Cung đàn lấp đầy những 'vầng trăng khuyết'

Đã mấy tháng nay, các buổi chiều cuối tuần, trung tâm Hỗ trợ giáo dục phát triển hòa nhập cộng đồng Đà Nẵng lại rộn vang những tiếng đàn của những em bé khiếm thị. Tiếng thầy giáo trẻ vui đùa, khích lệ các em nhỏ học đàn làm không khí nơi đây thêm rộn ràng. Ở đó, từng nốt nhạc đang dần mở ra thế giới nhiệm màu cho những 'vầng trăng khuyết'.

Tiếng đàn đã thắp lên nụ cười và hy vọng về tương lai cho các em nhỏ. Ảnh: Nguyễn Thành

Nhân duyên

Thầy giáo đứng lớp dáng người mảnh dẻ, da ngăm đen, tóc xoăn xõa mặt là Trương Lương Hy. Hy được 15 em nhỏ khiếm thị, mù lòa sinh hoạt tại trung tâm gọi bằng cái tên rất trìu mến: “ông giáo thắp đèn”. “Tôi chỉ là người giữ những cây diêm để thắp lên ước mơ cho các em nhỏ sinh ra đã sớm chịu nhiều thiệt thòi. Chỉ mong ánh lửa mình thắp lên sẽ đủ soi sáng những giấc mơ đẹp trong bầu trời không trăng sao, có ngày sẽ bừng lên vạn tinh tú.” Lương Hy cười nói.

Tốt nghiệp Học viện âm nhạc Huế từ năm 2011, quay về quê nhà Đà Nẵng, anh lựa chọn con đường riêng của mình là mở lớp dạy đàn ghi ta, piano, organ cho các học viên, đặc biệt là các em nhỏ. Trải qua nhiều thử thách, trung tâm dạy nhạc của Hy đứng vững, phát triển và trở thành địa chỉ của nhiều phụ huynh gửi con em đến học, luyện đàn.

Hy kể, nhân duyên với tâm nguyện mở lớp dạy đàn miễn phí cho trẻ em mù, khiếm thị của mình cũng thật tình cờ. Đó là, hơn 6 năm trước, một lần đi tẩm quất, giác hơi ở một cơ sở của Hội người mù quận Thanh Khê, thấy trong phòng tẩm quất của người thợ già có cây đàn ghi ta được treo ở vị trí trang trọng nhất. Tò mò, hỏi chuyện người thợ già mù đem câu chuyện cuộc đời và cây đàn ra kể khiến Hy rất xúc động. Chính cây đàn cùng công việc tẩm quất là niềm vui, là ánh sáng cuộc đời giúp ông vượt qua tất cả để vươn lên. Cuối buổi, Lương Hy ôm đàn cùng đàn, hát giao lưu với người thợ già. Anh không ngờ những ngón đàn khá điêu luyện của ông là do tự học.

“Trong đời chưa bao giờ mình đàn hát với cảm xúc dâng trào như vậy. Trong đêm khuya vắng khách, hai người đàn ông hát cho nhau nghe bằng cả tấm lòng. Chú ấy dường như nín thở để lắng nghe, cảm nhận từng nốt đàn mình đánh. Giây phút đó, mình chợt nhận ra, với những người mù âm thanh đẹp nhất trên cuộc đời này chính là âm nhạc!”, Hy tâm sự.

Anh Trương Lương Hy (bìa trái) bên lớp dạy đàn miễn phí cho trẻ em khiếm thị

Ý tưởng về dạy đàn cho các em nhỏ khiếm thị xuất phát từ cuộc gặp gỡ đó. Để rồi, cơ duyên lại đến, khi đầu tháng 10/2023, “sư phụ” của Hy ở TP. Hồ Chí Minh tổ chức dự án trao 100 cây đàn Ukulele cho trẻ em khuyết tật tại các cơ sở bảo trợ trên khắp cả nước. Hay tin, Hy liên hệ xin 15 cây đàn làm quà tặng và mở lớp dạy đàn cho các em nhỏ khiếm thị đang sinh hoạt tại đây.

Lương Hy kể, ngày anh và bạn bè lên trao đàn, các em nhỏ reo hò vui sướng khi biết tin sẽ có thầy giáo dạy đàn miễn phí cho mình. Chứng kiến cảnh các em nhỏ mân mê, sờ nắn và lắng nghe thanh âm của đàn khiến Hy không cầm được nước mắt và lòng thêm quyết tâm để theo đuổi tâm nguyện của mình.

“Lớp học đều đặn 2 ngày cuối tuần. Mỗi lần đứng lớp, những câu chuyện cuộc đời, ước mơ của các em luôn cho mình những cảm xúc rất khó tả. Dạy đàn cho người sáng đã khó, dạy cho các em nhỏ khiếm thị, mù lòa khó gấp ngàn lần. Bù lại các em cảm nhận thanh âm, nốt nhạc bằng cả trái tim, khối óc. Qua hơn 2 tháng, các em nhỏ đã biết các nốt nhạc trên phím đàn, biết cách gảy đàn đúng cách, đúng nhịp, đúng phách. Lương Hy chia sẻ, nhiều em có năng khiếu, tiến bộ bất ngờ.

