Cùng đồng bào Cơ Tu vui hội cúng thần Núi

Khi các nghi thức tại cúng tế cho thần núi, thần rừng, thần sông, suối đã trọn vẹn, đủ đầy, người dân Cơ Tu ở huyện vùng cao của Thừa Thiên Huế cùng hòa theo tiếng chiêng, nhịp trống, vũ điệu tung tung za zá...

Trong khuôn khổ Ngày hội VHTTDL các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 15 năm 2024, tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới (huyện A Lưới) vừa diễn ra lễ hội Tấc Ka Coong (cúng thần Núi) của đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Lễ hội này để người dân Cơ Tu cúng tạ ơn thần núi, rừng, sông, suối...

Lễ hội này để người dân Cơ Tu cúng tạ ơn thần núi, rừng, sông, suối...

Theo già làng ở xã Lâm Đớt, đây là lễ hội để người dân Cơ Tu cúng tạ ơn thần núi, rừng, sông, suối trong phạm vi làng cai quản đã ban tặng cho con cháu làng bản người Cơ Tu có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sung túc đủ đầy, mùa màng bội thu, sức khỏe bình an.

Trong ngày hội này, trước lễ cúng, nghi thức dựng cây nêu xuống đất thiêng của làng được thực hiện bởi các vị già làng cùng trưởng họ. Cây nêu là biểu tượng sức mạnh khối đại đoàn kết của con cháu làng bản, là biểu tượng của lễ hội, cầu nối giữa làng bản và các vị thần linh. Cây nêu còn là thông điệp cho khách qua đường đến với lễ hội. Cầu mong cây nêu luôn vững chãi, không gãy đổ khi buộc trâu, cho lễ hội thành công tốt đẹp.

Con trâu là linh vật chính của lễ hội Tấc Ka Coong, trong lễ hội có nghi thức đâm trâu, tuy nhiên ngày nay nghi thức này được lược bỏ. Tiếp đến là nghi thức dâng mâm cỗ. Người dâng mâm cỗ để cúng cho các vị thần linh được các vị già làng tuyển chọn. Đó là những cô gái, chàng trai Cơ Tu đẹp người, có tâm hồn thánh thiện.

Dâng các mâm cỗ.

Dâng các mâm cỗ.

Các món ăn được chế biến từ những phần ngon nhất của các vật tế (trâu, bò, dê, heo, gà...) và những loại bánh được làm từ những hạt nếp nương dẻo thơm.

Cuối cùng là lễ cúng chín. Già làng đọc nghi thức để báo cáo với thần linh. Khi các nghi thức tại cúng tế cho thần núi, thần rừng, thần sông, suối đã trọn vẹn, đủ đầy, người dân Cơ Tu cùng hòa theo tiếng chiêng, nhịp trống, vũ điệu tung tung za zá.

Theo người Cơ Tu tại huyện A Lưới, ngày nay họ còn lưu truyền, gìn giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc mình. Trong đó, có lễ hội Tấc Ka Coong là nét đẹp, là tinh hoa văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó, chan hòa giữa con người Cơ Tu với vạn vật, thiên nhiên, nơi họ sinh ra, lớn lên và trưởng thành.

Lễ hội Tấc Ka Coong của đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Lễ hội Tấc Ka Coong của đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Theo lãnh đạo huyện A Lưới, thời gian qua, huyện A Lưới đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, trong đó có việc phục dựng các lễ hội truyền thống. Lễ hội Tấc Ka Coong của đồng bào Cơ Tu được tái hiện thành công tại ngày hội năm nay là sự nỗ lực của nhiều cá nhân, đơn vị.

Lễ hội Tấc Ka Coong mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Lễ hội Tấc Ka Coong mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Dân tộc Cơ Tu ở huyện A Lưới sinh sống tập trung ở các xã Hồng Hạ, Hương Nguyên, Lâm Đớt và số ít ở xã Hồng Thượng, Phú Vinh. Người dân Cơ Tu huyện A Lưới có trên 10 lễ hội truyền thống lớn nhỏ, luôn được duy trì và phát huy, trong đó có lễ hội Tậc Ka Coong hay còn gọi là Puy Dàng Xứ.

Hải Vân

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/cung-dong-bao-co-tu-vui-hoi-cung-than-nui-c9a74006.html