Cực đoan dùng thuốc

Trong khi 'lạm dụng' kháng sinh đang là câu chuyện thời thượng thì ngược lại, chuyện 'tẩy chay' kháng sinh, cũng đáng quan tâm. Điều này cũng xảy ra với một số loại thuốc khác. Suy nghĩ cực đoan như thế, theo giới chuyên môn, dễ dẫn đến nguy hiểm.

Con cấp cứu vì mẹ “cố chấp”

Sau những nỗ lực truyền thông của ngành y tế về lạm dụng kháng sinh, nhận thức của người dân về việc sử dụng loại thuốc này dường như đã cải thiện. Tuy nhiên, không ít người lại đi từ cực này sang cực khác, cho rằng kháng sinh là “thuốc độc” nhất quyết không chịu dùng, dù sức khoẻ của mình hay người thân như thế nào.

“Bác sĩ Google” đang xen vào công việc của người thầy thuốc thật sự khi đưa ra đến 80% chẩn đoán.

Chị Nhân, 34 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, là thí dụ. Tháng qua, đứa con ba tuổi của chị bị ho, sổ mũi, nóng sốt. Đi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm đường hô hấp trên và kê toa kháng sinh, nhưng chị không mua kháng sinh mà chỉ mua các thuốc thông thường cho con uống. Chị nói: “Người ta ngày càng nói về lờn kháng sinh, cứ để cơ thể bé tự chống chọivới bệnh để sau này lớn lên sẽ khoẻ”.

Nhưng năm ngày sau, bệnh của con chị Nhân không bớt mà ngày một nặng. Bé bỏ chơi, thở khò khè, nằm lịm trên giường, và ngay cả lúc này chị vẫn chỉ cho con uống thuốc thông thường và cũng không cho đi bác sĩ khám lại.

Cuối cùng, dưới áp lực của người nhà, chị mới đưa con đến một bệnh viện quận và ở đây chuyển tiếp lên bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu. Bác sĩ nói bé bị viêm phổi, đến bệnh viện trễ vài tiếng hậu quả khó lường.

Không khác mấy là trường hợp chị Th., ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM. Chủ trương “sống thuận tự nhiên”, chị hạn chế tối đa việc dùng thuốc cho con vì theo chị chúng chỉ là hoá chất. Mỗi lần đứa con hai tuổi của chị sốt cao, chị tìm mọi cách hạ sốt tự nhiên mà không dùng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol vì theo chị thuốc này rất độc, dùng lâu dài sẽ hại cho thận.

Đầu tháng này, con chị sốt cao, cũng như mọi lần chị chỉ lau mát, nhưng không hiểu sao lần này không tác dụng. Nửa đêm, đứa bé co giật và người nhà phải đưa bé đi cấp cứu ở bệnh viện quận.

Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo, công tác tại phòng khám Care Plus, chứng kiến không ít trường hợp như thế này. Chị chia sẻ trên trang cá nhân: “Dạo này thông tin về kháng sinh và hạ sốt dồi dào quá, có ba mẹ thà để con sốt cao mệt mỏi, lừ đừ, chứ không dám đụng đến một gói hạ sốt vì sợ ung thư gan hay ngộ độc (!?). Có gia đình con bị viêm phổi suy hô hấp phải thở oxy rồi, mà cứ bị ám bởi câu kháng sinh có cần thiết không? Dùng lỡ có hại cho con về sau hay không?”.

Ám ảnh sợ thuốc

Những trường hợp “tẩy chay” thuốc như trên, y học gọi chung là “chứng ám sợ thuốc” (medication phobia), và đối với một số trường hợp quá nặng, vô lý, người ta xếp nó vào dạng “ám sợ chuyên biệt” như có người ám ảnh sợ độ cao, sợ chuột, sợ đi máy bay…

Trong khi phản ứng phụ của thuốc gây ra những hậu quả tai hại, thì “chứng ám sợ thuốc” cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ bệnh nhân. Trong một tác phẩm xuất bản vào năm 2001, TS Seymour Diamond, giám đốc điều hành một tổ chức nghiên cứu về chứng đau đầu ở Chicago (Hoa Kỳ), cho biết “chứng ám sợ thuốc” có thể bắt gặp ở những phụ huynh sử dụng thuốc cho con cái họ, khi họ cho rằng thuốc gây hại hơn lợi.

Tuy nhiên, một bác sĩ công tác tại bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, lại chia sẻ: “Người ám ảnh về thuốc này hoặc thuốc kia thường là người siêng lên mạng tìm hiểu, nhưng thông tin trên mạng thì bao la còn kiến thức lại quá ít, vì thế người tadễ bị “ngộ độc” vì những thông tin tiếp nhận”.

Tháng qua, bình luận về những nhận thức sai lệch của các bà mẹ trong việc sử dụng thuốc cho con, trên trang cá nhân của mình, bác sĩ N.Đ.P, đang làm việc tại TP.HCM, viết: “Chúng ta có thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ bản thân và người thân bằng những thông tin không chính xác thông qua Google, mà không biết rằng những gì công cụ này biết và mức độ chính xác đôi khi không đi cùng nhau. Gần đây có người nhờ vả thêm Facebook, mạng xã hội này có vẻ mạnh hơn Google, vì có cách phán xét tự tin và thuyết phục đến nỗi nhiều cái sai bét nhè mà cứ như là đúng vậy”.

Tình trạng này ở nước ta cũng không xa lạ với nước ngoài. Tuần qua, trả lời tạp chí Pulse, GS Helen Stokes-Lampard, chủ tịch trường Hoàng gia bác sĩ tổng quát (The Royal College of GPs) của Anh, cảnh báo thực trạng “bác sĩ Google” đang xen vào công việc của người thầy thuốc thật sự khi đưa ra đến 80% chẩn đoán mà bà biết được.  Bà nói: “Cần cảnh báo về điều này và đó là một thách thức thật sự cho tất cả chúng ta”.

Bác sĩ P. viết: “Như vạn vật trong cuộc sống, mọi thứ đều có mặt tích cực và tiêu cực, thuốc cũng vậy, có tác dụng chính và tác dụng phụ, có lợi và có hại. Nhưng nếu tin rằng bệnh nhân sẽ được lợi nhiều hơn hại thì bác sĩ buộc phải dùng thuốc cho bệnh nhân...”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/cuc-doan-dung-thuoc-813186.html