COVAX khó đạt mục tiêu phân bổ vaccine

Việc chậm trễ trong thích ứng và thay đổi phù hợp với tình hình thực tế là nguyên nhân khiến COVAX - sáng kiến đảm bảo công bằng vaccine Covid-19 - không đạt được mục tiêu đề ra.

Khi Covid-19 lây lan khắp thế giới, nhiều chuyên gia đã nghĩ ra ý tưởng để chống lại loại virus này. Họ kêu gọi các nước ủng hộ tiền đặt hàng vaccine. Sau đó, các nước tham gia sẽ chia sẻ liều lượng một cách công bằng để bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương trước tiên.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng nỗ lực, kế hoạch này đã thất bại, theo Washington Post.

Những người ủng hộ sáng kiến COVAX đã đánh giá sai về cách tiếp cận của các quốc gia phát triển khi họ đua nhau mua trực tiếp từ nhà sản xuất và sử dụng cho người dân nước mình trước. COVAX cũng quá chậm trễ trong việc thích ứng và thay đổi, ngay cả khi các quốc gia từ chối tham gia, ca nhiễm và tử vong tăng vọt.

Sáng kiến này không đạt được mục tiêu đề ra. Hơn 1/3 dân số thế giới vẫn chưa nhận được dù chỉ một liều vaccine. Khoảng cách giữa nước giàu và nghèo ngày càng lớn.

Từ bài học của COVAX, có thể thấy thế giới không thể chỉ dựa vào thiện chí và sự hợp tác để thúc đẩy các biện pháp sức khỏe cộng đồng có trách nhiệm trong tương lai.

Sớm nhận ra sự nguy hiểm của Covid-19

Ý tưởng về COVAX nảy ra trong cuộc trò chuyện giữa Seth Berkley - người đứng đầu Liên minh Vaccine (GAVI) và Richard Hatchett - người điều hành Liên minh Sáng tạo Chuẩn bị Đối phó Đại dịch (CEPI) tại quán bar Hard Rock Hotel ở Davos vào tháng 1/2020.

Thời điểm này nhiều người vẫn đang hạ thấp mối nguy từ Covid-19. Họ đồng ý công cụ mạnh nhất để chống lại Covid-19 là tiêm chủng. Giải pháp họ đưa ra vào tháng 3 năm đó là cùng nhau mua vaccine. Bằng cách này, cả nước giàu và nước nghèo đều có thể hưởng lợi.

COVAX không chỉ đảm bảo số liều được phân bổ công bằng mà còn giúp các quốc gia có cơ hội “mặc cả giá” với nhà sản xuất, phá vỡ hệ thống phức tạp khi công ty dược phẩm phải đàm phán nhiều vòng với các chính phủ.

Họ cũng nhấn mạnh các quốc gia nên góp tiền để mua chứ không nên chờ đợi được tặng bởi họ không muốn biến COVAX thành tổ chức từ thiện - một mô hình không bền vững. Họ cũng tạo ra quy định khác, đó là số lượng sẽ được phân chia đồng đều, để các nước tham gia có thể đạt khoảng 20% dân số tiêm chủng trong cùng một thời điểm và tiêm trước cho người dễ bị tổn thương nhất.

 COVAX lập ra với hy vọng thế giới sẽ được tiếp cận vaccine một cách công bằng. Ảnh: AFP.

COVAX lập ra với hy vọng thế giới sẽ được tiếp cận vaccine một cách công bằng. Ảnh: AFP.

Nếu không có mô hình hợp tác, ông Hatchett nhớ lại, “các nước giàu sẽ mua hết vaccine” như họ đã làm trong đợt bùng phát dịch cúm năm 2010.

Gavi đã giúp các nước nghèo hơn đàm phán thành công nhiều loại vaccine khác. Tuy nhiên, Covid-19 không chỉ xảy ra ở vùng kém phát triển, mà nó ảnh hưởng nặng nề ở cả những nước giàu có nhất. Điều đó đã thay đổi mọi thứ.

Không có nước nào chịu lãnh đạo

Trong những tháng đầu, GAVI và CEPI đã nhanh chóng kết hợp với nhau với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, họ vẫn thiếu công cụ quan trọng khác: Sự lãnh đạo từ một nước lớn.

