân tộc tự mang tên họ Bác Hồ, như một niềm tự hào danh dự.

Tiếp theo, đoàn đi dự lễ cầu siêu tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn trong sự trang nghiêm, với sự tiếc thương vô hạn trong cơn mưa đầm đìa nước mắt…

Một tối được ở lại vùng Khe Sanh - Lao Bảo - Hướng Hóa để mọi người trong đoàn có dịp đi tham quan danh lam thắng cảnh trong vùng, những đô thị, chợ búa có nhiều hàng hóa từ Lào, Thái Lan nhập vào đất Việt thông qua cửa khẩu Lao Bảo… hẹn gặp lại ngày hôm sau ở chùa Sắc Tứ, nằm cạnh cầu Ái Tử để đi trở về phía Nam.

Hòa thượng Thích Thiện Toàn rất am hiểu các chùa từ Bắc chí Nam qua rất nhiều chuyến đi từ thiện đền ơn đáp nghĩa.

Qua một số chùa, Hòa thượng cho dừng lại, tiếp cận nhanh và phân phát một số quà. Tôi là người may mắn được các sư thầy trụ trì chùa ban phát tài liệu về sách báo liên quan đến lịch sử của chùa.

Ấn tượng là chùa Sắc Tứ Diệu Giác khi đi qua tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa Diệu Giác nằm bên bờ tả ngạn sông Trà Bồng, trăng nước chan hòa, dập dìu tài tử, ngựa xe, được tôn vinh trong câu ca:“Đường thiên lý chạy ngang trước mặt/ Khách ngựa xe rần rật ngày đêm…".

Địa thế chùa Diệu Giác phong thủy hữu tình, ấm áp những giai thoại lưu truyền và đậm đà bao dấu ấn lịch sử. Một truyền thuyết đậm sắc giai nhân, đó là vào tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) đời nhà Trần ở thế kỷ thứ 14, Huyền Trân Công chúa được đưa vào Kinh đô Chiêm Quốc để làm vợ vua Chế Mân, nàng có ghé lại đất này nghỉ ngơi. Nhưng tháng 6 năm Đinh Mão (1306) vua Chế Mân băng hà. Vua Trần Nhân Tông lập kế sai tướng Trần Khắc Chung vào đất Chiêm dự lễ chôn cất vua Chế Mân và tìm cách đưa nàng về Kinh Bắc, tránh khỏi tục lệ phải chết theo vua.

Trên đường trở ra, Huyền Trân Công chúa lại ghé vào đây thư giãn vài ngày. Để ghi nhớ kỷ niệm “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, sau khi Công chúa từ trần, nhân gian liền lập một miếu thờ bà, dưới bóng cây bồ đề cành lá sum suê, hiện nay cây cổ thụ vẫn còn sống mãi với thời gian.

Chùa Sắc Tứ Diệu Giác là một di tích lịch sử văn hóa của huyện Bình Sơn nói riêng và của chung tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa Diệu Giác cách Cảng Dung Quất hiện nay 18km, cách chùa Thiên Ấn - Sông Trà 20km, cách chùa Phú Sơn của huyện Núi Thành - Đà Nẵng 20km; chùa lại nằm trên Quốc lộ Bắc - Nam, thuộc xã Bình Trung Anh hùng, đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định chứng nhận Di tích lịch sử văn hóa vào năm 1996. Đến năm 2000, chùa Diệu Giác được Bộ Văn hóa-Thông tin cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa” mở đường cho chùa Diệu Giác trở thành danh lam thắng cảnh, một địa chỉ du lịch lý tưởng cho khách viễn phương trong thời kỳ mở cửa, hội nhập.

Sau khi trao đổi về công tác từ thiện và đền ơn đáp nghĩa, đoàn lên đường hướng thẳng về Nha Trang.

