"CPI tháng 10 ước tăng khoảng 0,5%"

(NDHMoney) Đó là nhận định của Tổ điều hành Thị trường trong nước trong một báo cáo được công bố mới đây.

Tổ điều hành thị trường dự báo CPI cả năm nay ước tăng khoảng 8%. Cụ thể, Tổ điều hành Thị trường trong nước dự báo: “Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng cuối năm 2010 sẽ chỉ tăng ở mức khoảng 1,3-1,5% và ước cả năm khoảng 8%”. Cơ sở cho các con số được công bố đến từ phân tích diễn biến thị trường trong nước và quốc tế thời gian qua và dự báo biến động giá cả trong thời gian từ nay tới cuối năm của Tổ điều hành, theo đó, yếu tố ổn định và biến động nhẹ vẫn sẽ tiếp tục được nhìn nhận là xu thế của thị trường hàng hóa trong năm 2010. Diễn biến thị trường thế giới Với tình hình thế giới, báo cáo cho biết trong tháng 9, bên cạnh thông tin khả quan từ khu vực sản xuất, xuất khẩu của một số nền kinh tế lớn mà đặc biệt là Trung Quốc, những lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu, thâm hụt ngân sách và những bất ổn trên thị trường tài chính đã khiến giá nhiều loại hàng hóa nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu trong xu thế ổn định và giảm nhẹ. Tuy nhiên, việc tiếp tục và tăng cường các chính sách kích thích kinh tế cùng với biến động giá USD đã góp phần nâng đỡ giá một số loại hàng hóa. Ngoài ra, việc giá gạo, đường, cà phê, lúa mỳ và phân bón tăng giá cao hơn trong thời gian qua, theo Tổ điều hành, một phần do dự báo sản lượng thấp, một phần bị ảnh hưởng bởi chính sách hạn chế xuất khẩu và hoạt động đầu cơ. Theo Tổ điều hành, thị trường hàng hóa thế giới trong 3 tháng cuối năm sẽ tiếp tục chịu tác động từ chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là việc duy trì và mở rộng các biện pháp kích thích kinh tế. Các nền kinh tế lớn tuy vẫn đang phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại, nhu cầu đối với các hàng hóa thiết yếu còn thiếu tính ổn định… Trong khi đó, những lo ngại về thâm hụt ngân sách, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao và đặc biệt là niềm tin của người tiêu dùng xuống thấp và sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới chưa thuận lợi sẽ tiếp tục tác động tới thị trường hàng hóa. Tổ điều hành dự báo, thị trường còn nhiều diễn biến khó lường, giá nhiều loại mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu sẽ biến động nhẹ. CPI ước cả năm 2010 tăng khoảng 8% Ở trong nước, thị trường hàng hóa tháng 9 sôi động với các dịp nghỉ lễ 2/9, khai giảng năm học mới, Tết Trung thu, đan xen là các chương trình khuyến mại tại các thành phố lớn. Nguồn cung hàng hóa đa dạng, tuy nhiên giá nhiều loại bắt đầu có xu hướng tăng, kể cả hàng tiêu dùng nói chung và các mặt hàng thiết yếu như thép, phân bón, thực phẩm, gas… nói riêng. Trên thị trường tài chính, để thu hút tiền gửi, lãi suất huy động tại một số ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ. Lãi suất cho vay VND hiện phổ biến ở mức 13-15%/năm; lãi suất huy động ở mức 10-11,3%/năm. Tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại thường xuyên ở mức trần 19.500 VND/USD, thị trường tự do cao hơn mức trần này khoảng 50-100 VND/USD. Do nhu cầu thanh toán USD vào cuối năm tăng đối với các khoản nợ đến hạn và hoạt động nhập khẩu, nên các ngân hàng cũng có xu hướng tăng lãi suất huy động USD, hiện ở mức 4-5%/năm. Đáng chú ý, giá vàng thế giới trong tháng 9 được đẩy lên mức kỳ lục khoảng 1.300 USD/oz do nhu cầu đối với vàng vật chất tăng theo mùa vụ và các nhà đầu tư liên tục mua vào trước lo ngại về rủi ro đối với kinh tế toàn cầu và USD giảm giá. Phản ánh vào thị trường trong nước, giá vàng đã vượt ngưỡng 31 triệu đồng/lượng trong tháng qua. Thể hiện vào chỉ số chung, CPI tháng 9 tăng 1,31%, cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Mức tăng này chủ yếu do một số nhóm hàng như lương thực tăng 2,32% do giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long và Nam bộ tăng cao; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,08% do tăng giá gas, thep xây dựng…; nhóm giáo dục tăng 12,02% do nhiều địa phương điều chỉnh học phí và tăng giá thiết bị giáo dục. Đối với các tháng còn lại trong năm 2010, Tổ điều hành cũng đánh giá một số nhân tố chính tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Cụ thể, theo chu kỳ hàng năm thì chỉ số giá tiêu dùng các tháng cuối năm thường tăng cao hơn do nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong các dịp lễ, tết, nhu cầu thu mua hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu trong những tháng cuối năm khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng, lượng tiền cung ứng ra lưu thông nhiều hơn… Trong khi đó, giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng giá như phân bón, gas, thức ăn chăn nuôi…; tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc diễn biến phức tạp và đang có nguy cơ lan rộng gây khó khăn cho việc khôi phục chăn nuôi và chuẩn bị nguồn hàng cho các dịp tiêu thụ cao điểm cuối năm... tiếp tục tác động bất lợi cho việc kiềm chế lạm phát trong các tháng cuối năm, báo cáo nhìn nhận. Tuy nhiên, theo Tổ điều hành, với các giải pháp đồng bộ và việc triển khai thực hiện quyết liệt ở các bộ, ngành và địa phương, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng các tháng cuối năm 2010 sẽ chỉ tăng ở mức khoảng 1,3-1,5% và ước cả năm khoảng 8%, trước hết là chỉ số giá tháng 10/2010 sẽ tăng khoảng 0,5%.

Nguồn NDH: http://ndhmoney.vn/web/guest/dau-tu/tong-quan-kinh-te/kinh-te-vi-mo/_/-/journal_content/journal_content_INSTANCE_6Fvc/10136/319633