Mỹ đã đóng vai trò đó trong nỗ lực kiểm soát HIV/AIDS ở châu Phi. Tuy nhiên, ông Hatchett cho biết “chính quyền ông Trump không tiếp thu ý tưởng này”, thậm chí sau này ông còn rút tiền tài trợ WHO và phản đối COVAX. Không có quốc gia lớn nào bước vào để lấp đầy khoảng trống đó.

Những bước đi “sai lầm” tiếp theo của COVAX khiến nỗ lực khó khăn hơn. Báo cáo của Bác sĩ không biên giới cho thấy ban đầu liên minh đã tổ chức các cuộc họp nhằm loại quan chức từ nước đang phát triển, bên cạnh cả công ty tư vấn của Mỹ có quan hệ chặt chẽ với công ty dược phẩm McKinsey & Co.

“Các cuộc thảo luận chủ yếu về những nhóm tài trợ”, một người giấu tên nói, đề cập đến các quốc gia giàu có và tổ chức phi lợi nhuận. Việc các nước nghèo hơn không tham gia thảo luận sâu đã trở thành một vấn đề sau này khi họ phải vật lộn với việc giao hàng và thiếu liên kết với COVAX.

Ngay cả các chính phủ ủng hộ COVAX cũng lập hợp đồng với nhà sản xuất để tích vào trong kho dự trữ vaccine khổng lồ của chính họ, làm cạn kiệt số liều sẵn có trên toàn cầu. Canada, một nước lớn tiếng ủng hộ COVAX, đã mua đủ số liều bao phủ 300% dân số từ tháng 10/2020.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu quyết định cung cấp tiền cho COVAX nhưng không mua vaccine thông qua cơ chế này. Một nhà đàm phán EU cho biết đề xuất tiêm vaccine cho 20% dân số của mỗi quốc gia trước tiên và không được chọn loại vaccine là ý tưởng “không hiệu quả”.

Sau cùng là vấn đề tài chính. GAVI - tổ chức đàm phán với các nhà sản xuất vaccine để có giá tốt nhất - không thể mua mà chưa đảm bảo nguồn vốn. Điều đó khiến COVAX xếp sau nhiều quốc gia.

Không chỉ vậy, những nước đang phát triển muốn tự mua vaccine thì lại bị chính COVAX cản đường. “Tôi đã cố gắng gọi cho AstraZeneca. Tôi đã gọi điện cho (chính phủ) Anh”, Phó Tổng thống Ghana Mahamudu Bawumia cho biết. “Và họ nói không, các nước đang phát triển phải qua COVAX”.

Không đa dạng nguồn vaccine

Trong tài liệu nội bộ được phân phối cho các quốc gia thành viên vào tháng 11/2020, có thông tin nói rằng vaccine mRNA đắt gấp 10 lần so với vaccine truyền thống và cảnh báo họ sẽ phải đối mặt với rào cản cấp phép.

“Về cơ bản, họ nói xấu về mRNA và cho rằng không nên quan tâm tới”, một quan chức giấu tên nói. “Điều đó hóa ra là sai lầm lớn”.

Thay vào đó, COVAX tập trung vào loại vaccine có giá thành rẻ. Đầu năm 2021, liên minh này ký hợp đầu lớn với AstraZeneca và Novavax. Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) được kỳ vọng sẽ sản xuất ra 1,1 tỷ liều.

 Ban đầu, COVAX bỏ qua tiềm năng của vaccine mRNA. Ảnh: Reuters.

Ban đầu, COVAX bỏ qua tiềm năng của vaccine mRNA. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, Novavax không được WHO phê duyệt khẩn cấp cho đến cuối năm, trong khi Astrazeneca gặp vấn đề về sản xuất. Khi Ấn Độ đối mặt với làn sóng dịch hồi tháng 5/2021, nước này đã ngừng sản xuất vaccine. Từ tháng 6-10/2021, COVAX không nhận liều vaccine nào từ SII.

Không chỉ vậy, COVAX đã ký thỏa thuận 200 triệu liều vaccine với Johnson & Johnson vào tháng 5/2021. Đến tận gần 6 tháng sau đó COVAX mới lấy được hàng. Sau đó, công ty này tạm dừng sản xuất vaccine Covid-19 mà không thông báo với COVAX.