Xe đến Nha Trang, sắp xếp hành lý vào khách sạn xong thì đoàn ra bờ biển, nơi đó có thuyền máy đón từng nhóm nhỏ vượt sóng ra ngôi chùa nằm trên đảo nhỏ.

Đây là Chùa Từ Tôn. Sư thầy Chúc Minh xuống tận bến đón khách viếng thăm chùa. Sư thầy còn trẻ, hướng dẫn đoàn đi vòng qua các tầng quanh đảo lên các ngôi nhà trên đảo nhỏ. Đảo nhỏ có tên gọi là Hòn Đỏ. Trong ánh nắng buổi sáng, buổi chiều tà màu sắc biến ảo từ sóng biển dội lên một màn hồng đỏ bao bọc quanh hòn đảo nhỏ, nên đảo mang tên Hòn Đỏ. Hòn Đỏ có lớp đất dưới đá, cho cây cao bóng cả mọc lên xanh mát. Phía bên trên là những hòn đá các cỡ to nhỏ khác nhau. Trên một hòn núi có khắc bài thơ của giáo sư cư sĩ Vũ Khiêu :

" …Tiếng chuông vang, ngoài cửa Từ Tôn !

Tiếng chuông dội, bên bờ Hòn Đỏ !

Trời Khánh Hòa bát ngát mây bay

Biển Nha Trang dạt dào sóng vỗ"

Trên một hòn núi khác khắc "Lời Phật dạy".

Và trên một hòn núi khác, Sư thầy dắt tay tôi đi qua, có khắc lời: "Cầu nguyện thế giới hòa bình" - "Chùa Từ Tôn, đảo Hòn Đỏ, Vĩnh Thọ, Nha Trang".

Tôi nắm lấy tay thầy và tâm sự: "Có lẽ nơi đây tôi đã đi qua, lúc đó phải đi theo khe suối cạn vòng vèo quanh đảo. Năm 1942, tôi đã từ Huế vào Nha Trang hoạt động cách mạng, có khi công khai, có khi bí mật thì ra các hòn đảo Hòn Chồng và Hòn Đỏ nơi này. Ở nơi đây, tôi đã từng có bài thơ: "Nguyện cầu nhân loại bình an". Lúc đó tôi đi theo cách mạng, nghĩ đến nhân loại khổ đau, tôi ứng khẩu thành bài thơ mà một số anh em cùng hoạt động ở Nha Trang còn nhớ. Bài thơ có đoạn :

"... Nhớ thương người da đỏ châu Mỹ La-tinh

Nhớ thương người da đen châu Phi

Nhớ thương người da vàng quanh Thái Bình Dương và Ấn Độ…

Đêm nằm nghe sóng vỗ

Nước mặt tràn đại dương…"

Sư thầy Chúc Minh đưa máy ảnh lên chụp và thốt lên: "Người ta đồn, xưa kia có một nhà thơ sống trên Hòn Đỏ. Nay đã phát hiện ra nhà thơ rồi…".

Tôi nói: "Kính thưa Sư thầy, tôi không phải là nhà thơ. Tôi chỉ ứng khẩu thành thơ, khi vui khi buồn như xâu xé tấm lòng…".

Sư thầy liền ngâm hai câu kết: "Đêm nằm nghe sóng vỗ/ Nước mắt tràn đại dương…".

Và Sư thầy nói vui: "Có lẽ cặp mắt luôn tuôn trào nước mắt khiến đôi bờ mi đỏ lên, càng làm cho Hòn Đỏ đỏ hơn".

Đã đến lúc sắp chia tay, sư thầy Chúc Minh cho gọi mang ra khoảng mười tập sách "Người gánh nắng" của nhà văn Quách Giao viết để kính tặng chùa Từ Tôn - Hòn Đỏ và hẹn gặp lại nhau ở chùa Từ Tôn ở Nha Trang hay chùa Vạn Đức ở TP Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: NGUYỄN ĐỨC TOẠI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/57/57/182580/Default.aspx