Cư dân đô thị với xu hướng tiêu dùng xanh

Như đã thành thói quen, mỗi lần đi chợ là chị Nguyễn Thị Kim (P. Thủy Xuân, TP. Huế) lại đem theo chiếc giỏ mây để đựng thực phẩm như rau, củ, quả, gia vị. Theo chị Kim, túi ni-lông tiện dụng và rẻ nhưng vô cùng gây hại cho môi trường và sức khỏe. Nhẩm tính mỗi sạp hàng, mỗi lần mua bất cứ thứ gì từ mớ rau, con cá đến trái chanh, trái ớt đều sử dụng bao ni-lông thì mỗi ngày lượng rác thải nhựa sẽ quá tải như thế nào…

Sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường ngày càng xuất hiện nhiều ở thị trường Huế

Tương tự, chị Hoàng Kim Hoàng, bạn thời đại học của tôi hiện công tác tại KCN Phong Điền cho hay, những ngày bận rộn chị thường đặt đồ ăn online. Chị thường tham khảo lựa chọn cửa hàng nào sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng, như: ly, hộp, ống hút bằng giấy hoặc tre, bã mía...

“Việc xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững chính là kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh, hiện đại để tạo nên đời sống tốt đẹp” - chị Kim Hoàng nói.

Tại hội thảo kết nối doanh nghiệp tỉnh với hoạt động chuyển giao đổi mới công nghệ do Sở KH&CN tổ chức vào dịp giữa tháng 12/2023, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh - ông Dương Tuấn Anh chia sẻ, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển thực sự về chiều sâu. Người tiêu dùng không chỉ xem trọng các yếu tố rất cơ bản như chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà còn quan tâm nhiều đến các yếu tố an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc - xuất xứ, hay công dụng, tính năng sản phẩm, hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng… Do đó các DN cần thích ứng, chuyển giao đổi mới công nghệ đảm bảo chữ tín trong sản xuất, kinh doanh, từ đó giữ vững thương hiệu của DN, xây dựng môi trường kinh doanh - tiêu dùng lành mạnh, văn minh.

Hiện nay, các hệ thống siêu thị, bán lẻ hiện đại góp phần không nhỏ trong việc đưa các sản phẩm xanh, sạch đến gần hơn với người tiêu dùng vì đa số đều được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả với hệ thống phân phối, logistics chuyên nghiệp. Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã áp dụng nhiều chương trình thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh, khuyến khích người dân sử dụng các bao bì thân thiện với môi trường. Tuy nhiên việc phổ biến rộng các mô hình này hiện nay là chưa dễ dàng. Chính việc làm này cần có lộ trình dài hơi với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với khu vực dân cư, bởi giá thành để sản xuất các mặt hàng, sản phẩm xanh còn cao.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều trào lưu về sử dụng các loại ni-lông dễ phân hủy, lá chuối, bã mía… để làm bao bì cũng nhanh chóng “hụt hơi” vì thiếu tính tiện lợi, bền, rẻ so với các loại bao bì ni-lông thông dụng. Cùng với đó, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, thói quen mua hàng qua mạng cũng kéo theo sự tăng trưởng nhanh và nhiều túi ni-lông, hộp nhựa… bởi khi vận chuyển thức ăn, hàng tiêu dùng, các loại bao bì thân thiện với môi trường đều khó đáp ứng các tiêu chí “bền, rẻ, tiện lợi”.

Để các loại sản phẩm xanh trở nên phổ biến rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững, các DN sản xuất, cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để người tiêu dùng ngày càng quan tâm, tìm hiểu và dần thay đổi thị hiếu, thói quen tiêu dùng bền vững, thân thiện với môi trường.

Bài, ảnh: MINH HOÀI

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/cu-dan-do-thi-voi-xu-huong-tieu-dung-xanh-136257.html