Cung cấp công cụ, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp tham gia chống tham nhũng

“Có sự chuyển dịch, liên kết giữa khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước để tham nhũng, nên phải chống tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước và doanh nghiệp (DN) phải tham gia”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ cho biết.

Sáng hôm nay (21-10), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã tổ chức công bố “Bộ công cụ phòng ngừa tham những trong doanh nghiệp” – một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng tại Việt Nam.

Đáng quan tâm, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) 2005 cho thấy, việc Luật PCTN 2005 chỉ qui định PCTN trong khu vực nhà nước với người có chức vụ quyền hạn đã chưa đạt được mục tiêu PCTN đề ra, thực trạng tham nhũng còn trầm trọng. Trong khi đó, khu vực trong hay ngoài nhà nước đều có sự lạm dụng quyền lực để tư lợi cá nhân. Vì vậy, Dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã dành một chương về PCTN trong hoạt động kinh doanh, trong đó nêu trách nhiệm của người đứng đầu và kê khai tài sản với người đứng đầu, qui định về công khai, minh bạch, đồng thời, khuyến khích DN tự mình tổ chức thực hiện.

Hội thảo Công bố Bộ công cụ phòng ngừa tham nhũng trong DN

“Các DN nhỏ dễ gặp phải và dễ bị tác động bởi tham nhũng. Không như DN lớn, các DN nhỏ không có đội ngũ cán bộ tuân thủ giám sát nhân viên hay cán bộ kiểm toán nội bộ kiểm tra từng giao dịch. Do vậy, bộ công cụ này sẽ là cẩm nang hướng dẫn các DN nhỏ và vừa tự phòng ngừa tham nhũng trong DN và bên ngoài DN”, ông Brook Horowitz, Giám đốc điều hành, Tổ chức IBLF Global, tác giả phiên bản quốc tế của Bộ công cụ kiêm Giám đốc Dự án cho biết.

Từ nhận định, khung pháp lý không đủ để phòng chống tham nhũng mà cần xóa hết “đất” cho tham nhũng phát triển, ông Giles Lever – Đại sứ Anh tại Việt Nam cho rằng, phòng ngừa tham nhũng không có nghĩa là làm tăng thêm các thủ tục hành chính (TTHC), quy định hay ràng buộc về pháp lý mà là sự cam kết, vấn đề đạo đức DN, chiến lược kinh doanh của DN: minh bạch, trung thực và hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, tuy hiện nay nhiều TTHC đã được đơn giản hóa và cắt giảm thời gian thực hiện, nhiều dịch vụ hỗ trợ DN cũng được cải thiện, nhưng điều tra của VCCI vẫn cho thấy vẫn còn một số xu hướng đáng lo ngại như DN phản ánh các khoản chi trả không chính thức đang tăng lên và 65% DN được điều tra cho biết bị nhũng nhiễu khi thực hiện TTHC. Vì vậy, ông Vinh hy vọng việc thực hiện Bộ công cụ phòng ngừa trong tham nhũng trong DN sẽ là cẩm nang hướng dẫn các DN tự phòng ngừa tham nhũng nội bộ và bên ngoài DN. Từ đó góp phần giảm “nguồn cung tham nhũng”.

Thành viên nhóm nghiên cứu, TS Vũ Công Giao, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, điều đáng quan tâm là nhiều DN không tự tin trong việc PCTN, nhiều người bày tỏ nghi ngại, lo lắng DN có khả năng tham gia PCTN hay không? Bởi vậy, ông Giao cho rằng, cần phải thiết lập cộng đồng DN có khả năng tin tưởng, quyết tâm phòng ngừa tham nhũng và củng cố niềm tin, truyền cảm hứng phòng ngừa tham nhũng cho DN.

Với nội dung ngắn ngọn, dễ hiểu, bộ công cụ phòng chống tham nhũng trong DN đưa ra các hướng dẫn cụ thể để DN có thể áp dụng, thực hành để phòng ngừa tham nhũng dưới mọi hình thức, giúp quản trị rủi ro tốt hơn và cắt giảm tối đa chi phí, tăng khả năng cạnh tranh hướng tới phát triển bền vững.

H.L

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/xa-hoi/cung-cap-cong-cu-cung-co-niem-tin-cho-doanh-nghiep-tham-gia-ngua-tham-nhung-120779