Covid-19 nâng giá trị của boongke ngày tận thế

Trên khắp thế giới, boongke ngày tận thế từ lâu đã được giới siêu giàu đầu tư để đề phòng thảm họa. Đại dịch Covid-19 đang khiến chúng được săn tìm nhiều hơn.

Nép mình giữa cánh đồng ngô ở bang Kansas, Mỹ trong một cảnh quan không có địa hình tự nhiên đáng chú ý, một gò đất xanh tươi có thể được nhìn thấy từ những con đường đất. Được bao quanh bởi hàng rào thép gai và trong bóng mát của một tuabin gió lớn, một nhân viên bảo vệ bước qua hàng rào với khẩu súng trường trên tay.

Nếu nhìn kỹ, bạn có thể nhìn thấy thứ trông giống như hộp thuốc bằng bê tông nằm trên ngọn đồi nhỏ, bên cạnh các camera quan sát. Những gì nằm bên trong là các boongke và đối với nhiều người, những gì bên trong thật khó ngờ, BBC Future cho biết.

Từng là nơi bất khả xâm phạm

Đối với phần lớn cư dân, nó trông giống như một cơ sở bí mật của chính phủ và thực tế nó đã từng như vậy. Nhưng đây không phải là boongke được xây dựng để che giấu công dân hay bảo vệ các chính trị gia đã ra lệnh xây dựng nó.

Đây là silo chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa SM-65F Atlas được Mỹ chế tạo vào đầu những năm 1960 với chi phí khoảng 15 triệu USD/silo. Đó là một trong 72 silo được xây dựng để bảo vệ tên lửa đạn đạo liên lục địa với đầu đạn hạt nhân mạnh gấp 100 lần quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki năm 1945.

Dù nó nằm ngoài tầm hiểu biết đối với công dân Mỹ bình thường, nhưng nó đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình địa chính trị cấp độ tuyệt đối trong những năm Chiến tranh Lạnh.

 Một kho chứa vũ khí trong Thế chiến II đang được chuyển đổi thành nơi trú ẩn ngày tận thế. Ảnh: BBC.

Một kho chứa vũ khí trong Thế chiến II đang được chuyển đổi thành nơi trú ẩn ngày tận thế. Ảnh: BBC.

Nhưng từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những boongke này không còn thuộc sở hữu của chính phủ. Năm 2008, Larry Hall, từng là một nhà thầu cho chính phủ, nhà phát triển bất động sản, còn được gọi là “prepper” (người theo chủ nghĩa sinh tồn) đã mua lại quyền sở hữu các silo.

Ông Hall cùng với một số người khác đã dự đoán về viễn cảnh của những sự kiện có thể xảy ra hoặc thảm họa không thể tránh khỏi của thiên nhiên có thể đạt đến cấp độ “sự kiện tuyệt chủng” và chuyển đổi những silo thành nơi trú ẩn cho con người, mà không cần đến sự trợ giúp của chính phủ.

Chủ nghĩa sinh tồn lên ngôi

Kể từ khi mua lại các silo hơn một thập kỷ trước, ông Hall đã biến cơ sở chứa tên lửa trong lòng đất thành một tòa tháp đảo ngược với 15 tầng, một khu chung cư khép kín có thể chịu được từ cuộc tấn công hạt nhân cho đến thảm họa thiên nhiên.

Được gọi là “Survival Condo”, nó được thiết kế cho một cộng đồng gồm 75 cư dân có thể sống trong môi trường sang trọng khép kín trong 5 năm. Nó giúp các cư dân bên trong có thể sống sót qua ngày tận thế và sau đó trở lại mặt đất để xây dựng lại xã hội từ đầu.

“Tôi đã dành 3 năm để nghiên cứu từ 100 prepper từ 6 quốc gia, bao gồm Australia, Anh, Đức, Thái Lan, Hàn Quốc và Mỹ. Tôi đã lang thang trên các khu trú ẩn ở Đại Bình Nguyên (khu vực thảo nguyên rộng lớn nằm ở miền trung nước Mỹ và một phần Canada), những người trồng lương thực trong các khu rừng bí ẩn, những người chế tạo xe bọc thép nặng nề, cho đến những cộng đồng tôn giáo thu thập nhu yếu phẩm mà họ sẵn sàng giao cho người lạ cần nó.

 Lối vào một boongke ngày tận thế. Ảnh: BBC.

Lối vào một boongke ngày tận thế. Ảnh: BBC.

Theo những người này, đại dịch Covid-19 chỉ là một sự kiện “trung cấp” để khởi động cho những gì đang xảy ra. Họ đã lường trước và chuẩn bị cho một thảm họa giống thế này, không giống hầu hết chúng ta, họ không bất ngờ với nó”, Michael Mills, một nhà tâm lý học tại Đại học Kent nói.

Đối với các prepper, họ không thực sự chuẩn bị cho ngày tận thế, họ là những người hàng ngày dự đoán và cố gắng thích nghi với nhiều điều kiện thiên nhiên, điều mà họ tin là không thể tránh khỏi và đang leo thang theo cấp số nhân, thông qua sự kiêu ngạo của con người và sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ, mạng lưới thương mại toàn cầu.

