Cứ 4 người Việt trưởng thành thì một bị tăng huyết áp

12 triệu người Việt Nam đang bị bệnh tăng huyết áp, tức cứ 4 người trưởng thành thì có một mắc bệnh gây tai biến mạch máu não, suy tim, mù lòa...

Hàng trăm người TP HCM tham gia đồng diễn tại ngày hội "Hành động sớm vì trái tim khỏe" 17/5.

Phát biểu tại sự kiện hưởng ứng ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp 17/5, ông Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp. Đây là nguyên nhân của gần 91.000 ca tử vong hàng năm tại Việt Nam, chiếm khoảng 21% số người chết cả nước. Cứ 10 người mắc tăng huyết áp, có 5 người không biết tình trạng của mình. Khoảng 2/3 người tăng huyết áp được điều trị nhưng không đạt được huyết áp mục tiêu.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa... Điều này khiến hàng trăm nghìn người bị tử vong, liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm.

Tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ ràng, ngay cả trong trường hợp nặng. Cách nhận biết là đo huyết áp thường xuyên để biết chỉ số huyết áp hiện tại. Tăng huyết áp là khi số trên (gọi là huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tối đa) >= 140 mmHg. Và/hoặc số dưới (gọi là huyết áp tâm trương hoặc huyết áp tối thiểu) >= 90 mmHg. Nếu chỉ số huyết áp cao hơn bình thường, cần đến cơ sở y tế để xác định chắc chắn có tăng huyết áp hay không.

Những người có nguy cơ mắc tăng huyết áp là từ 40 tuổi trở lên, người thường xuyên căng thẳng, lo âu quá mức. Có thói quen ăn mặn, uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà, ít vận động hoặc ít tập thể dục. Gia đình có người mắc tăng huyết áp, có yếu tố về rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân, béo phì.

Với người chưa phát hiện tăng huyết áp, cần chủ động:

- Ăn nhạt, giảm lượng muối ăn 5 g một ngày.

- Hạn chế uống rượu, bia.

- Không hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà.

- Tập thể dục hàng ngày 30-45 phút.

- Tránh lo âu, căng thẳng quá mức.

- Kiểm soát cân nặng, giảm vòng eo (dưới 80 cm đối với nữ, dưới 90 cm đối với nam).

Người đang điều trị tăng huyết áp nên sống lành mạnh và có biện pháp dự phòng, khám bệnh theo đúng hẹn của bác sĩ, uống thuốc đúng liều lượng và thời gian. Người bệnh cần báo với bác sĩ những bất thường sức khỏe để kịp thời điều chỉnh chế độ điều trị, tuân thủ tư vấn về chế độ ăn, tập luyện và thay đổi lối sống.

Việt Nam đang tăng cường triển khai các dịch vụ dự phòng, quản lý bệnh không lây nhiễm và tăng huyết áp. Tại TP HCM, từ năm 2016 Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng đã triển khai dự án mục tiêu kiểm soát huyết áp cho 2 triệu dân, thực hiện ở quận 8, 12, Thủ Đức, Gò Vấp. Chủ đề ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp năm 2017 là "Biết số đo huyết áp của bạn", nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đo huyết áp thường xuyên.

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/suc-khoe/cu-4-nguoi-viet-truong-thanh-thi-mot-bi-tang-huyet-ap-47005.html