'Cột mốc sống' trên đầu nguồn suối Tút

Ngay sát biên giới Việt - Lào, bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát nép mình bên dòng suối, là nơi định cư của đồng bào Dao gần một thế kỷ. Người dân ở đây thể hiện tình yêu quê hương, bản làng bằng những việc làm thiết thực nhằm bảo vệ đường biên cột mốc thiêng liêng...

Chị Phan Thị Náy vợ anh Cấu chuẩn bị cơm nắm, nước uống cho chồng và con trai đi kiểm tra đường biên cột mốc.

Trong ngôi nhà sàn giản đơn, cái vị thơm dẻo của nếp nương quyện cùng hơi men rượu cần khiến câu chuyện giữa chúng tôi và Bí thư chi bộ bản Suối Tút Phan Văn Cấu càng thêm thân tình, ấm áp. Anh Phan Văn San, con trai đầu Bí thư Cấu nhắc đến người ông với niềm tự hào: “Ông nội tôi - già làng Phan Văn Xiết là người đi đầu trong phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc. Khi tôi còn là một cậu bé 6 tuổi đã quen thuộc với hình ảnh người ông cần mẫn đến hẹn lại khăn gói ngược dòng suối Tút lên thăm cột mốc. Trước mỗi chuyến băng rừng, ông vẫn thường dặn tôi: “Cháu ngoan ở nhà để ông với cha đi rừng làm rẫy và bảo vệ biên giới để giữ cho nơi mình sinh sống luôn đẹp đẽ và bình yên nhé!”. Lúc ấy tôi chưa hiểu hết những ý nghĩa lời ông dặn, nhưng sau gần 20 năm, tất cả những lời nói sâu sắc ấy dần sáng tỏ trong tôi”.

Anh Phan Văn Cấu và con trai quét dọn, phát quang, kiểm tra cột mốc.

Trung tá Nguyễn Văn Lương, Đội Vận động quần chúng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu tiếp lời: “Già làng Phan Văn Xiết mất năm 2016. Trước khi mất, ông vẫn nắm chặt tay cán bộ biên phòng dặn dò: "Tôi không ở lâu được nữa, việc trông coi cột mốc tôi đã nhắn gửi cho con, cháu tiếp tục thay tôi đảm nhận việc này. Cháu yên tâm về báo cáo cho chỉ huy đơn vị được biết". Và giờ đây, ông Phan Văn Cấu thay cha gìn giữ, bảo vệ cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc”.

Đứng chân trên địa bàn xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, Đồn Biên phòng Quang Chiểu có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 46,7km đường biên giới, 22 mốc quốc giới. Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đạt được những kết quả trên, có một phần đóng góp không nhỏ của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong địa bàn đơn vị quản lý.

Việc kiểm tra đường biên cột mốc phải trải qua nhiều dốc cao, suối sâu, thời tiết khắc nghiệt.

Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, bản Suối Tút tự hào có gia đình già làng Phan Văn Xiết 3 đời tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc bằng tinh thần tự nguyện.

Còn ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu có gia đình anh Lâu Văn Lâu, người dân tộc Mông tự nguyện đứng ra nhận nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc mốc 304 đã hơn 10 năm nay. Đây cũng chính là cột mốc mà cha anh - già làng Lâu Văn Hự, năm nay đã gần 100 tuổi, tình nguyện bảo vệ trong nhiều năm qua. Năm 2018, biết mình tuổi cao, sức yếu, già làng Hự đã báo cáo Đồn Biên phòng Quang Chiểu xin trao lại nhiệm vụ thiêng liêng này cho người con trai thứ 5 của ông là anh Lâu Văn Lâu tiếp tục đảm nhận trọng trách lớn lao này.

Trong lúc nghỉ ăn cơm anh Phan Văn Cấu căn dặn lời tâm nguyện của ông nội với con trai.

