Củng cố, phát huy vai trò của các chi bộ sau sáp nhập

Quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động... là cách làm của các cấp ủy huyện Lục Nam (Bắc Giang) nhằm phát huy vai trò của các chi bộ cơ sở, nhất là những chi bộ sau sáp nhập.

Chi bộ thôn Đọ, xã Cương Sơn được hình thành sau khi sáp nhập thôn Đọ Bến và Đọ Làng. Ở thôn Đọ Bến, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề dịch vụ; còn thôn Đọ Làng phần lớn các hộ làm nông nghiệp. Sau sáp nhập, để phát huy tốt vai trò lãnh đạo của chi bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, Chi ủy xác định trước tiên là đề cao trách nhiệm của đảng viên và đội ngũ trưởng, phó các đoàn thể ở thôn trong việc tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng các phong trào chung. Nhờ vậy, dù đặc thù địa bàn khác nhau nhưng sau sáp nhập, người dân vẫn phát huy được tinh thần đoàn kết, cùng thi đua phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Lãnh đạo Chi bộ thôn Đọ, xã Nghĩa Phương (Lục Nam) nắm tình hình sản xuất trên địa bàn.

Chi bộ thôn Đọ là một trong số bốn chi bộ sau sáp nhập trên địa bàn xã Cương Sơn. Đồng chí Đỗ Thái Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: "Do địa bàn các thôn sau sáp nhập đều có diện tích rộng, dân số đông nên các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy đều đảm nhận trực tiếp phụ trách thôn. Cùng đó, tăng cường các đảng ủy viên là cán bộ, công chức xã về sinh hoạt với chi bộ. Ngoài dự họp, các đồng chí còn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với chi ủy trong công tác xây dựng Đảng, tham gia triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở".

Chi bộ thôn Chiến Thắng, xã Yên Sơn được hình thành sau sáp nhập 3 thôn là Trại Cầu, Cổ Miên, Mười Một. Bí thư Chi bộ Giáp Văn Hoan chia sẻ: “Chi bộ có 26 đảng viên. Các đồng chí trong chi ủy được phân công nắm bắt tình hình, đôn đốc công việc ở từng tổ đảng tương ứng với địa bàn nơi cư trú. Trong sinh hoạt Đảng, Chi bộ thường bố trí họp vào ngày Chủ nhật để các đảng viên thu xếp công việc dự họp đông đủ nhất. Ngoài ra, nếu cần triển khai nội dung cụ thể liên quan đến địa bàn tổ đảng nào thì Chi ủy sẽ tổ chức họp riêng với tổ đảng đó để quán triệt và nắm bắt ý kiến được sâu sát hơn”.

Sau khi tiến hành sáp nhập vào năm 2019, đến nay, Đảng bộ huyện Lục Nam còn 469 chi bộ, giảm 75 chi bộ. Những đơn vị có nhiều chi bộ sáp nhập là: Đông Hưng, Bình Sơn, Vũ Xá, Cương Sơn, Nghĩa Phương...

Sau khi tiến hành sáp nhập vào năm 2019, hiện Đảng bộ huyện Lục Nam còn 469 chi bộ, giảm 75 chi bộ. Những đơn vị có nhiều chi bộ sáp nhập là: Đông Hưng, Bình Sơn, Vũ Xá, Cương Sơn, Nghĩa Phương... Xác định chi bộ là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, nhất là đối với các chi bộ sau sáp nhập có số lượng đảng viên đông, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Lục Nam đã tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt, ưu tiên hàng đầu là nâng cao năng lực điều hành cuộc họp và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ chi ủy.

Cụ thể hóa nhiệm vụ này, Ban Tổ chức Huyện ủy tập trung nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể theo phương châm “cầm tay chỉ việc”; biên tập bộ mẫu báo cáo trung tâm của hội nghị cũng như các bước điều hành một cuộc sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, cách ghi chép, ban hành kết luận, nghị quyết sau hội nghị. Ngoài ra, BTV Huyện ủy chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc có nhiều chi bộ sáp nhập tổ chức sinh hoạt mẫu, sinh hoạt điểm; mời bí thư các chi bộ tham dự để cùng chia sẻ kinh nghiệm về cách điều hành, lựa chọn nội dung sinh hoạt, đặc biệt là sinh hoạt chuyên đề.

Lãnh đạo Đảng ủy xã Đông Hưng dự họp với Chi ủy Chi bộ thôn Tân Dân về công tác quản lý đảng viên sau sáp nhập.

Đơn cử như ở xã Yên Sơn, dịp đầu năm, Đảng ủy xã đã tổ chức đồng loạt sinh hoạt chuyên đề về công tác phát triển đảng viên mới. Tuy số lượng đảng viên đông nhưng hầu hết các chi bộ vẫn gặp khó trong công tác tạo nguồn. Qua sinh hoạt chuyên đề và từ định hướng của cấp ủy, các chi bộ đã chủ động hơn trong việc tìm nguồn bồi dưỡng. Nhờ vậy, năm nay, Đảng bộ xã kết nạp 15 đảng viên mới, vượt chỉ tiêu đề ra. Đáng chú ý là cả 2 chi bộ sau sáp nhập là Chiến Thắng và Mười Lăm Mười Sáu đều đã phát triển được đảng viên mới.

Khắc phục khó khăn do địa bàn rộng, số lượng đảng viên đông, để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của đảng viên và quần chúng, BTV Huyện ủy Lục Nam còn chỉ đạo thực hiện nghiêm việc phân công các đồng chí huyện ủy viên, lãnh đạo, chuyên viên các ban xây dựng Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội huyện hằng tháng dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở. Định kỳ báo cáo đánh giá nền nếp, chất lượng sinh hoạt và những vấn đề thực tiễn nắm bắt được qua hoạt động này. Đảng ủy các xã, thị trấn duy trì giao ban với các chi ủy, chi bộ trực thuộc để kịp thời giải đáp vướng mắc với những vấn đề mà các chi bộ sau sáp nhập thường gặp.

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: "Từ sự chỉ đạo sát sao đó, đến nay, cơ bản các chi bộ sau sáp nhập đều duy trì tốt nền nếp, chất lượng sinh hoạt được nâng lên. Nội dung sinh hoạt được các chi ủy chuẩn bị chu đáo, bám sát tình hình thực tiễn địa phương. Tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ hằng tháng bình quân đạt hơn 90%. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm cấp ủy viên dự sinh hoạt đảng ủy cơ sở, chi bộ thôn, tổ dân phố. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức sinh hoạt của các chi bộ" .

Bài, ảnh: Vân Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/xay-dung-dang/415533/cung-co-phat-huy-vai-tro-cua-cac-chi-bo-sau-sap-nhap.html