''CUNG'' CHƯA ĐÁP ỨNG ĐƯỢC ''CẦU'' TRONG CHẤT LƯỢNG THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Sáng 19/4, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, đánh giá bổ sung thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì cuộc làm việc.

Tham dự cuộc làm việc có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội; Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện một số Ủy ban của Quốc hội cùng một số cơ quan hữu quan.

“Cung” chưa đáp ứng được “cầu” trong chất lượng thị trường lao động

Báo cáo đánh giá bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2022, Bộ đã tập trung hoàn thiện Hồ sơ Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, trình Chính phủ ban hành 06 Nghị định, trình Thủ tướng ban hành 02 Quyết định, ban hành theo thẩm quyền 26 thông tư và phối hợp ban hành 01 thông tư liên tịch. Bộ cũng đã đạt được nhiều chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 như tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

Quang cảnh cuộc làm việc

Quang cảnh cuộc làm việc

Bên cạnh đó, thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm duy trì được lực lượng lao động ổn định. Lực lượng lao động tăng khá nhanh, đạt 51,7 triệu người (tăng 1,1 triệu so với năm 2021); số lao động có việc làm cũng tăng trở lại cùng với xu hướng phục hồi kinh tế, đạt 50,6 triệu người (tăng 1,5 triệu người).

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm năm 2023, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, tình hình lao động, việc làm quý I năm 2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý I năm 2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì đà phục hồi nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập và hạn chế: Về chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập; cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ "hiện đại", chưa có đủ việc làm bền vững; thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều.

Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình bày báo cáo

Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình bày báo cáo

Theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao (quý I năm 2023 là 7,61%); tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,5% (có dấu hiệu tăng ở quý I năm 2023). Công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn, nhất là tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp và tuyển sinh đối với các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng phản ánh, phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở một số địa phương còn chậm. Mức trợ cấp xã hội tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân.

Cùng với đó, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hóa, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, gây bức xúc trong dư luận xã hội; còn nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng. Tệ nạn xã hội diễn ra dưới các hình thức tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đánh giá kỹ lưỡng, khách quan tính bền vững của hệ thống an sinh

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho rằng báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần xem xét, cập nhật thêm, một số nội dung, số liệu chưa thật sát với đề cương, cần sửa đổi để đảm bảo chính xác, đầy đủ, toàn diện, đặc biệt là số liệu cập nhật mới liên quan đến số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, vì đây là căn cứ quan trọng xác định tính bền vững của hệ thống an sinh.

Để đánh giá khách quan về việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trong đó có việc phục hồi về lĩnh vực lao động việc làm, an sinh xã hội, không chỉ cần có số liệu của năm 2022, 2021, mà cần có sự so sánh, đối chiếu với các giai đoạn trước. Cho rằng báo cáo chưa thể hiện rõ nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cập nhật đầy đủ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan

Tại cuộc làm việc, các đại biểu cũng cho rằng, số liệu cung cấp giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê là không đồng nhất, nên hai cơ quan cần có sự phối hợp, trao đổi, làm việc để làm rõ hơn các số liệu, góp phần giúp đánh giá khách quan và kỹ lưỡng tình hình thực tế, tìm hiểu rõ những nguyên nhân, vướng mắc để tìm cách khắc phục.

Đánh giá Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đạt được nhiều chỉ tiêu đề ra trong năm 2022, tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, tuy lực lượng lao động phục hồi nhưng đang có dấu hiệu chững lại, một số địa phương còn có sự sụt giảm số lượng người có việc làm, thu nhập trung bình của người dân đang tăng chậm hơn so với tốc độ tăng ở Quý I năm 2022…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho biết, trong quý I năm 2023, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới, tuy nhiên, tình hình lao động việc làm, số liệu về tình trạng thất nghiệp vẫn tương đối khả quan. Do đó, cần làm rõ số liệu để xác minh rõ xem có phản ánh đúng thực tiễn hay không. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị làm rõ các số liệu liên quan đến việc triển khai công tác phòng, chống ma túy.

Tham gia thảo luận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cũng đề nghị rà soát, xem xét kỹ tình hình của các chủ thể sử dụng lao động như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các hợp tác xã… Theo đại biểu, khi chủ thể sử dụng lao động đang gặp nhiều khó khăn, do cắt giảm đơn đặt hàng, thị trường khó tiếp cận, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thì việc đảm bảo vấn đề lao động việc làm cũng rất khó khăn. Vì vậy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có số liệu cụ thể về tình hình của các chủ thể sử dụng lao động trong nền kinh tế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá khách quan tình hình thực tế và có số liệu đầy đủ về tình trạng hộ thoát nghèo tái nghèo trở lại, qua đó xác định tính bền vững khi thực hiện chương trình giảm nghèo. Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần có đánh giá thêm về hiệu quả thực hiện các chương trình giảm nghèo thường xuyên thông qua vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội triển khai. Đại biểu cho rằng những đánh giá về việc triển khai vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là cần thiết để nhìn nhận rõ những bất cập và có giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến phát biểu xác đáng, tâm huyết và thẳng thắn của các đại biểu. Đánh giá báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã được chuẩn bị công phu, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ tiếp thu những ý kiến phát biểu của các đại biểu tại cuộc làm việc, tiếp tục sửa đổi, chỉnh sửa, bổ sung nội dung báo cáo theo hướng bám sát đề cương, đảm bảo đầy đủ số liệu chính xác, có so sánh đối chiếu để rút ra đánh giá khách quan, làm rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại vướng mắc, qua đó hoàn thiện báo cáo đạt chất lượng cao.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Quang cảnh cuộc làm việc

Quang cảnh cuộc làm việc

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại cuộc làm việc

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho rằng cần có sự so sánh số liệu về lao động việc làm của giai đoạn 2021-2022 với giai đoạn trước, qua đó rút ra đánh giá tổng thể, khách quan

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho rằng cần có sự so sánh số liệu về lao động việc làm của giai đoạn 2021-2022 với giai đoạn trước, qua đó rút ra đánh giá tổng thể, khách quan

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đề nghị làm rõ các số liệu liên quan đến việc triển khai công tác phòng, chống ma túy

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đề nghị làm rõ các số liệu liên quan đến việc triển khai công tác phòng, chống ma túy

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến đề nghị rà soát, xem xét kỹ tình hình của các chủ thể sử dụng lao động như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các hợp tác xã…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến đề nghị rà soát, xem xét kỹ tình hình của các chủ thể sử dụng lao động như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các hợp tác xã…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu những ý kiến phát biểu của các đại biểu tại cuộc làm việc, tiếp tục sửa đổi, chỉnh sửa, bổ sung nội dung báo cáo theo hướng bám sát đề cương, đảm bảo đầy đủ số liệu chính xác, có so sánh đối chiếu để rút ra đánh giá khách quan./.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu những ý kiến phát biểu của các đại biểu tại cuộc làm việc, tiếp tục sửa đổi, chỉnh sửa, bổ sung nội dung báo cáo theo hướng bám sát đề cương, đảm bảo đầy đủ số liệu chính xác, có so sánh đối chiếu để rút ra đánh giá khách quan./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75034