Củng cố quan hệ đồng minh

QĐND - Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn vừa kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Mỹ. Chuyến thăm nhằm đáp lại chuyến công du tới Anh của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma hồi tháng 5-2011 với mục đích cải thiện mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời củng cố “tiếng nói chung” trong một loạt vấn đề nóng của thế giới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron. (Ảnh: Reuters)

Quan hệ đồng minh Mỹ-Anh đã gắn kết chặt chẽ dưới thời các thủ tướng-tổng thống trước như: Thủ tướng Sớc-sin và Tổng thống Ru-xơ-ven, Mác-mi-lân và Giôn Ken-nơ-đi, Thát-chơ và Ri-gân, Tô-ni Ble và Bin Clin-tơn. Tuy nhiên, mối quan hệ đồng minh cật ruột Mỹ-Anh từng được coi “tuy hai mà một”, đã phai nhạt dưới thời ông G. Brao và Ô-ba-ma.

Vì thế, một trong những nhiệm vụ của ông chủ Phố Đao-ninh trong chuyến công du Oa-sinh-tơn lần này là đưa quan hệ Mỹ-Anh trở lại quỹ đạo. Kỳ vọng ở thời điểm này có vẻ hơi sớm, song việc ông Ô-ba-ma mời ông Ca-mê-rôn cùng đi trên chiếc máy bay Không lực Một tới bang Ô-hai-ô xem một trận bóng rổ, cho thấy Oa-sinh-tơn vẫn coi Luân Đôn là “đối tác gần gũi nhất của Mỹ”.

Thế nhưng, việc Tổng thống Ô-ba-ma “trải thảm đỏ” đón tiếp Thủ tướng Ca-mê-rôn đã khiến dư luận khá bất ngờ bởi lẽ Tổng thống Ô-ba-ma được cho là người chú trọng tới các mối quan hệ gần gũi hơn với các nước châu Á thay vì các đồng minh truyền thống tại châu Âu. Thực tế cho thấy, kể từ khi cuộc chiến I-rắc kết thúc, quan hệ đồng minh Mỹ-Anh đã có ít nhiều thay đổi. Trong khi đó, Áp-ga-ni-xtan vẫn là cái “lò” nướng quân khi binh lính nước ngoài luôn là mục tiêu tìm kiếm của các tay súng Ta-li-ban. Nhiều nước như: Pháp, Đức, Ca-na-đa đã tuyên bố rút quân trước thời hạn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình rút quân của Mỹ năm 2014. Mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương còn trở nên nhạt nhòa khi chính quyền của ông Ô-ba-ma dành nhiều sự quan tâm cho chính sách đối nội, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần. Trong khi đó, Luân Đôn đang phải đối đầu với “vi-rút” nợ công lan nhanh ở châu Âu cùng tỷ lệ thất nghiệp trong nước gia tăng. Những số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong 3 tháng tính tới tháng 1-2012 đã vọt lên 8,4%, mức cao nhất kể từ năm 1995, tăng so với mức 8,3% của 3 tháng trước đó…

Mặc dù vậy, trong cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 14-3 (giờ địa phương), hai nhà lãnh đạo Mỹ-Anh vẫn tìm được điểm chung trong nhiều vấn đề “nóng” trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết đối với lịch trình cũng như nhiệm vụ của mỗi nước tại Áp-ga-ni-xtan; chia sẻ quan điểm chung về tình hình tại Xy-ri, chương trình hạt nhân của I-ran và vấn đề khôi phục kinh tế toàn cầu.

Tới Mỹ đúng vào thời điểm sứ mệnh do NATO đứng đầu ở Áp-ga-ni-xtan đang hết sức căng thẳng, sau hàng loạt vụ việc mà đỉnh điểm là vụ một binh sĩ Mỹ nổi loạn gây ra vụ thảm sát 16 dân thường Áp-ga-ni-xtan ngày 11-3 vừa qua, Thủ tướng Ca-mê-rôn và Tổng thống Ô-ba-ma đều nhất trí cho rằng sẽ không có bất kỳ thay đổi lớn nào trong kế hoạch rút lính Mỹ và binh lính NATO ra khỏi quốc gia Tây Nam Á này trước cuối năm 2014. Ông Ca-mê-rôn cam kết sẽ không "từ bỏ" cuộc chiến Áp-ga-ni-xtan cho dù Luân Đôn đang ở giai đoạn cuối của sứ mệnh quân sự tại đó. Lời cam kết này như một liều thuốc hỗ trợ kịp thời giúp Oa-sinh-tơn không đơn độc trên chiến trường Nam Á.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về các biện pháp kinh tế và ngoại giao để gia tăng áp lực lên chính quyền Xy-ri. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về các nỗ lực tiếp tục gây sức ép, đồng thời kêu gọi I-ran sớm nối lại các cuộc đàm phán nghiêm túc về chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này.

Hai nhà lãnh đạo Anh-Mỹ cũng đã thảo luận các biện pháp hồi phục kinh tế toàn cầu cũng như tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở châu Âu. Tổng thống Ô-ba-ma và Thủ tướng Ca-mê-rôn đã đề cập tới khả năng mở các kho dầu dự trữ chiến lược. Đây là động thái đầu tiên cho thấy ông Ô-ba-ma bắt đầu thăm dò sự ủng hộ toàn cầu trong nỗ lực đối phó với tình trạng giá dầu thế giới tăng lên gần mức kỷ lục.

Dù còn một số bất đồng trong việc hỗ trợ châu Âu khỏi cuộc khủng hoảng nợ công, song xét về tổng thể, chuyến công du đặc biệt của Thủ tướng Ca-mê-rôn được đánh giá là đã tái khẳng định tính “sống còn” của quan hệ đồng minh Mỹ-Anh.

Kim Oanh

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/3/29/29/180284/Default.aspx