Sơ lược về chủ nghĩa sinh tồn

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô những năm Chiến tranh Lạnh đã thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa sinh tồn. Một số người cảm thấy rằng các nhà khoa học, giới thượng lưu và các chính trị gia sẵn sàng hy sinh nhiều thứ để đạt được mục đích chính trị.

Nhiều người ở Mỹ dần mất lòng tin, họ thường né tránh việc đóng thuế, sự trợ giúp của pháp luật trong khi phụ thuộc nhiều vào quyền tự do được nhận thức theo Hiến pháp Mỹ.

 Hồ bơi bên trong Survival Condo. Ảnh: Survivalcondo.

Hồ bơi bên trong Survival Condo. Ảnh: Survivalcondo.

Kurt Saxon, người được mệnh danh là “cha đẻ” của chủ nghĩa sinh tồn ủng hộ cách mạng vũ trang và viết các bài về cách tự chế tạo vũ khí và đạn dược. Một số prepper theo sự dẫn dắt của ông Saxon đã trở nên cực đoan hơn, khi họ làm việc cùng nhau để trau dồi khả năng tự túc, bằng cách thoát khỏi sự giám sát của chính phủ.

Trong những năm 1980 và 1990, chính phủ Mỹ đã đàn áp và truy tố nhiều prepper trong nỗ lực dập tắt phong trào. Vào thời điểm đó, có tới 3 triệu người Mỹ theo chủ nghĩa sinh tồn. Sự đàn áp đó đã dẫn đến sự thất vọng gia tăng, kéo theo nhiều prepper hơn.

Ngược lại, hầu hết prepper ngày nay có lập trường rõ ràng trong nỗ lực tránh xa chính trị, tập trung nhiều vào thực tiễn hơn là các cuộc tranh luận về ý thức hệ. Tuy vậy, chủ nghĩa sinh tồn ngày nay thường tập trung vào giới siêu giàu, kéo theo sự không thiện cảm đối với những người đã bỏ tiền để sở hữu các boongke ngày tận thế.

Họ bị cho là ích kỷ chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân, trong khi đó, bản thân những người muốn sở hữu các boongke tận thế lại giải thích rằng họ muốn giảm gánh nặng cho hệ thống y tế công cộng bằng cách tự đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

Liệu con người có thể sống lâu trong lòng đất

Khi ông Hall đưa phóng viên BBC tham quan khu căn hộ trong lòng đất vào năm 2018, ông giải thích rằng “Ý tưởng của chúng tôi là có thể xây dựng một cấu trúc ngày tận thế xanh, mà ai đó có thể sử dụng như ngôi nhà thứ 2”. Ông Hall gọi đó là “thí nghiệm về kiến trúc an toàn”, khép kín và bền vững, tương tự dự án Biosphere 2 của Đại học bang Arizona.

Biosphere 2, còn gọi là “Sinh quyển thứ 2”, một trong những dự án tham vọng nhất về cô lập cộng đồng từng được thử nghiệm. Biosphere 2 gồm 7 quần xã với tổng diện tích 1,2 hécta. Năm 1991, 8 tình nguyện viên gồm 4 nam và 4 nữ vào sinh sống bên trong để xem liệu họ có thể sống sót trong một hệ thống kép kín trong 2 năm.

Thử nghiệm đầu tiên kết thúc trong sự tranh cãi giữa các nhà khoa học về tình trạng suy dinh dưỡng của các tình nguyện viên, các cạm bẫy xã hội và môi trường khác. Tuy vậy, Hall tin rằng ông có thể cải thiện mô hình.

Hall và nhóm tư vấn đã cố gắng thiết kế Survival Condo theo cách tạo sự tiện nghi và thoải mái cho cư dân ở bên trong. Nó có hồ bơi, phòng tập gym, các cửa sổ có thể thay đổi hình ảnh như môi trường bên ngoài.

Trong những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh, chính phủ, quân đội và các trường đại học đã tiến hành thí nghiệm để xem con người có thể chịu đựng được việc bị mắc kẹt dưới lòng đất trong bao lâu.

Năm 1959, tại Pleasant Hill, California, 99 tù nhân đã bị giam trong lòng đất trong 2 tuần (một thí nghiệm sẽ không bao giờ được chấp nhận về mặt đạo đức). Khi họ được đưa lên mặt đất “mọi người đều có sức khỏe và tinh thần tốt”, theo phát ngôn viên của nhóm.

Mọi người dường như có thể thích nghi, chừng nào họ biết tình hình chỉ là tạm thời. Nó giống như việc một tàu ngầm bị chìm dưới đáy biển, chật chội và không thoải mái, nhưng thủy thủ đoàn có thể chịu đựng được, miễn là họ có kế hoạch để nổi lên, một đích đến trong thời gian được vạch ra. Đây chính xác là mô hình mà ông Hall đang theo đuổi.

Đại dịch Covid-19 đã góp phần làm tăng sự sợ hãi của mọi người, do đó những không gian sống biệt lập như các boongke trở thành một nơi lý tưởng để tránh thảm họa. Điều đó có thể thúc đẩy sự tăng tốc chuyển đổi các boongke thành nơi trú ẩn, hoạt động mà trước đây thường bị chỉ trích.

Vì vậy, tương lai của loài người có thể không phải là những ngôi sao, mà là những thứ nằm sâu trong lòng đất.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/covid-19-nang-gia-tri-cua-boongke-ngay-tan-the-post1085921.html