CPI tháng 9 tăng, chứng khoán có bị ảnh hưởng?

Lo ngại lạm phát quay trở lại sau khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 của Hà Nội và TP.HCM tăng tương ứng 0,96 và 0,97% so với tháng 8, các nhà đầu tư cũng đang không khỏi nghĩ đến một tương lai không mấy tốt đẹp cho chứng khoán.

Lạm phát không đáng lo ngại Trên thực tế, việc chỉ số CPI của hai thành phố lớn nhất nước tăng mạnh đã kéo chỉ số CPI của cả nước tăng lên mức 1,31%. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, sự gia tăng đột biến này chỉ là kết quả của hiện tượng điều chỉnh giá “dồn cục” trong tháng 9. Nguyên nhân đầu tiên là do tính thời vụ của thị trường, nhiều loại nguyên vật liệu thiết yếu trên thế giới như gạo, đường, phân bón, thức ăn chăn nuôi, phôi thép, bột giấy... có xu hướng tăng cao. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND liên ngân hàng gần 2,1% cũng góp phần làm giá nhập khẩu các mặt hàng đắt lên. Vấn đề đặt ra là liệu việc chỉ số CPI 9 tháng cao có báo hiệu một sự hình thành xu thế tăng cho các tháng tiếp theo hay không? Câu trả lời là rất khó xảy ra. Thứ nhất, với mức lãi suất hiện nay, lạm phát do yếu tố tiền tệ - đối tượng nguy hiểm nhất – được loại trừ. Mặt bằng lãi suất đã không hề giảm trong suốt 3 tháng gần đây và hiện ở mức rất cao so với mặt bằng trung bình của Việt Nam. Lãi suất cao có thể được coi là cỗ máy hút tiền khổng lồ của nền kinh tế và là liều thuốc chống lạm phát tốt nhất về mặt tiền tệ. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế đến từ Công ty chứng khoán BSC, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 sẽ lại giảm xuống khi những ảnh hưởng của chi phí đẩy nêu trên mất đi hoặc yếu dần. Nếu trung bình 3 tháng còn lại của năm mỗi tháng CPI tăng 0,5% thì lạm phát cả năm 2010 sẽ ở mức xung quanh 8%. Có thể khẳng định, lạm phát tháng 9 cao dù ít hay nhiều cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Mặc dù vậy, bản chất của sự gia tăng này nên được hiểu theo hướng tích cực hơn khi nguyên nhân chủ yếu là sự tăng giá cục bộ trong một tháng do chi phí đẩy mà không hình thành nên xu thế tăng giá do yếu tố tiền tệ. Nhiều chuyên gia dự báo, lạm phát tháng 10 sẽ thấp trở lại ở mức trung bình 0,5%. Các chuyên gia cũng khẳng định rằng, thị trường chứng khoán chỉ thực sự bị đe dọa khi lạm phát tháng 10 tiếp tục cao và nguyên nhân của lạm phát là do tiền tệ và sự đình trệ của nên kinh tế. Chứng khoán le lói hy vọng? Ngoài ra, thông thường, một đợt hồi phục của một chu kỳ kinh tế sẽ bắt đầu bằng sự đi lên của giá hàng hóa vì nó cho thấy nhu cầu sản xuất và tiêu thụ tăng. Trong giai đoạn này, mối tương quan giữa chỉ số giá hàng hóa và chỉ số chứng khoán là tương đối cao sau giai đoạn giảm giá mạnh. Nền kinh tế Việt Nam chỉ mới ở bước đầu của sự phục hồi. Vì thế, từ nay đến cuối năm là cơ hội tốt để đầu tư dài hạn khi nền kinh tế bắt đầu bước vào giai đoạn ổn định và sau đó là tăng trưởng, mặc dù trong ngắn hạn chỉ số VN-Index vẫn còn có khả năng điều chỉnh ít nhiều. Cuối cùng thời gian qua đã có quá nhiều tin xấu được đưa ra kéo thị trường chứng khoán đi xuống như: tình hình nợ công của Việt Nam đang ở mức cao; giá vàng tăng lên cao nhất trong vòng một năm, USD đang ở ngưỡng cao nhất; khả năng tiếp tục phá giá của đồng nội tệ; tình hình lạm phát tháng 9 đang quay trở lại... Điều này cũng có nghĩa là tới thời điểm hiện tại, hầu hết các tin xấu đã được phản ánh vào giá. Với đợt điều chỉnh vừa qua, đồ thị kỹ thuật đã tạo ra mô hình đẹp: đáy sau cao hơn đáy trước, càng khẳng định xu hướng tăng điểm của VN-Index trong thời gian tới.

Nguồn Vinacorp: http://vinacorp.vn/news/cpi-thang-9-tang-chung-khoan-co-bi-anh-huong/ct-414161