Cùng cộng đồng quốc tế tìm giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu

Là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, Việt Nam cam kết mạnh mẽ để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong hành trình đó, Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của cộng đồng quốc tế.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là những nội dung được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu nhấn mạnh tại diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao với các đối tác phát triển về biến đổi khí hậu. Diễn đàn do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức với sự phối hợp của Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Bộ Môi trường-Bảo vệ thiên nhiên-Xây dựng và An toàn hạt nhân Đức.

Tham dự diễn đàn có đại diện các bộ, ngành trung ương, các đối tác phát triển quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định đây là cơ hội để Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu Việt Nam và các đối tác phát triển cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, cập nhật các kết quả nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu và những tác động của biến đổi khí hậu tới Việt Nam. Tại diễn đàn này, Việt Nam và các đối tác phát triển sẽ cùng nhau xác định các vấn đề còn thiếu hụt trong các cơ chế, chính sách, chương trình hành động của Việt Nam và khả năng hỗ trợ của các đối tác quốc tế để Việt Nam ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết khác tại COP21.

Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề của biến đổi khí hậu

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của biến đổi khí hậu. Chỉ số rủi ro về khí hậu được công bố trong nghiên cứu về thiên tai trên thế giới cho thấy Việt Nam là nước đứng thứ 5 về thiệt hại do thiên tai, với trung bình mỗi năm có hàng trăm người bị thương vong và thiệt hại về GDP bình quân hằng năm là 1,9 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 1,3% GDP.

Do biến đổi khí hậu, những năm gần đây, thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế. Hằng năm, trung bình có từ 6 đến 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Số lượng bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn. Khu vực đổ bộ của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển dần về phía nam và mùa bão kết thúc muộn hơn. Nhiều cơn bão có đường đi phức tạp, dị thường. Hạn hán có xu thế tăng lên với mức độ không đồng đều giữa các vùng khí hậu. Hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra phổ biến. Hiện tượng nắng nóng gia tăng rõ rệt ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt ở Trung Bộ và Nam Bộ.

Ngay trong năm 2016, tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại ở phía bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (5,52% so với 6,32%). Lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực nông nghiệp giảm 0,18%, sản lượng lúa vụ đông xuân giảm 1,34 triệu tấn.

Phó Thủ tướng trao đổi về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam với các đối tác. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cam kết trách nhiệm

Về những cam kết của Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, nhưng Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các chiến lược tăng trưởng xanh, phòng chống thiên tai, phát triển năng lượng tái tạo... với nhiều chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

“Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, trong đó có đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC), bao gồm đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường bằng nguồn lực trong nước và có thể tăng lên mức 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu.

“Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu nhằm tăng khả năng chống chịu, bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân, tạo điều kiện để có đóng góp lớn hơn trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Phó Thủ tướng cho biết ngay sau Hội nghị COP21 năm 2015 tại Paris, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam. Kế hoạch hành động này hiện đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, trong đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho các bộ, ngành triển khai và dự kiến nguồn lực để thực hiện, bao gồm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bắt buộc và nhiệm vụ khuyến khích thực hiện.

Các đối tác tham dự Diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng hành động

Trong thời gian qua, Việt Nam đã nhận được những sự hỗ trợ hiệu quả về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách và các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các đối tác quốc tế, của cộng đồng doanh nghiệp, của các tổ chức hoạt động vì sự phát triển vững bền của Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cảm ơn Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), các cơ quan Liên Hợp Quốc, các đối tác phát triển, các nhà khoa học trên khắp thế giới… đã hợp tác với Chính phủ, các nhà khoa học Việt Nam trong việc cập nhật các thông tin, kết quả nghiên cứu mới nhất, làm cơ sở để các cấp phía Việt Nam đưa ra quyết định của mình.

“Tôi mong các đối tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong và ngoài nước và tất cả các bạn sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và triển khai thực hiện thành công Thỏa thuận Paris”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các nhà khoa học, các tổ chức phát triển quốc tế cùng phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam nhằm cập nhật các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu và những tác động của biến đổi khí hậu tới Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng, đây là nội dung hết sức quan trọng, tạo cơ sở nền tảng để xem xét đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bên cần thảo luận một cách cởi mở, chi tiết chương trình hành động và những nỗ lực của Việt Nam trong chuẩn bị triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam, thực hiện các cam kết đã nêu trong INDC của Việt Nam và cùng cộng đồng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý một số vấn đề trọng tâm cần chú trọng trong triển khai thực hiện các chiến lược quốc gia, chương trình hành động về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phòng chống thiên tai, phát triển năng lượng tái tạo... bảo đảm thực sự phát huy hiệu quả hướng đến phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Để Việt Nam có thể thực hiện tốt những cam kết của mình, Phó Thủ tướng đề nghị các đối tác phát triển cùng hỗ trợ để xác định các vấn đề còn thiếu hụt trong các cơ chế, chính sách, chương trình hành động của Việt Nam và khả năng hỗ trợ của các đối tác quốc tế để Việt Nam ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết khác tại COP21.

Xuân Tuyến

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/cung-cong-dong-quoc-te-tim-giai-phap-ung-pho-hieu-qua-voi-bien-doi-khi-hau/289781.vgp