'Cột mốc sống' ở Lâm trường 42 (Tiếp theo và hết)

Bẵng đi gần 20 năm, năm 2018 kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Lâm trường 42 (Đoàn 42 khi đó đã đổi tên thành Lâm trường 42, thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327) tôi mới có dịp quay lại xã Hải Sơn (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Một khung cảnh rất lạ chào đón tôi. Đó là con đường nhựa rộng, phẳng lỳ từ Quốc lộ 18 vào đến tận Cửa khẩu Bắc Phong Sinh.

Từ dốc Lục Phủ tới đỉnh Pò Hèn

Hai bên đường là những ngôi nhà xây kiên cố. Ô tô, xe máy đi lại tấp nập. Các quả đồi đều được phủ kín màu xanh của thông, keo, bạch đàn... Xã Hải Sơn nay đã được tách ra thành hai xã: Bắc Sơn và Hải Sơn; mỗi xã đều có trường mẫu giáo và trường liên cấp bậc tiểu học và trung học cơ sở; điện lưới đã về đến từng hộ dân của 7 thôn, bản... Đoạn đường khi xưa chúng tôi đi mất 3 giờ đồng hồ nay đi chỉ vỏn vẹn 20 phút.

Vẫn là Vinh ào ra đón tôi. Giờ Vinh đã mang quân hàm Trung tá QNCN. Gương mặt tuy đã nhuốm màu thời gian tuổi ngũ tuần nhưng dáng vẻ thì vẫn thế: Vẫn đen, vẫn đậm và nhanh nhẹn. Hồi tưởng lại thời gian của 20 năm qua, Vinh cho biết mình không thể nhớ bản thân đã làm được những gì; cán bộ, chiến sĩ Lâm trường 42 đã làm được bao nhiêu việc; xây được bao nhiêu công trình, trồng được bao nhiêu héc-ta rừng; giúp được bao nhiêu gia đình ổn định chỗ ở, ổn định sản xuất...

Chỉ biết đến nay, 752 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu của hai xã Hải Sơn và Bắc Sơn đều có cuộc sống ổn định. Nhiều gia đình đã dư giả, có của ăn của để; con cái đều được đi học. Đặc biệt, tuyến biên giới dài 34km luôn là điểm sáng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Trung tá QNCN Nguyễn Quang Vinh trò chuyện với gia đình bác Sàn A Ngằn.

Rồi vẫn là chiếc xe máy năm xưa (chỉ có điều cũ đi nhiều, yếm, chắn bùn đều đã vỡ, nhưng tiếng máy nổ thì vẫn giòn tan). Vinh đưa tôi đi thăm bản Thán Phún-nơi đơn vị đang hỗ trợ một gia đình chính sách xây nhà mới. Chủ nhà là ông Sàn A Ngằn, con trai liệt sĩ Sàn A Liềm. Nhân lúc Vinh hỗ trợ đội thợ xây đổ mẻ vữa làm móng nhà, tôi trò chuyện với anh Ngằn thì được biết quê gốc anh ở huyện Tiên Yên (Quảng Ninh). Năm 1972, khi anh vừa chào đời thì gia đình nhận được tin bố anh hy sinh ở chiến trường miền Nam.

Vài năm sau, mẹ anh đi bước nữa. Anh ở với bà ngoại, rau cháo qua ngày. Suốt thời niên thiếu, hầu như anh không ra khỏi bản, không được đến trường! Lớn lên, anh lấy vợ, sinh liền 3 người con, nhưng nhà anh lúc nào cũng thiếu ăn.

Năm 2001, được chính quyền vận động gia đình anh di cư đến đây. Chính Trung tá Vinh là người đầu tiên đón gia đình anh, giúp ổn định nơi ăn, chốn ở trong những ngày đầu đến vùng đất mới. Sau đó, gia đình anh được địa phương cùng với Lâm trường 42 cấp đất làm nhà, nhận giao hơn 3ha rừng thông đã đến kỳ thu hoạch, cùng lợn giống, gà giống, nông cụ sản xuất...

Gần 20 năm gắn bó trên vùng đất Bắc Sơn, Trung tá Vinh như người trong nhà, bất cứ khó khăn, trở ngại gì cũng đều có mặt, giúp đỡ tận tình cả vật chất lẫn tinh thần. Nay gia đình anh đã ổn định cuộc sống. Các con đều đã lấy vợ, gả chồng, có công việc ổn định. 6 đứa cháu nội, ngoại của anh đều được đến trường đi học. Hiện tại, Lâm trường 42 vừa hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng và cử cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện đến giúp xây dựng ngôi nhà mới...

