Cụ thể hóa kiến nghị thành chính sách và thực thi hiệu quả

Thành công của Diễn đàn với thông điệp phát huy nội lực, năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng mới có ý nghĩa rất sâu sắc trong bối cảnh kinh tế nước ta đang gặp khó khăn. Các chuyên gia và doanh nghiệp mong muốn, những giải pháp, kiến nghị tại Diễn đàn sẽ được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu và cụ thể hóa thành các chính sách, thực thi nhanh chóng, hiệu quả để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Chuyên gia kinh tế PGS.TS. ĐINH TRỌNG THỊNH
Đã rõ điểm nghẽn và có nhiều giải pháp tốt

Điểm thành công nhất của Diễn đàn là đã có cái nhìn tổng thể về những vấn đề nền kinh tế gặp phải; trên cơ sở đó có tầm nhìn phù hợp cho từng giai đoạn và có giải pháp để tăng năng lực nội sinh của doanh nghiệp, đất nước.

Các gợi ý chính sách đưa ra tại Diễn đàn cơ bản đúng và trúng nội dung doanh nghiệp quan tâm, giải tỏa được các khúc mắc của doanh nghiệp. Chúng ta thấy có những giải pháp mang tính trước mắt để thúc đẩy tăng trưởng như: tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, kích cầu tiêu dùng và phát triển thị trường nội địa; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài… Về dài hạn, các đề xuất đã tập trung vào việc làm thế nào để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…

Có thể nói, Diễn đàn năm nay đã thể hiện rõ sự quyết tâm thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Quan trọng là việc gì có thể làm ngay thì phải làm quyết liệt, hiệu quả, ví dụ như đầu tư công. Trong Diễn đàn đã tính toán nếu giải ngân được 95% trong tổng vốn 713 nghìn tỷ đồng sẽ đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm nay. Với những đề xuất cần cụ thể hóa thành chính sách thì Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu và sớm ra quyết sách để đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam NGUYỄN VĂN ĐÍNH:
Cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho hoạch định chính sách

Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm nay thực sự là một trung tâm thông tin đa chiều và toàn diện.

Diễn đàn đã làm rõ những điểm sáng của nền kinh tế và cũng chỉ ra nguyên nhân của các nghịch lý như “có tiền mà không tiêu được”, hay “khát vốn nhưng không tiếp cận được vốn”. Các điểm yếu của những động lực tăng trưởng truyền thống và giải pháp củng cố; những động lực tăng trưởng mới cần khai thác hiệu quả đã được Diễn đàn phân tích kỹ lưỡng. Từ đó, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, sát với thực tiễn nền kinh tế, giúp Quốc hội, Chính phủ làm tốt hơn công tác hoạch định chính sách nhằm nâng cao năng lực nội sinh, cải cách thể chế, thu hút đầu tư…

Lĩnh vực bất động sản thời gian qua nhận được sự quan tâm lớn của Quốc hội và Chính phủ, song khó khăn, thách thức vẫn rất lớn. Ngân hàng Nhà nước nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất song vốn vẫn chưa ngấm được vào thị trường do còn những vướng mắc về thể chế, quy định pháp luật. Tại Diễn đàn, các chuyên gia đề xuất cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu… Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản rất tâm đắc với đề xuất này và mong muốn tiến trình sửa đổi các luật này vừa nhanh, vừa đồng bộ để bảo đảm tính khả thi cao nhất, qua đó, đưa lĩnh vực bất động sản vượt qua khó khăn hiện nay.

Chuyên gia kinh tế, TS. LÊ BÁ CHÍ NHÂN:
Nỗ lực huy động trí tuệ đã được "đền đáp"

Sau một ngày diễn ra sôi nổi, Diễn đàn đã đạt những kết quả hết sức tích cực; có những đánh giá quan trọng, tập trung vào những vấn đề nóng cần phải giải quyết của nền kinh tế. Diễn đàn cũng thể hiện nỗ lực của Quốc hội trong việc kết nối với các chuyên gia trong và ngoài nước, doanh nghiệp, chung tay giải quyết vấn đề vướng mắc trong năm 2023, từ đó đẩy nhanh quá trình hoàn thành nhiệm vụ của cả năm và tạo điều kiện tốt nhất cho tăng trưởng năm tới.

Có được thành công đó là bởi vai trò rất lớn từ sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ngay trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội đã nêu rõ 3 nhóm vấn đề rất sát với yêu cầu phát triển của đất nước cần tập trung thảo luận. Đó là dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo. Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động. Làm rõ năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 5 năm.

Tại các phiên thảo luận chuyên đề cũng như phiên tọa đàm cấp cao, các đại biểu đều đã làm rõ những nội dung mà Chủ tịch Quốc hội nêu ra. Đặc biệt, các đại biểu đã đưa ra được những giải pháp cụ thể để phát huy nội lực, vận dụng hiệu quả ngoại lực, trong đó có cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng lòng tin trong doanh nghiệp, ưu tiên kinh tế xanh, tập trung tăng năng suất lao động… Có thể nói, nỗ lực của Quốc hội trong việc huy động trí tuệ chuyên gia, người dân đã được "đền đáp".

Tuy nhiên, chúng ta không chỉ dừng lại ở mặt lý thuyết! Dù đã có những giải pháp trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn để phát triển kinh tế nhưng việc thực thi tới đây thế nào mới là vấn đề mấu chốt nhất. Khâu thực thi cần phải nhanh và dứt khoát hơn; cần có nhiều kịch bản để thích ứng với từng giai đoạn, để khi có những biến động của nền kinh tế trên thế giới hay dịch bệnh thì nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng chống chịu tốt.

Theo tôi, trong giai đoạn 2023 - 2024, Việt Nam phải tiếp tục ổn định lạm phát, giữ vững tiền tệ và tập trung vào đầu tư công, tăng cường năng lực nội sinh cũng như bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, tăng năng suất lao động... Nếu làm tốt, chắc chắn nền kinh tế sẽ tăng trưởng bền vững.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/cu-the-hoa-kien-nghi-thanh-chinh-sach-va-thuc-thi-hieu-qua-i343646/