Cử nhân công nghệ nuôi… gà đẻ

Học xong đại học, được một doanh nghiệp tốp đầu nhận vào làm với mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng, nhưng anh lại quyết định xin nghỉ việc trở về quê nhặt từng quả trứng gà, vịt đem bán. Nghe đến đây nhiều người thấy nuối tiếc, song lại là một quyết định đúng đắn đối với Bùi Văn Hoàng, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa (Sơn Dương). Anh đã từ bỏ nghề 'làm công ăn lương' để về quê phát triển mô hình trang trại tổng hợp, nuôi hoài bão làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

“Không có việc gì khó...”

Mặc dù đã vài lần đến xã Hợp Hòa, nhưng lần này để kiểm chứng lời giới thiệu của Đoàn xã về mô hình trang trại của một thanh niên từng học đại học công nghệ thông tin, chúng tôi vào Google map và gõ chữ trại gà Hoàng Bùi, lập tức địa chỉ được cập nhật nhanh chóng và chỉ rõ đường đến trang trại. Chỉ một chi tiết nhỏ như vậy đã thể hiện sự đổi mới của tuổi trẻ khi biết khai thác lợi thế của mạng internet trong kinh doanh, dịch vụ, cập nhật thông tin về mô hình.

Đón chúng tôi tại khu trang trại đang được quy hoạch quy củ là thanh niên có dáng thư sinh, đôi mắt sáng. Vừa dẫn khách tham quan, Bùi Văn Hoàng vừa kể, học xong Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Thái Nguyên, Hoàng xin vào làm việc tại Chi nhánh Viettel Thái Nguyên được hơn 5 năm với mức lương trung bình từ 14 - 15 triệu đồng/tháng. Bỗng một ngày, Hoàng quyết định viết đơn xin nghỉ việc để về quê chăn gà, thả vịt, nhiều người bảo em bị dở hơi, bởi công việc đang ổn định bao người mơ ước thế mà... Nhưng nhìn đồng đất quê mình rộng rãi mà chưa được khai thác hết nên Hoàng thấy tiếc. Anh tự hỏi, tại sao mình không chọn khởi nghiệp, làm giàu từ chính quê hương khi mình đã có sẵn “bảo bối” trong tay.

Mô hình trang trại tổng hợp của anh Bùi Văn Hoàng có thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng mỗi năm.

“Bảo bối” mà Hoàng nhắc đến chính là những vạt đồi cỏ dại mọc ùm tùm, đất đá trơ trọi, những ao tù nước đọng... Thực ra, trước đó gia đình anh cũng đã phát triển mô hình chăn nuôi nhưng chỉ nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả chưa cao. Hồi nuôi Hoàng đi học, bố mẹ anh còn phải cắt mất mấy trăm m2 đất để bán lấy tiền đưa cho con nộp học phí. Mô hình trang trại của gia đình anh chỉ thực sự khởi sắc khi năm 2018 anh quyết định nghỉ việc và bắt tay vào cải tạo trang trại theo hướng tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, chú ý đến khâu phòng, chống dịch bệnh, lo tìm đầu ra cho sản phẩm.

Để có kiến thức “vỡ lòng” đối với công việc mới, chẳng liên quan đến nghề đã học, anh đã “khăn gói quả mướp” tìm đến những trang trại chăn nuôi trong ngoài tỉnh để học hỏi, lên mạng internet để tra cứu thêm thông tin. Cuối cùng qua bao lần trăn trở, anh lựa chọn “khởi nghiệp” từ nuôi lợn. Ngay năm đó dịch tai xanh ập tới, gần trăm con lợn của gia đình anh phải đi tiêu hủy toàn bộ. Đúng lúc “chơi vơi giữa dòng nước xoáy”, anh nhớ lại những chuyến công tác dài ngày đi lắp đặt trạm phát sóng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nhiều lần vào nhà dân được “mục sở thị” những trại gà có doanh thu tiền tỷ... Tia sáng lóe lên trong đầu và anh suy nghĩ táo bạo, không có duyên với “lão trư” thì tại sao mình không thử sức với “thần kê”? Lần này, dẫu có những khó khăn trước mắt nhưng mô hình nuôi gà thịt, gà đẻ đã thực sự phù hợp làm thay đổi cuộc đời chàng thanh niên công nghệ thông tin.

Những “quả ngọt” ban đầu

Chuyển sang nuôi gà không phải đã thành công ngay mà Hoàng cũng vấp phải những “trái đắng” đầu tiên. Do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi nên lứa gà đầu tiên 1.000 con đã bị chết gần một nửa do mắc dịch bệnh, lỗ đến 40 - 50 triệu đồng. Bao đêm anh suy tính, mổ xẻ, như người “trèo cao ngã đau” Hoàng nhận ra, khi nuôi gà chỉ cần tiêm phòng thiếu một loại vắc xin là bao công sức bỏ xuống sông ngay. Chính vì thế, lứa gà sau em tiêm phòng đầy đủ, cùng với đó còn thường xuyên đăng ký tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi do xã, huyện tổ chức.

