Của hồi môn bằng… vườn quế

Không chỉ trước đây mà kể cả trong thời hiện đại, khi con cái lấy vợ gả chồng, thế nào cha mẹ cũng dành cho món quà đặc biệt, đó là của hồi môn. Nhà giàu thì khỏi phải nói, nhưng với những gia đình nghèo khi con cái lập gia đình cha mẹ cũng chắt chiu dành dụm một vài chỉ vàng tặng con. Không chỉ đơn thuần giá trị vật chất, đó còn là tấm lòng sâu nặng của cha, của mẹ dành cho con cái.

Cũng là chuyện tặng của hồi môn nhưng bà con dân tộc người Dao ở Yên Bái có cách làm rất đặc biệt: khi con thành lập gia đình, cha mẹ tặng cho con một khu vườn trồng cây quế. Mĩ tục ấy có từ trước đây, hiện thời vẫn được lưu giữ giúp vợ chồng trẻ có thêm điều kiện sinh cơ lập nghiệp.

Ở tỉnh miền núi Yên Bái, trồng quế trở thành phong trào tại nhiều huyện như Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn. Tại các địa phương này, quế là cây trồng truyền thống, góp phần đáng kể nâng cao đời sống cho người dân. Huyện Văn Yên được coi là " thủ phủ” cây quế của Yên Bái. Văn Yên luôn dẫn đầu toàn tỉnh cả về diện tích, sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế từ trồng quế. Rất nhiều xã thuộc 3 huyện nói trên đã và đang thực hiện phương châm: nhà nhà trồng quế, người người trồng quế. Số người trồng quế thuộc đồng bào dân tộc Dao chiếm tỉ lệ cao nhất, có nơi chiếm gần 80%. Bà con người Dao có kinh nghiệm trồng quế từ lâu đời, lúc đầu trồng trong vườn nhà, sau đó chuyển lên vườn đồi tạo nguồn hàng hóa với số lượng lớn. Mỗi gia đình có nhiều vườn quế, trở thành nguồn thu nhập chính, ngoài ra còn "để dành” làm của hồi môn khi con cái lập gia đình riêng. Con trai cũng như con gái, sau khi thành vợ thành chồng, đều được cha mẹ trao cho một vườn quế.

Giá trị của cây quế ở các địa phương này đang không ngừng tăng lên cả về số lượng cũng như chất lượng. Suốt thời gian dài trước đây, hiệu quả từ cây trồng này chỉ đơn thuần là vỏ quế, các phụ phẩm còn lại coi như bỏ không. Hiện thời giá trị cây quế tăng lên gấp bội, các phụ phẩm đều trở thành hàng hóa có giá trị không nhỏ. Ngoài vỏ quế (sản phẩm chính) các phụ phẩm từ cây quế được thị trường tiêu thụ số lượng lớn, giá cả khá hấp dẫn như lá quế,thân gỗ quế, than quế… Lá quế bán cho cơ sở sản xuất tinh dầu quế. Thân cây quế dùng làm gỗ sản xuất các vật dụng thiết yếu trong gia đình. Từ cây quế truyền thống của bà con người Dao, thông qua chế biến, tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường: quế thành phẩm, tinh dầu quế, bột quế, gỗ ép từ cây quế…

Quế trở thành cây trồng chủ lực, tạo nguồn thu nhập chính cho số đông bà con người Dao ở nhiều nơi thuộc tỉnh Yên Bái. Nhưng điều đáng nói là cùng với giá trị kinh tế, người dân ở các địa phương này còn tạo ra mĩ tục rất đáng trân trọng: cha mẹ dành vườn quế làm của hồi môn khi con cái thành vợ thành chồng. Điều đó đã góp phần phát triển cây trồng truyền thống có giá trị của địa phương.

Bá Tân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=88361&menu=1372&style=1