Cử tri Hà Nội gửi 30 nhóm kiến nghị tới Quốc hội

Hôm nay (23/10), Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV chính thức khai mạc. Tổng hợp ý kiến của cử tri trước Kỳ họp của Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội cho thấy, có 30 nhóm vấn đề được cử tri Hà Nội gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư.

Đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Thủ đô
Về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ để Luật sau khi ban hành sớm đi vào thực tế cuộc sống. Cử tri cũng đưa ra những kiến nghị về một số Dự Luật cụ thể. Đề cập đến Dự án Luật Quy hoạch, cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ, rà soát từng điều, khoản để khi Luật được ban hành sẽ áp dụng được ngay và không chồng chéo với các Luật khác…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (ngày 12/10) trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV. Ảnh: Phạm Hùng

Cử tri cũng cho rằng, Luật Đầu tư công mới được ban hành năm 2014 nhưng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và đề nghị Quốc hội nghiên cứu sớm sửa đổi Luật để đảm bảo việc quản lý đầu tư công được công khai, minh bạch, góp phần vào việc chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác sử dụng vốn đầu tư công.
Nhiều ý kiến cử tri đề cập tới Luật Thủ đô và mong Chính phủ sớm tổng kết việc thực hiện Luật, nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính đặc thù, theo hướng tạo điều kiện để Thủ đô được chủ động trong một số vấn đề. Cụ thể như chủ động chọn nhà thầu ngay từ khâu lập quy hoạch chi tiết đô thị vệ tinh của Thủ đô; áp dụng cơ chế đặc thù trong việc xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có quy mô diện tích và tổng vốn đầu tư lớn...
Lo lắng trước các vấn đề dân sinh
Liên quan đến việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm, cử tri tiếp tục phản ánh về thực trạng UTGT, ô nhiễm môi trường... và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, các bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô trước năm 2020, bàn giao lại trụ sở cũ để TP xây dựng các công trình công cộng. Đồng thời, cử tri tiếp tục đề xuất đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc và triển khai thực hiện các dự án theo quy hoạch khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực phía Tây Thủ đô.
Hàng loạt vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh đang gây bức xúc trong dư luận được cử tri Hà Nội kiến nghị tới Quốc hội, như đề nghị kiểm soát chặt việc tăng giá điện, giá xăng, dầu, thuế, phí, tránh chồng chéo nhau và không phù hợp đối với tình hình. Cử tri cũng phản ánh tình trạng các cơ sở nấu rượu thủ công, dụng cụ thô sơ không bảo đảm ATVSTP, tình trạng bán rượu không đăng ký chất lượng, không nhãn mác, nguồn gốc vẫn tràn lan và đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết triệt để vấn đề này. Đồng thời, đề nghị có giải pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất dùng trong chăn nuôi và chế biến lương thực, thực phẩm bày bán công khai, không được kiểm soát và ngăn chặn.
Cử tri Hà Nội cũng phản ánh quy định pháp luật về cổ phần hóa DN Nhà nước hiện nay có nhiều vấn đề vướng mắc, sơ hở dẫn đến tiêu cực, tham nhũng và gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng đảm bảo cơ sở pháp lý chặt chẽ, góp phần ngăn ngừa thất thoát tài sản của Nhà nước.
Trong các kiến nghị gửi tới Kỳ họp Quốc hội lần này, cử tri Hà Nội cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể về chế độ chính sách với cán bộ cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát đưa thông tin lên mạng xã hội…

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV diễn ra từ 23/10 - 24/11. Ngoài những nội dung thường kỳ của kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ dành 11 ngày để thảo luận, cho ý kiến vào các dự án luật, trong đó có một số dự án luật quan trọng như Luật Quản lý nợ công, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt...
Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016… Đồng thời, Quốc hội cũng xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng như: Dự án thu hồi đất, đền bù, tái định cư để thực hiện dự án Sân bay Long Thành; dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông; thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội sẽ được dành thời lượng khoảng 3 ngày. Đây là kỳ họp cuối năm nên dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp tham gia trả lời chất vấn của các ĐB. Quốc hội cũng sẽ tiến hành miễn nhiệm, sau đó phê chuẩn nhân sự mới vào chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ.

Liên quan đến việc giám sát, cử tri đề nghị Chính phủ có cơ chế rõ ràng về thẩm định, giám sát chặt chẽ các dự án, tránh tình trạng thu hồi đất xong lại bỏ hoang. Đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án Sân bay quốc tế Long Thành, chỉ đạo cơ quan chức năng có giải pháp cụ thể đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ.

Hà Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hom-nay-khai-mac-ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xiv-cu-tri-ha-noi-gui-30-nhom-kien-nghi-toi-quoc-hoi-300995.html