Qua tìm hiểu kiến thức trên mạng và thực tế tại các trang trại mẫu được tham quan, Hoàng vỡ lẽ dần, với sự ham học hỏi, thông minh anh nhanh chóng thành thạo mọi việc. Từ chỗ cầm kim tiêm ngượng ngùng, bắt gà con sợ đau, giờ đây Hoàng có thể thao tác nhoay nhoáy, đàn gà hàng nghìn con được anh tiêm vắc xin lần lượt chỉ trong 1 ngày. Trung bình mỗi lứa gà, gia đình Hoàng nuôi từ 1.500 đến 3.000 con, nuôi khoảng 3,5 đến 4 tháng thì xuất bán; đối với gà đẻ thì từ khi khai thác trứng đến gần 2 năm mới xuất bán.

Anh Bùi Văn Hoàng chăm sóc đàn gà.

Cùng với đó, tận dụng diện tích mặt nước Hoàng phát triển mô hình thả cá để tăng thu nhập cho gia đình... Đến nay, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh cho thu nhập trung bình (sau khi đã trừ chi phí) đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/năm. Hoàng cho biết, bí quyết để thành công chính là nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là khâu phòng bệnh, vệ sinh khu chuồng nuôi. Đối với anh, chuồng nuôi phải thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông, anh sử dụng tấm đệm sinh học để giảm thiểu mùi hôi và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đối với mỗi vùng quê, thu nhập từ nghề nông không lớn do vậy mô hình chăn nuôi của đoàn viên Bùi Văn Hoàng thực sự là một điều mới mẻ, thể hiện sự “dám nghĩ dám làm” của tuổi trẻ. Ông Triệu Vi Hải, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Phai cho biết, ở trong thôn Hoàng là một trong những thanh niên chịu khó và tu chí làm ăn. Mô hình trang trại của gia đình Hoàng chính là một điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, là địa chỉ đáng tin cậy để thanh niên trong xã đến học hỏi kinh nghiệm làm giàu cho quê hương.

Thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, đoàn viên Bùi Văn Hoàng còn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên và người dân trong xã cùng phát triển kinh tế, nhiều trường hợp được anh “bổ túc” kiến thức đã xây dựng thành công các mô hình chăn nuôi đem lại thu nhập khá. Đoàn viên Dương Đức Thế, người cùng thôn nói, khi đến thăm trang trại anh Hoàng rất niềm nở, anh chia sẻ hết những kinh nghiệm của mình mà không hề giấu giếm. Anh ấy bảo, mình đã từng thất bại lần đầu do thiếu kiến thức và kỹ thuật nên muốn truyền đạt, chia sẻ lại kinh nghiệm để mọi người khi áp dụng tại gia đình mình đạt hiệu quả cao nhất. Nhờ có anh Hoàng hỗ trợ, giúp đỡ, hiện mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình em cũng đang phát triển rất tốt.

Chưa dừng lại ở những thành công ban đầu, đoàn viên Bùi Văn Hoàng còn đang ấp ủ những dự định lớn hơn. Anh cho rằng, cuộc sống con người ngày càng phát triển, nhu cầu nguồn thực phẩm sạch chưa bao giờ nguội nên anh dự định trong tương lai sẽ xây dựng mô hình nuôi gà sinh học. Với mô hình này, gà sẽ được nuôi hoàn toàn từ thức ăn tự nhiên, không sử dụng thuốc kháng sinh… Khi ấy trứng sẽ cung cấp cho các siêu thị với giá cao hơn.

Đồng chí Trần Thị Hoàn, Bí thư Huyện đoàn Sơn Dương đánh giá, không chỉ tích cực, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương, đoàn viên Bùi Văn Hoàng còn sẵn sàng tham gia các phong trào do cấp trên phát động. Trong đợt huy động toàn dân tham gia phòng chống dịch Covid-19, Hoàng là đoàn viên ủng hộ nhiều nhất huyện với 1 tạ gà thịt mang đến ủng hộ khu cách ly tập trung của huyện. Việc làm ý nghĩa của Hoàng đã góp phần cổ vũ, tuyên truyền đến thế hệ trẻ về trách nhiệm khi Tổ quốc, quê hương cần sẵn sàng tham gia hết sức mình. Hoàng vinh dự là một trong những điển hình được Huyện đoàn lựa chọn là gương thanh niên tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Đây không chỉ là niềm vui, còn là động lực mạnh mẽ để anh tiếp tục nỗ lực hơn nữa trên con đường mình đã chọn.

Phóng sự: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/cu-nhan-cong-nghe-nuoi%E2%80%A6-ga-de-132143.html