Covid-19 ở Đông Nam Á: Campuchia giảm giá thuốc Molnupiravir, Indonesia chuẩn bị lộ trình chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu

Bộ Y tế Campuchia vừa thông báo thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir sẽ được bán cho người dân với giá thấp hơn trước. Trong khi đó, chính phủ Indonesia đã chuẩn bị lộ trình từng bước, chuyển đổi từ giai đoạn đại dịch Covid-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu.

Bộ Y tế Campuchia sẽ phân phối thuốc Molnatris chứa hoạt chất Molnupiravir với giá mới là 50 USD/hộp kể từ ngày 14/3 tới.

Bộ Y tế Campuchia sẽ phân phối thuốc Molnatris chứa hoạt chất Molnupiravir với giá mới là 50 USD/hộp kể từ ngày 14/3 tới.

Theo đó, nhóm quản lý, phân phối và cung ứng biệt dược điều trị Covid-19 của Bộ Y tế Campuchia sẽ phân phối thuốc Molnatris chứa hoạt chất Molnupiravir với giá mới là 50 USD/hộp kể từ ngày 14/3 tới.

Nhằm tiếp tục phòng ngừa dịch Covid-19 lây lan và đáp ứng nhu cầu sử dụng của người bệnh điều trị Covid-19, nhóm quản lý, phân phối và cung ứng biệt dược điều trị Covid-19 của Bộ Y tế Campuchia đã nhập khẩu thuốc Molnatris (dạng viên chứa Molnupiravir 200 mg) đề điều trị cho người trưởng thành mắc Covid-19 thể nhẹ và trung bình.

Từ ngày 14/3 tới, thuốc Molnatris sẽ được phân phối với mức giá mới tới các bệnh viện, phòng khám chữa bệnh, nhà thuốc. Một người dân có thể mua trực tiếp từ 1-10 hộp cùng lúc. Trong khi các bệnh viện, phòng khám chữa bệnh, nhà thuốc có thể đặt mua từ 10-100 liều và bán lại cho người bệnh với giá 60 USD/hộp (nếu bán đắt hơn sẽ bị xử phạt).

Quyết định điều chỉnh hạ giá thuốc Molnatris được đưa ra trong bối cảnh ngày 12/3 là ngày thứ 36 liên tiếp số ca mắc Covid-19 (tất cả là biến thể Omicron) ở Campuchia lên mức ba chữ số, tính theo kết quả xét nghiệm PCR.

Ngày 12/3, Campuchia đã ghi nhận thêm 205 ca mắc mới Covid-19 và một ca tử vong. Tính đến nay, dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng trên 3.000 người tại nước này.

Trước đó, tại Indonesia, người phát ngôn của chính phủ về xử lý Covid-19 Reisa Broto Asmoro cho hay, nước này đã chuẩn bị lộ trình từng bước chuyển đổi từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu.

Bà Reisa cho hay, trong bối cảnh một số quốc gia trên thế giới đã dỡ bỏ các hạn chế bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, quá trình chuyển đổi từ đại dịch sang bệnh đặc hữu cũng cần được thực hiện dần dần. Lộ trình này sẽ được áp dụng để bình thường hóa các hoạt động cộng đồng thông qua các chính sách kiểm soát virus, quy định tỷ lệ sử dụng giường bệnh và ngăn chặn các ca tử vong để đảm bảo tỷ lệ này được duy trì ở mức thấp.

Theo bà Reisa, lộ trình này đã được thiết lập trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng một số yếu tố không chỉ liên quan đến y tế và khoa học, mà còn cả một số khía cạnh cuộc sống của người dân trên các mặt xã hội, văn hóa và kinh tế. Bà Reisa cho biết, lộ trình này đã được chứng minh là có hiệu quả, giúp kiểm soát làn sóng lây lan dịch Covid-19 mới đây.

Ngày 6/3, công suất sử dụng giường bệnh tại Indonesia đã giảm xuống còn 29% trên cả nước. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 mũi thứ nhất đã đạt 92,2% tính đến ngày 6/3, mặc dù tỷ lệ bao phủ hai mũi vaccine mới chỉ đạt 71,03% và tỷ lệ tiêm nhắc lại vẫn dưới 10%.

Bà Reisa bày tỏ hy vọng, số ca mắc mới sẽ tiếp tục giảm, đồng thời khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục cố gắng giữ dịch bệnh trong tầm kiểm soát với một trong những chỉ số là tỷ lệ xét nghiệm dương tính dưới 5%.

Bà Reisa Broto Asmoro nhấn mạnh, để sẵn sàng cho giai đoạn bệnh đặc hữu, Indonesia cũng cần cải thiện khả năng truy vết vốn đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên trong việc thực hiện các quy trình y tế như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và duy trì khoảng cách nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.

(theo TTXVN)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-o-dong-nam-a-campuchia-giam-gia-thuoc-molnupiravir-indonesia-chuan-bi-lo-trinh-chuyen-sang-giai-doan-benh-dac-huu-176724.html