Cư dân trăn trở về chất lượng ban quản trị chung cư

Những năm gần đây, nhiều cư dân sống tại các chung cư lớn bày tỏ nỗi lo ngại về cách làm việc của ban quản trị (do cư dân bầu ra).

Phần lớn nguyên nhân đến từ việc ban quản trị không minh bạch tài chính, thiếu chuyên nghiệp.

Vì đâu nên nỗi?

Chưa kịp tận hưởng niềm vui khi sống ở khu đô thị cao cấp, gia đình chị Hương Ly (Tây Mỗ, Hà Nội) phải đau đầu trước cách làm việc của ban quản trị do cư dân bầu ra. Thay vì đại diện bảo vệ quyền lợi cư dân, ban quản trị không minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu bảo dưỡng thang máy.

Cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của ban quản trị chung cư có thể gây thiệt hại cho cư dân.

Những người được bầu vào ban quản trị thường là cư dân hiểu biết về quản lý, vận hành các hạng mục kỹ thuật trong khu chung cư. Sau khi được cư dân bỏ phiếu bầu, ban quản trị sẽ đại diện, quản lý quỹ kinh phí bảo trì (2% giá trị căn hộ) do chủ đầu tư bàn giao. Theo đó, họ chịu trách nhiệm giám sát việc vận hành, sửa chữa thiết bị, hạng mục kỹ thuật trong tòa nhà nếu xảy ra hỏng hóc. Nhiều ban quản trị được trả lương và hưởng lợi ích từ việc quản lý, vận hành chung cư.

Chị Trần Oanh - cư dân khu đô thị trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội - nhớ lại cách đây 4 năm, cộng đồng cư dân nơi chị sinh sống từng trao đổi với chủ đầu tư khi một số hạng mục tiện ích không đúng cam kết. Một nhóm người nhiệt tình đứng ra đại diện bảo vệ quyền lợi của cư dân. Tuy nhiên, sau khi họ bán nhà và đi hết, cư dân mới biết nhóm này từng làm ban quản trị ở hai khu chung cư khác.

“Cũng như khu chúng tôi, sau khi thỏa thuận với chủ đầu tư đòi quyền lợi riêng, họ lặng lẽ bán nhà và rời đi chứ không đấu tranh cho lợi ích chung”, chị kể.

Qua tìm hiểu, chị Oanh biết không chỉ nhận lương trích từ quỹ kinh phí bảo trì do cư dân đóng góp, nhiều ban quản trị được gợi ý gửi tiết kiệm khoản kinh phí bảo trì. Ngoài ra, họ có thể “thỏa thuận riêng” với một số bên cung cấp thiết bị kỹ thuật, bảo dưỡng.

Bên cạnh đó, nhiều cư dân sinh sống tại các khu chung cư ít quan tâm đến quyền lợi cá nhân, trao quyền hoàn toàn cho đơn vị quản trị. Đây là một trong những nguyên nhân khiến ban quản trị làm việc thiếu tâm huyết.

Cần cân bằng quyền và lợi ích giữa các bên

Từng rơi vào tình huống tranh cãi với ban quản trị về quy trình làm việc thiếu trách nhiệm, chị Hoàng Thái Quỳnh (cư dân đô thị tại khu vực Mỹ Đình, Hà Nội) thừa nhận người chịu thiệt lớn nhất là cư dân. Với cách vận hành thiếu trách nhiệm của ban quản trị, dự án dần xuống cấp, giá trị ngôi nhà theo đó giảm.

“Điều này từng xảy ra ở các chung cư cao cấp tại Hà Nội. Quan trọng hơn, cuộc sống, sự an toàn của hàng nghìn cư dân có thể bị ảnh hưởng”, chị chia sẻ.

Theo luật sư Vũ Hùng - Công ty luật An Bình - khi người dân ở chung cư ý thức quyền lợi và trách nhiệm, mâu thuẫn giữa các bên sẽ được hạn chế.

Theo ông, trước tiên, cư dân cần có trách nhiệm khi bỏ phiếu bầu ban quản trị, đồng thời tăng cường giám sát quá trình thực thi. Với khoản kinh phí bảo trì, cư dân nên yêu cầu ban quản trị công khai mời thầu tối thiểu ba đơn vị ngân hàng để chọn bên uy tín và có lãi suất tốt nhất. Quyết định cuối cùng cần nhận được sự đồng thuận của cư dân.

Tương tự, việc lựa chọn đơn vị quản lý - vận hành hay các hạng mục thiết bị quan trọng như thang máy, hệ thống kỹ thuật tòa nhà… cần được đấu thầu công khai và nhận được sự đồng thuận của đa số cư dân.

“Tinh thần thượng tôn pháp luật nên được đề cao. Khi nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cư dân có thể nhờ cơ quan Nhà nước vào cuộc để đảm bảo quyền lợi chính đáng”, luật sư Vũ Hùng nhấn mạnh.

Cuối cùng, mối quan hệ giữa ba bên gồm cư dân với đại diện là ban quản trị - ban quản lý - chính quyền chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin là yếu tố quan trọng để hạn chế mâu thuẫn không đáng có. Cũng theo luật sư, tại nhiều dự án lớn của các chủ đầu tư uy tín, mô hình ba bên này phát huy hiệu quả tốt, tạo ra những khu đô thị văn minh, đoàn kết, gắn bó và đáng sống.

Lam Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cu-dan-tran-tro-ve-chat-luong-ban-quan-tri-chung-cu-post1406083.html