Bản Suối Tút những ngày này sương mù che phủ. Hai cha con anh Phan Văn Cấu và Phan Văn San nhanh chóng trở mình khỏi chiếc chăn ấm, chuẩn bị cho chuyến đi rừng kiếm tra cột mốc cùng cán bộ Đồn Biên phòng Quang Chiểu. Trong ánh sáng mờ tỏ, bà Phan Thị Náy, vợ ông Cấu đã vào bếp từ lúc nào. Từ năm 2016 đến nay, cứ trước đêm trăng 16, bà đều chuẩn bị cơm nắm, sắn luộc, muối ớt, nước uống cho chồng con và cán bộ biên phòng trước khi lên đường. Khi ánh trăng vẫn còn lẩn khuất trong những vạt rừng, chúng tôi theo chân bố con ông Phan Văn Cấu lên đường kiểm tra cột mốc 286 - nơi phân định giữa xã Quang Chiểu với bản Suối Tung, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Nằm ở độ cao 2.000m trên đỉnh núi Pù Tát, đây là cột mốc xa nhất và cao nhất của xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát với đường lên hiểm trở, trước đây thời gian cả đi và về phải mất 6, 7 tiếng đồng hồ, bây giờ vào ngày nắng ráo, thuận lợi cũng phải ngót nghét 4, 5 tiếng. Dọc đường đi, ông Cấu kể lại: “Năm 1980, khi cột mốc G6 (sau này tăng dày thêm các cột mốc 285, 286, 287 và 288) được xây dựng, người bác họ của bố tôi là ông Tặng Phú Minh được giao nhiệm vụ trông coi. Tuy nhiên, đến năm 1985, ông Minh ốm nặng rồi qua đời, không còn ai canh giữ cột mốc G6 nên bố tôi xung phong thay bác đảm nhận công việc này cho đến năm 2016".

Anh Phan Văn Cấu và cháu Phan Văn San tham gia cùng CBCS Đồn Biên phòng Quang Chiểu tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới.

Chúng tôi đi trên con đường đã in dấu chân của già làng Phan Văn Xiết trong suốt 30 năm. Từ chân dốc đến cột mốc 286 dài chừng khoảng 8km, phải đi bộ hơn 4 tiếng đường rừng với núi cao, suối sâu và những con dốc dựng đứng.

Anh Phan Văn Cấu xem lại những kỷ vật của Đảng, Nhà nước và Quân đội trao tặng cho gia đình.

“Ngày trước còn chưa có lối đi, cây cối mọc um tùm, hai cha con vừa đi vừa phát cây mở đường lên cột mốc. Những ngày nắng còn đỡ vất vả chứ ngày mưa thì đường trơn trượt, không vượt suối nhanh thì nước nó cuốn mình đi trong nháy mắt. Cha tôi thường dặn dò con cháu rằng: Biên giới của Tổ quốc là điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Cha ông ta bao đời đã đổ xương máu đấu tranh mới có được nên con cháu phải biết giữ gìn, bảo vệ” - ông Cấu xúc động hồi tưởng.

Chúng tôi đến được cột mốc 286 khi nắng đã dội xuyên qua tán rừng rậm, hắt lên gương mặt ướt đẫm mồ hôi và từng nhịp thở hổn hển. Cả đoàn chỉnh lại trang phục, đứng nghiêm trang chào cột mốc. Rồi mỗi người một việc, ông Cấu kiểm tra thân mốc; anh San phát quang xung quanh, lau chùi bốn mặt cột mốc cho sạch, cho nổi rõ những dòng chữ Việt Nam, Lào và con số in trên hai mặt chính của cột mốc... Ông lấy điện thoại trong túi ra chụp xung quanh cột mốc, đồng thời lấy ra cuốn sổ nhỏ ghi chép lại nội dung đã kiểm tra.

BĐBP giúp gia đình anh Phan Văn Cấu phát triển kinh tế vườn đồi.

Chuyện về già làng Phan Văn Xiết bảo vệ cột mốc quốc gia và chứng kiến những việc con và cháu ông đang kế tục khiến chúng tôi thật sự khâm phục và trân trọng tấm lòng của một gia đình người Dao tận trung với Tổ quốc, với Đảng. Những “cột mốc sống” trên vùng biên giới được truyền đời qua ba thế hệ như gia đình già làng Phan Văn Xiết đã góp phần làm lan tỏa tinh thần trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ cho nhiều thế hệ người Dao của bản Suối Tút nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng biên Xứ Thanh nói chung. Lẽ sống, niềm tin ấy sẽ sống mãi như dòng suối Tút vẫn bền bỉ tuôn dòng nước mát!

Hải Chuyền (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/cot-moc-song-tren-dau-nguon-suoi-tut/208959.htm