Cửa hàng tiện lợi chưa đáp ứng được kỳ vọng

Cạnh tranh trực tiếp với hơn 1,3 triệu cửa hàng tạp hóa, các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi lần lượt mọc lên với mong muốn tạo sự đột phá trên thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, các cửa hàng này vẫn chưa có nhiều khác biệt trong việc tác động đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Tăng trưởng nhanh về số lượng

Thống kê gần đây của Nielsen, thị trường bán lẻ tại Việt Nam có khoảng 800 siêu thị và đại siêu thị, 500 trung tâm thương mại cùng 2.000 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Trong đó, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini của các thương hiệu lớn như: Co.op Food, Vinmart+, Ministop,…lần lượt mọc lên và có chưa có dấu hiệu dừng lại.

Mặc dù mới tham gia thị trường, nhưng chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+ (Vingroup) có số lượng tăng lên chóng mặt. Tính đến tháng 6/2016, số cửa hàng của đơn vị này đã lên tới con số 825. Bên cạnh đó có khoảng 190 cửa hàng tiện lợi của Circle K (Circle K Việt Nam). Riêng trên địa bàn TP.HCM, có100 siêu thị mini Co.op Food (Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh), khoảng 80 cửa hàng Satrafoods (Satramart), Ministop (Aeon) với hơn 60 cửa hàng… Trong cuộc đua tranh giành thị trường bán lẻ con số trên còn có thể tăng lên trong thời gian sắp tới.

Đúng như tên gọi, các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi có mặt bằng kinh doanh khá nhỏ, gói gọn từ 50-200 m 2 , tọa lạc trên các trục đường nhiều người qua lại thuận tiện cho việc mua bán.

Hàng hóa tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini rất hạn chế, chủ yếu phục vụ giới trẻ. Ảnh: Đức Hùng

Anh Nguyễn Xuân Tân, nhân viên văn phòng (Q. Tân Phú, TP.HCM) cho biết: “Vì ngại trả giá mỗi khi mua đồ ăn tại các chợ truyền thống nên tôi ưu tiên chọn các cửa hàng thực phẩm nhanh. Mặc dù giá bán cao hơn bên ngoài, nhưng khi mua ở đây không sợ cân thiếu, tâm lý sử dụng cũng yên tâm hơn”.

Riêng các chỗi cửa hàng tiện lợi như MiniStop, Family Mart, Vinmart+ không kinh doanh rau củ, thực phẩm tươi sống mà chủ yếu cung cấp đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, nước giải khát, mỹ phẩm,…nên thu hút được nhiều bạn trẻ, sinh viên. Ngoài vị trí thuận tiện cho việc qua lại mua sắm, các cửa hàng tiện lợi còn tích hợp không gian ăn uống, giải trí mini làm nhiều người thích thú, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Bạn Lê Thị Bích Tuyền, sinh viên Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (Q. Bình Thạnh, TP.HCM), chia sẻ: “Hàng hóa tại đây không được đa dạng so với các cửa hàng tạp hóa hay các siêu thị. Tụi em đến đây chỉ để mua các loại mì ăn liền, đồ ăn vặt, nước ngọt… Một số nơi, còn có khu vực giải khát nhỏ, có thể ngồi “tán gẫu” cùng bạn bè. Trong khi đó, nếu vào các siêu thị lớn sẽ mất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm và di chuyển”.

Chưa đáp ứng được kỳ vọng

Thông thường, lượng khách hàng mua sắm tại các siêu thị mini đông nhất vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối. Những thời điểm này, nhu cầu mua sắm khá cao, trong khi diện tích các cửa hàng lại không đáp ứng.

“Không gian các siêu thị mini quá nhỏ, chưa đáp ứng được số lượng lớn người mua cùng một lúc. Trong khi đó, đội ngũ nhân viên quá ít, trung bình chỉ từ 2-4 người nên không thể phục vụ hết tất cả khách hàng. Một số khách vì ngại chen lấn, thay vì đứng chờ lại bỏ đi nơi khác”, một nhân viên Co.op Food chia sẻ.

Không gian nhỏ hẹp là một hạn chế. Ảnh: Đức Hùng

Với mong muốn mở rộng thị trường bán lẻ, nhà đầu tư của các tên tuổi lớn không ngần ngại đổ tiền vào các cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, với chiến lược kinh doanh hiện này, các cửa hàng tiện lợi vẫn chưa có nhiều điểm nổi bật. Nhiều khách hàng vẫn chưa có thói quen trong việc mua sắm tại các cửa hàng này. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng đã từng mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi vẫn chưa thật sự hài lòng về tiện ích mà mô hình này mang lại.

Chẳng hạn, tại những siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi, những loại thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt gà, cá, rau củ và hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm khô, bột giặt, nước rửa chén, dầu ăn vẫn khá hạn chế về số lượng và không đa dạng.

Ở phương diện khác, những người đã từng quan tâm hoặc đã mua sắm tại các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi lại cho rằng, ưu điểm của những cửa hàng này là sự thuận tiện, họ có thể nhanh chóng mua các loại đồ ăn nhanh, thực phẩm tươi sống ngay trên đường đi làm về mà không phải chen chúc, chờ đợi hoặc di chuyển nhiều trong các chợ truyền thống, siêu thị lớn…

“Nếu muốn phát triển loại hình này trong tương lai gần, các cửa hàng tiện ích và siêu thị mini cần cải thiện nhiều hơn về diện tích, hàng hóa, kèm theo các dịch vụ hậu mãi. Có như vậy mới mong cải thiện “ý thức” của người tiêu dùng”, chị Nguyễn Thị Bình ý kiến.

Đức Hùng

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/cua-hang-tien-loi-chua-dap-ung-duoc-ky-vong-d49000.html