Câu chuyện đang dở dang thì tôi bỗng nghe tiếng gọi chứa đầy niềm mong mỏi của một cháu học sinh:

- Bố Vinh! Bố về bản khi nào mà không gọi cho con!

Cháu bé vừa gọi, vừa chạy ào tới bên Vinh, nắm tay, thăm hỏi rất thân tình.

Thấy tôi ngạc nhiên, anh Ngằn giải thích:

- Đấy là cháu Nịnh Thị Kim, ở bản Thán Phún, là con nuôi của Lâm trường 42. Chính anh Vinh cùng cán bộ Lâm trường 42 đã cứu sống cháu từ lúc mới lọt lòng đấy. Giờ cháu vẫn coi Lâm trường 42 như là nhà và cán bộ ở đấy như người thân ruột thịt.

Rồi anh Ngằn kể vắn tắt: Vào khoảng đầu năm 2002, vợ của anh Nịnh Văn Thanh trở dạ sinh con. Suốt một ngày đêm, đứa bé vẫn không chịu ra khỏi bụng mẹ. Người mẹ thì đã kiệt sức, mạng sống của hai mẹ con như ngàn cân treo sợi tóc. Gia đình và bà con trong bản không ai biết làm gì ngoài mời thầy về cúng lễ. Rất may khi đó Vinh biết được tin, đã cùng bác sĩ của Lâm trường 42 có mặt kịp thời, chẩn đoán và khẳng định thai phụ bị đẻ ngược, cần cấp cứu ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Sau khi được động viên, gia đình mới đồng ý cho bác sĩ của Lâm trường 42 và Trung tá Vinh đưa thai phụ về bệnh xá Quân dân y để cấp cứu. Do cấp cứu kịp thời nên cháu Kim chào đời mạnh khỏe, mẹ cháu cũng dần hồi phục. Sau lần cứu sống cháu Kim, không chỉ bản Thán Phún mà tất cả đồng bào ở các bản còn lại có bệnh đều nhờ bác sĩ của Bệnh xá Lâm trường 42, không còn mời thầy cúng đến đuổi bệnh như trước đây nữa.

Trên đường rong ruổi vào bản Pò Hèn (xã Hải Sơn), ngoài được chiêm ngưỡng cảnh đẹp và sự đổi thay của một dải đất biên cương dài hơn 30km, qua câu chuyện với Vinh, tôi còn biết thêm trong 20 năm qua, ngoài cháu Kim còn hàng trăm bệnh nhân khác đã được bệnh xá của Lâm trường cứu chữa kịp thời. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Lâm trường 42 có người nghỉ, có người mới về thay, nhưng ai cũng đều được bà con dân bản yêu quý như người thân trong gia đình.

Trong công việc thì cả chỉ huy lâm trường cũng đi bốc gạch, đánh vữa, xây nhà, trồng cây... cùng với nhân dân như những cán bộ, chiến sĩ khác. Nhiều cán bộ lâm trường đã nghỉ hưu, tuổi cao, nhưng thỉnh thoảng nhớ về mảnh đất này, vẫn bắt xe về thăm, ăn ngủ lại bản. Mỗi lần trở lại, thấy được những đổi thay, ai cũng vui mừng, phấn khởi!

Trong buổi chiều đông, hửng nắng, Vinh đưa tôi đi khắp 3 thôn của xã Hải Sơn: Pò Hèn, Lục Chắn và Thán Phún. Bản nào cũng đẹp, đường liên thôn đã được bê tông hóa. Chỉ những vạt cây sim san sát bên những triền đồi, Vinh cho biết, ngoài phát triển kinh tế, Lâm trường 42 đang phối hợp với địa phương, các đơn vị đóng quân trên địa bàn tập trung phát triển du lịch cho xã Hải Sơn.

Rồi anh bật mí: Ngoài tập trung xây dựng Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, làng bích họa Pò Hèn... Lâm trường và địa phương cùng bà con các thôn, bản nơi đây đang trồng những vườn sim, đồi sim. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, Hải Sơn sẽ có lễ hội hoa sim độc đáo và duy nhất trên cả nước. Đời sống phát triển, đồng bào mới yên tâm ổn định cuộc sống, bám đất, bám làng, giữ gìn chủ quyền biên cương của Tổ quốc. Đặc biệt, người dân khi đó sẽ trở thành những đại sứ du lịch, những hộ kinh doanh, những hướng dẫn viên đặc biệt của miền biên giới.

