CPI tháng 10 được dự báo tăng khoảng 0,5%

Tổ điều hành thị trường trong nước mới đây đã đưa ra nhận định, nhiều khả năng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng, riêng tháng 10 sẽ tăng khoảng 0,5% so với tháng 9.

Báo cáo của cơ quan này phân tích, những động thái chính sách của một số nền kinh tế lớn, tình hình thị trường hàng hóa thế giới và trong nước, cũng như khả năng cung cầu hàng hóa trong các tháng cuối năm là các nhân tố chính ảnh hưởng đến giá cả thị trường trong quý 4 năm nay. Cụ thể, thị trường hàng hóa thế giới sẽ tiếp tục chịu tác động từ chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là việc duy trì và mở rộng các biện pháp kích thích kinh tế; các nền kinh tế lớn tuy vẫn đang phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại; nhu cầu đối với các hàng hóa thiết yếu trên thế giới còn thiếu tính ổn định… Nhìn nhận về xu hướng giá trên thế giới các tháng cuối năm, Tổ điều hành dự báo, thị trường còn diễn biến khó lường và giá nhiều loại mặt hàng nguyên nhiên vật liệu sẽ biến động nhẹ. Trong tháng 9, thị trường thế giới đón những làn sóng tăng xen lẫn giảm giá của khá nhiều loại hàng hóa quan trọng. Sự ổn định của giá dầu thô ở quanh mức 75 USD/thùng và phôi thép giảm khoảng 10-20 USD/tấn so với tháng trước là thông tin tích cực. Tuy nhiên, giá đường đã đạt đỉnh kể từ đầu năm đến nay, ở mức trên 640 USD/tấn; phân bón urê tăng khoảng 50 USD/tấn so với tháng 8; giá chào bán gạo 5% tấn của Việt Nam tiếp tục tăng nhẹ lên mức 460-475 USD/tấn… Tác động đến thị trường trong nước, mặc dù nguồn cung hàng hóa đa dạng, phong phú, nhưng giá nhiều mặt hàng trên thị trường đã bắt đầu có xu hướng tăng, kể cả hàng tiêu dùng nói chung và các mặt hàng thiết yếu như thép, phân bón, thực phẩm, gas nói riêng. Thị trường hàng hóa tháng 9 sôi động với các dịp nghỉ lễ lớn như 2/9, Tết Trung thu, khai giảng năm học mới, bên cạnh đó là nhiều chương trình khuyến mại của các siêu thị, doanh nghiệp… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 9 ước tính tăng 1,35% so với tháng 8 và tăng 25,4% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá còn tăng trên 15%), trong đó, nhóm dịch vụ du lịch và hoạt động thương nghiệp có tốc độ tăng cao hơn mức binh quân 25,4%. Trong khi đó, tình hình thời tiết đang thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng ở thời gian chuyển mùa này, một số loại dịch bệnh trên vật nuôi có xu hướng lan mạnh, ảnh hưởng lớn đến hoạt động chăn nuôi, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Thị trường tài chính không có biến động mạnh, lãi suất huy động tại một số ngân hàng vẫn tiếp tục tăng nhẹ; lãi suất cho vay phổ biến ở mức 13-15%/năm; huy động ở mức 10-11,3%/năm; tỷ giá USD/VND niêm yếu tại các ngân hàng thương mại thường xuyên kịch trần 19.500 VND/USD, thị trường tự do cao hơn khoảng 50-100 VND/USD… Theo Tổ điều hành, theo quy luật thông thường các năm, chỉ số giá tiêu dùng các tháng cuối năm thường tăng cao hơn do nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong các dịp lễ, tết. Ngoài ra, nhu cầu thu mua hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu trong những tháng cuối năm cũng sẽ tăng và lượng tiền cung ứng ra lưu thông nhiều hơn… “Tuy nhiên, với các giải pháp đồng bộ và việc triển khai thực hiện quyết liệt ở các bộ, ngành và địa phương, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng các tháng cuối năm 2010 sẽ chỉ tăng ở mức khoảng 1,3-1,5% và ước cả năm khoảng 8%, trước hết là chỉ số giá tháng 10/2010 sẽ tăng khoảng 0,5%”, Tổ điều hành nhận định.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/2010100302408318p0c19/cpi-thang-10-duoc-du-bao-tang-khoang-05.htm