'Của để dành'

Một ngày nọ, không biết từ đâu ba mạ tôi đem bốn cây sến cao chừng gần một mét về trồng hai bên cửa ngõ.

Hồi ấy, chị em tôi còn nhỏ lắm và dường như cũng chưa có chút ý thức nào về những cây hoa trong vườn, chứ nói chi đến những cây năm này qua tháng nọ chả bao giờ thèm ra cái hoa nào như những cây sến này. Chị em tôi hàng ngày vẫn chơi đùa chạy nhảy ngoài ngõ, rượt đuổi nhau quanh những cây sến, đôi lúc lại vô tình tiện tay bẻ vài nhánh cây khi chơi trò đánh trận giả, đuổi bắt giật cờ. Mỗi lúc thấy vậy, ba mạ vẫn hay la rầy rồi nhìn nhau nói: "Chừ thì rứa đó, chứ mai mốt bây lớn khi nớ mới thấy quý cây ni".

Thấm thoắt, chị em chúng tôi đã trưởng thành, rồi đi lấy chồng, lấy vợ. Lúc này cây đã cao gần 4 mét rồi, những cành lá đã vững chãi hiên ngang cao vút và nhìn xuống lũ trẻ qua bóng râm khiêm tốn, nhưng đầy bao dung. Lâu lâu những người buôn cây đi ngang lại nhòm ngó vào hỏi mua. Ba mạ chỉ lắc đầu không bán. Ba mạ vẫn cứ câu nói muôn thuở: "Ngó rứa chơ khi cần là không dễ có mô đó!".

Rồi sau những năm tháng dành dụm, chị em chúng tôi cũng tiết kiệm được một ít tiền để cất ngôi nhà cho riêng mình. Ngày nói ra ý định làm nhà với ba mạ, ba lặng lẽ nhấp một ngụm trà xong rồi thủng thẳng: "Đứa mô làm nhà đến lúc thượng lương tao cũng cho một cây sến mà làm đòn tay đó, tất cả là bốn cây chia đều cho bốn đứa!". Khỏi phải nói là tôi mừng như thế nào. Phải chi tiêu tiết kiệm lắm tôi mới có một số tiền để cất nhà nên lúc này ai cho gì để tiết kiệm chi phí thì còn chi bằng.

Gần đến ngày thượng lương, chồng tôi lên nhà xin phép ba mạ và thuê người đốn cây. Hôm đó dù đang bận ở xa, ba vẫn cố về kịp để cùng con rể cẩn thận khi đốn cây. Lúc này tôi mới để ý đến mái tóc của ba, ngày nào sến còn non mới đem về trồng tóc ba tôi còn xanh, cơ thể còn tráng kiện, nay mái tóc đã nhuốm màu thời gian sương trắng, chỉ tấm lòng bao dung với những đứa con là không bao giờ thay đổi trong ba. Lòng tôi nghe xao xác trong từng nhành lá sến lần lượt rời cành. Hôm đó là một ngày vui của ba, vì tôi là đứa con mà cả gia đình mong cất được nhà nhất. Nắng chiều nhuộm mái tóc ba khi nhìn theo xe chở vợ chồng tôi về cùng cây sến. Tôi thấy ba tôi nhìn theo, mãn nguyện mỉm cười.

Hôm thượng lương, anh em thợ xây dựng ai cũng tấm tắc khen cái đòn tay quá đẹp. Thân tròn, gỗ chắc lại thẳng băng, ai cũng nói cây xà này kiểu gì cũng sẽ rất vững chãi và tốt đẹp cho gia chủ cho mà xem. Vợ chồng tôi bất giác nhìn nhau, thầm mừng vui trong lòng không kể xiết. Hình ảnh ba mạ tôi ngày mới trồng cây lại ùa về, thổn thức trong tôi.

Vậy là từ nay hình ảnh của ba mạ tôi luôn hiện diện trong tổ ấm của gia đình tôi qua cây sến làm đòn tay, chứng kiến những niềm vui, nỗi buồn của gia đình. Chúng tôi ý thức nhiều hơn về tổ ấm mình đang tạo dựng, không chỉ có mồ hôi nước mắt của mình mà còn có tình thương của người thân, của ba mạ. Thứ tình thương được cất giữ, chắt lọc, lớn lao vô điều kiện. Giờ đây trong câu chuyện về những ngày xây dựng ngôi nhà có câu chuyện cây sến của ba mạ tôi. Tôi gọi đó là "của để dành", và đó là câu chuyện ý nghĩa nhất về ngôi nhà tôi muốn kể cho các con của mình nghe, đó là sự tiếp truyền của tình yêu thương trong ngôi nhà của mình.

Trang Thùy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/cua-de-danh-138969.html