Chắp cánh những ước mơ

Hôm lên thăm lớp học, vừa bước chân vào, đã có em nhỏ reo lên: “Thầy ơi! Có khách”. “Ông trời không lấy đi hết của ai cái gì. Mắt không nhìn thấy, nhưng bù lại các em có đôi tai rất tốt, chỉ cần nghe tiếng bước chân đã nhận ra người quen hay người lạ. Khả năng lắng nghe thanh âm cuộc sống tốt, mình tin khả năng cảm thụ âm nhạc của các em sẽ hơn người bình thường. Việc còn lại là khơi dậy trong các em những niềm đam mê và ước mơ cháy bỏng!”, Hy cho biết.

“Trong lớp học, mình đã thấy được những nhân tố tiềm năng. Khi các em đó thành thục, mình sẽ truyền kỹ năng, phương pháp sư phạm cho các em, để sau này với giáo trình âm nhạc chữ nổi, chính các em đó sẽ là những người truyền lửa đam mê đến với các bạn nhỏ cùng cảnh ngộ khác. Trong cùng một thế giới, sự đồng cảm sẽ giúp các em thấu hiểu và diễn đạt với nhau dễ dàng hơn”.

Trương Lương Hy

Để các em nhỏ không chỉ biết chơi đàn, mà xa hơn là biết viết nhạc, Lương Hy đang nhờ người dạy anh cách soạn thảo và chuyển thể một số ca khúc bằng chữ viết thông thường sang chữ nổi Braille để phục vụ việc học của lớp. Mục tiêu của anh là sẽ đào tạo các em có năng khiếu vượt trội chuyên sâu về âm nhạc, để các em không chỉ biết đàn hát mà còn biết sáng tác nhạc, viết lên những bản nhạc, ca khúc của riêng mình. Và chính các em đó, sau này sẽ là những người cùng truyền lửa đam mê.

Cẩn thận nắn nót những ngón tay cho em Trần Hoàng Minh Khang (11 tuổi) bấm những nốt nhạc mới trên cung đàn, Hy vừa kể chuyện vui về tuyệt chiêu luyện công để thành “thiên hạ đệ nhất đàn” cho các bạn nhỏ nghe. Chuyện vui, Khang ôm đàn, miệng cười nắc nẻ, hồn nhiên.

Nguyễn Tú Anh tìm thấy đam mê, niềm vui với tiếng đàn. Ảnh: Nguyễn Thành

Mắt bị tật bẩm sinh từ lúc chào đời, từ Nghi Lộc (Nghệ An) Khang được bố mẹ gửi vào trung tâm ăn học đã được 2 năm nay. Ước mơ đơn giản của Khang và các bạn trong lớp học là một lần được nhìn thấy ánh sáng và thấy mặt bố mẹ, người thân. Mê âm nhạc, Khang đã tự học thổi sáo trúc khá điêu luyện. Nay được thầy Hy “thắp lửa” dạy thêm những ngón đàn, Khang rất say mê.

“Có sự phụ Hy truyền bí kíp, em sẽ luyện công để sớm trở thành nhạc công đàn hát và sáng tác nhạc tặng bố mẹ và mọi người”, Khang cười nói. Xoa đầu cậu học trò lém lỉnh, anh Hy tiếp lời: “Khang ngoan, lễ phép, hiếu học lắm. Xong giờ mấy bạn vẫn hay níu tay thầy ở lại dạy thêm. Các em đâu biết trời sớm tối, thấy các em mê, quyến luyến không nỡ lòng, có hôm tối mịt mới về đến nhà”.

Mấy tháng nay, cuối tuần anh Nguyễn Văn Quảng (32 tuổi) lặn lội gần 10km từ quận Cẩm Lệ chở con gái Nguyễn Tú Anh (7 tuổi) lên lớp học đàn. Ngồi sau lớp học, ánh mắt anh Quảng thỉnh thoảng lại ánh lên rạng rỡ theo tiếng đàn của con. Tú Anh chào đời đã bị khiếm thị, dù là lao động phổ thông, cuộc sống đắp đổi qua ngày nhưng anh Quảng vẫn dành nhiều công sức, tiền bạc để chữa chạy, giúp con đi tìm ánh sáng của cuộc đời. Nhưng mọi hy vọng đều dập tắt khi bác sĩ kết luận, đôi mắt con gái bé bỏng mãi không thể thấy mặt người. Thương con, anh dành nhiều thời gian để đưa đón con tham gia các lớp học, hoạt động hòa nhập cộng đồng.

Nguyễn Thành

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cung-dan-lap-day-nhung-vang-trang-khuyet-post1606762.tpo