Các nhà sản xuất vắc xin có thể đã vi phạm “nghĩa vụ hợp đồng” với COVAX. “Các nhà sản xuất đã chậm trễ giao hàng cho chúng tôi”, ông Berkley nói, ám chỉ các công ty đặt những nước trả nhiều tiền hơn lên trước COVAX.

Tuy nhiên, nhiều chính phủ đã đổ lỗi cho COVAX. Các nước châu Phi đã chuyển sang kế hoạch mới do Liên minh châu Phi thành lập, các nước ở Mỹ Latinh thuộc Tổ chức Y tế Liên Mỹ cũng vậy.

Trong những tháng gần đây, các vấn đề về nguồn cung của COVAX đã bắt đầu được cải thiện. Tuy nhiên, khi các quốc gia bắt đầu tính đến liều thứ 4, trong khi Pfizer và Moderna hứa hẹn loại vaccine cho biến chủng mới, thì vấn đề đau đầu mới về nguồn cung lại xuất hiện.

Không chỉ vậy, khi COVAX bắt đầu chấp nhận các liều vaccine viện trợ từ các quốc gia khác, thì lại nảy sinh vấn đề khác.

Nhiều quốc gia từ chối nhận vaccine viện trợ từ COVAX vì chúng sắp hết hạn. Tài liệu nội bộ cho thấy vào tháng 10-11/2021, các nước không chấp nhận khoảng 1/5 liều AstraZeneca hỗ trợ, một nửa trong số đó gần hết hạn. Do không tiêm kịp, nhiều nơi buộc phải hủy vaccine vì hết hạn.

Một quan chức UNICEF cho biết một số nước cũng trở nên kén chọn vaccine.

Thiếu kinh phí

Nhiều quốc gia đang dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch, phần lớn là nhờ vaccine có thể ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, ở các quốc gia thu nhập thấp cần COVAX nhất, một bức tranh hoàn toàn khác đang hiện rõ.

Vào tháng 3, Oxfam ước tính số người tử vong tại các quốc gia có thu nhập thấp cao hơn bốn lần so với những quốc gia giàu có.

Và COVAX vẫn đang kiếm nguồn tiền để đáp ứng những lời hứa. Theo tài liệu của Gavi, tính đến đầu tháng 3, sáng kiến này chỉ huy động được 195 triệu USD trong số 5,2 tỷ USD cần thiết trong một vòng gọi vốn vào tháng một.

 Nigeria đã phải hủy bỏ nhiều lọ vaccine Covid-19 do không tiêm kịp. Ảnh: Reuters.

Nigeria đã phải hủy bỏ nhiều lọ vaccine Covid-19 do không tiêm kịp. Ảnh: Reuters.

Các quốc gia có tiền, nhưng họ cũng có những ưu tiên khác. Chính quyền Tổng thống Joe Biden vào tháng 3 đã yêu cầu Quốc hội Mỹ ủy quyền 5 tỷ USD để hỗ trợ nỗ lực tiêm chủng toàn cầu, bằng một nửa số tiền chi cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ngay cả khi COVAX đã nhận được tiền tài trợ, các chuyên gia và quan chức nói rằng cách tiếp cận tổng thể hiện tại của liên minh là không đủ trong kế hoạch dài hạn.

"Những khoản quyên góp nhỏ giọt thông qua COVAX sẽ không bao giờ giải quyết được đại dịch", Winnie Byanyima, giám đốc điều hành của UNAIDS, nói. "Đại dịch đang chiến thắng".

Một số người lập luận rằng việc COVAX chú trọng vào mua chung đã làm phân tán nỗ lực tăng nguồn cung. Mua vaccine hoặc phân phối vaccine được tặng, thay vì tăng cường sản xuất giống như "gửi hàng (thức ăn) để giải quyết nạn đói vậy", James Krellenstein - người đồng sáng lập PrEP4All, tổ chức phi lợi nhuận chăm sóc bệnh nhân HIV - nhận định.

Thách thức cho COVAX vẫn còn đó. COVAX huy động được tổng cộng 11 tỷ USD, thay vì 18 tỷ USD theo kế hoạch ban đầu. Việc giảm mục tiêu tài trợ cho chương trình mùa xuân có thể khiến 1,25 người thiệt mạng.

“Hiện tại, về cơ bản là chúng tôi đã hết tiền”, ông Berkley cho biết.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/covax-kho-dat-muc-tieu-post1304474.html