Củng cố vai trò của nhà trường, học sinh trong bảo vệ an ninh Tổ quốc

Bảo vệ an ninh và sự vững mạnh của đất nước là nhiệm vụ chung của mọi lứa tuổi, không chỉ của các cán bộ nhà trường, mà chính các em học sinh cũng cần có nhận thức rất rõ và tạo ra hành động.

Sáng 18/8, thầy và trò trường Trung học Cơ sở Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiến, Hà Nội) đã tổ chức hoạt động về Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Sự kiện nhằm hưởng ứng không khí thi đua sôi nổi, hướng tới kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 78 năm ngày truyền thống lực lượng Công an Nhân dân cũng như 18 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Ngày hội do nhà trường phối hợp quận Hoàn Kiếm và phường Hàng Bài tổ chức, với sự tham gia của đại diện công an, ban tuyên giáo quận… (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Hiệu trưởng nhà trường - bà Phạm Thu Hà khẳng định trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã luôn dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh, trí lực cũng như sự đoàn kết toàn dân. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Bà Hà cho biết thêm trong những năm qua, nhà trường đã thường xuyên tuyên truyền cho các cán bộ, học sinh hiểu rõ về vai trò của mình trong công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các hoạt động đã mang lại hiệu quả rõ nét, tạo môi trường học đường an toàn và sẽ tiếp tục duy trì, đẩy mạnh trong tương lai. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Đến nay, thầy và trò trường Trung học Cơ sở Ngô Sĩ Liên đã thực hiện nhiều hoạt động ngoại khóa hữu ích như tham quan nhiều di tích lịch sử, trong đó có Nhà tù Hỏa Lò, hay giao lưu với nhân chứng lịch sử như Trung tướng Phạm Tuân nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không (1972-2022)… (Ảnh tư liệu: Minh Anh/Vietnam+)

Đại diện học sinh nhà trường, em Phan Trần Kim Anh (học sinh khối 9) khẳng định có nhiều bài học về tình yêu Tổ quốc cũng như ý thức trách nhiệm với an ninh đất nước, ví dụ văn bản “Hịch tướng sỹ” trong môn Ngữ Văn về truyền thống đấu tranh, đánh giặc ngoại xâm; những bằng chứng pháp lý cho thấy quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam trong môn Địa lý; những kiến thức về luật pháp, đạo đức xã hội Việt Nam được truyền tải qua môn Giáo dục Công dân… (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Mỗi thành phần là các thầy cô, cán bộ nói chung đang công tác tại trường cũng đảm nhận và thực hiện tốt việc giáo dục, tổ chức hoạt động ngoại khóa, xây dựng hệ thống phản ánh qua đường dây nóng, hòm thư, hệ thống camera an ninh, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an ninh trong và xung quanh, bên ngoài trường… (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Một điểm nhấn trong tham luận của các cán bộ nhà trường là đảm bảo tạo cả môi trường an toàn trên mạng, nâng cao nhận thức cho học sinh, nhằm phòng chống và kịp thời xử lý các vấn đề liên quan, trong đó có cả vấn đề ngăn chặn bắt nạt trên mạng cho các em. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Cùng với sự dạy dỗ và định hướng từ nhà trường, mỗi học sinh cũng cần tự trang bị những kiến thức cần thiết để có thái độ đúng đắn, trách nhiệm với việc bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp sức xây dựng đất nước vững mạnh. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Tại sự kiện, đại diện quận Hoàn Kiếm cũng khẳng định vai trò của quận và các phường cũng như mỗi đơn vị như trường Trung học Cơ sở Ngô Sĩ Liên trong công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cung-co-vai-tro-cua-nha-truong-hoc-sinh-trong-bao-ve-an-ninh-to-quoc/889779.vnp