CPI tháng 9 tăng tới 2,2%

(NDHMoney) Đúng như dự báo của NDHMoney, cả 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu đều tăng chỉ số giá trong tháng 9/2012.

Theo dữ liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 đã tăng 2,2%, đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2011.

Đặt trong bối cảnh chỉ vài tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng còn duy trì mức giảm liên tiếp, diễn biến CPI một lần nữa khẳng định vấn đề luôn phải đối đầu của nền kinh tế Việt Nam vẫn là lạm phát.

Tình hình tương tự cũng nhìn thấy ở các mức so sánh khác. CPI tháng 9/2012 so với cùng kỳ đã tăng lên mức 6,48%, đẩy mức 5,04% vào tháng trước trở thành đáy lạm phát theo năm, sớm hơn 1 tháng so với dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế.

Đáng chú ý nhất là mức so sánh với cuối năm ngoái đã tăng mạnh từ 2,86% của tháng trước lên 5,13% tại tháng này, cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Con số này đang “đe dọa” mức lạm phát cả năm 8%. Bởi lẽ, diễn biến CPI luôn có quán tính.

Tác động đến diễn biến lạm phát “giật cục” ở tháng này, đáng chú ý là nguyên nhân tiền tệ không có nhiều biến động. Theo các công bố mới nhất, tăng trưởng tín dụng cho tới cuối tháng 8/2012 mới tăng 1,4%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đặt ra và so với diễn biến thực tế của giai đoạn trước.

Cho nên, biểu hiện dễ thấy là nếu loại trừ các nhóm có điều chỉnh giá đột biến thì CPI của “phần còn lại” như đồ uống, thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị và đồng dùng gia đình… đều có xu hướng giảm tốc.

Tuy nhiên, việc cho phép tăng giá quá lớn, tập trung của một số nhân tố đã ảnh hưởng rất lớn đến CPI tháng này, như NDHMoney từng lưu ý, đó là các dịch vụ y tế, giáo dục, giá xăng dầu…

Tác động từ việc tăng giá dịch vụ y tế của một số địa phương là rất lớn đối với CPI tháng 9. Dù là quyền số chỉ ở mức rất thấp, nhưng mức tăng tới 17,02% của CPI nhóm thuốc và dịch vụ y tế đã tác động lên CPI tháng này khoảng 0,95 điểm phần trăm.

Tình hình tương tự cũng diễn ra đối với nhóm giáo dục. Học phí đã được cho phép tăng trong mấy năm gần đây và đến năm nay, sức ảnh hưởng không còn nhiều như trước nhưng vẫn còn “đáng ngại”.

CPI nhóm giáo dục trong tháng 9/2012 tăng tới 10,54% đã làm CPI tháng này tăng thêm khoảng 0,6 điểm phần trăm.

Chưa hết, tác động từ việc tăng giá xăng dầu nhiều lần trong kỳ tính giá tháng này cũng đã mạnh hơn. Tính chung cả nhóm giao thông và nhà ở, vật liệu xây dựng thì mức tác động lên CPI tháng này vào khoảng 5,5 điểm phần trăm.

Theo góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục sẽ chỉ tác động một lần lên CPI, khi các tỉnh, thành phố đã điều chỉnh trong tháng này sẽ không thay đổi mức phí dịch vụ ở tháng tới.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là sẽ còn khả năng điều chỉnh ở các tỉnh khác mà ở lần này chưa điều chỉnh. Mức cho phép thay đổi giá dịch vụ y tế, giáo dục quá lớn thường tạo được khác thay đổi khác biệt lên CPI mà quá khứ đã từng chứng kiến ở giai đoạn cuối năm 2010.

Trong khi đó, tăng giá xăng dầu vẫn còn chưa vào hết CPI, dự kiến sẽ còn tác động trong khoảng 1-2 tháng nữa, nếu không có các diễn biến trái chiều làm nhẹ bớt sức ảnh hưởng.

Xét cả ở quán tính lạm phát, những nhân tố tác động lớn và vẫn còn nguy cơ ở các tháng tới, khả năng lạm phát “bùng” trở lại vẫn còn mà mức tăng CPI tới 2,2% ở tháng này là một cảnh báo thực sự.

Chỉ số giá vàng tháng này cũng tăng tới 5,25% so với tháng trước, mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây; chỉ số giá USD tăng nhẹ 0,06% sau hai tháng trước đó giảm.

Tâm lý thị trường vẫn thường bị ảnh hưởng mỗi khi vàng và USD tăng giá, cũng là điểm đáng quan tâm ở tháng này.

Nguồn NDH: http://ndhmoney.vn/web/guest/s02/-/journal_content/thang-9-tang-toi