“Người có uy tín” của 7 bản đường biên

Lần này tôi trở lại Lâm trường 42 theo lời mời của Vinh và già làng bản Lục Phủ Lý Nhật Dẩn về dự Lễ chào xuân năm 2024 (Lễ nhà lớn, Lễ cấp sắc...) của đồng bào Dao Thanh Y ở Hải Sơn và Bắc Sơn. Năm nay, các bản người Dao ở xã Hải Sơn và Bắc Sơn tổ chức các lễ lớn nhất từ trước đến nay, bởi lần đầu tiên, 7/7 thôn, bản đạt chuẩn theo các tiêu chí nông thôn mới, 98% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa, địa bàn nhiều năm không có tệ nạn xã hội, không còn hủ tục...

Trước ngày lễ, Vinh đón tôi tại căn nhà riêng ở thôn 6, phường Hải Tiến, TP Móng Cái. Tổ ấm của Vinh giản dị, nhưng ấm cúng với vợ là giáo viên tiểu học. Hai con anh ngoan, đang học đại học. Anh có đủ nếp, đủ tẻ và căn nhà hai tầng nhỏ đủ cho sinh hoạt. Biết anh đã hơn 20 năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến thăm nhà riêng của anh cùng câu chuyện riêng về gia đình.

Chuyện đầu tiên anh kể về bản thân là mối tình với vợ-cô giáo Trương Thị Thủy. Năm 1999, anh được Đoàn 42 giao nhiệm vụ đón và chuẩn bị lán, phòng học cho điểm trường Thán Phún. Cô giáo Thủy khi đó vừa mới tốt nghiệp sư phạm tình nguyện vào mở lớp ở điểm lẻ cho học sinh xã Hải Sơn. Trong gần một năm cùng dựng lớp, cùng đến từng nhà dân vận động cho con em đến trường... Vinh và Thủy đã bén duyên chồng vợ. “Mảnh đất này đã cho tôi mái ấm và cả đam mê công việc. Đấy chính là lý do sau này, dù tổ chức đã sắp xếp cho tôi nhiều công việc thuận lợi hơn nhưng tôi vẫn tình nguyện ở lại”, Vinh chia sẻ.

Như bao cán bộ, chiến sĩ gắn bó với vùng biên giới, hải đảo, Vinh cũng chịu không ít thiệt thòi. Đó là khi bố anh qua đời (năm 1994), anh đang theo học lớp báo vụ, không kịp về lúc ông trăng trối. Rồi suốt từ năm 2010 đến 2017, mẹ đẻ ở Thái Bình đau yếu, anh cũng không thường xuyên về thăm được cho đến lúc bà theo ông.

Anh xúc động nhớ lại hôm đó: “Nhận tin mẹ mất đúng lúc tôi và Lâm trường 42 đang làm lễ khánh thành nhà tặng một gia đình ở bản Phình Hồ. Dù rất đau buồn nhưng tôi không dám biểu lộ vì sợ làm ảnh hưởng đến lễ khánh thành và ngày vui của gia đình được nhận nhà đó. Sau buổi lễ, tôi xin phép đơn vị, chạy xe máy nguyên một đêm về quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình để kịp đội tang mẹ!”.

Hơn 26 năm gắn bó với vùng đất biên giới, hầu như mọi công việc gia đình, chăm sóc, dạy dỗ con cái đều do một tay vợ anh đảm đương. Đổi lại, trong phòng khách của gia đình là hàng trăm bằng khen, giấy khen ghi nhận sự cống hiến của anh với vùng đất biên cương này.

Trước hôm ra Móng Cái, ghé qua Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327, Đại tá Phạm Khắc Dũng, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 chỉ những nông cụ được trưng bày ở gian mô hình, học cụ của đoàn chia sẻ: Đây là những sản phẩm của cán bộ Lâm trường 42 đã sáng chế ra nhằm nâng cao hiệu quả trong trồng trọt và chăn nuôi, giúp bà con thuận lợi hơn trong sản xuất nông nghiệp.

Trở lại các lễ hội dịp đầu xuân của các bản làng từ Lục Phủ đến Pò Hèn. Đến đâu chúng tôi cũng được chào đón, hòa mình vào không khí vui nhộn thắm tình đoàn kết. Đồng chí Vũ Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Hải Sơn ngỏ lời mời thân tình: Tháng năm tới, mời các nhà báo về dự Lễ hội hoa sim biên giới ở xã Hải Sơn. Từ vùng đất khô cằn, khắc nghiệt này, nhờ sự góp công, góp sức của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327, không chỉ đời sống nhân dân được nâng lên mà Hải Sơn giờ còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn với nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Trong suốt mấy ngày ở Lâm trường 42, được dự hàng chục lễ, hội trên khắp 7 bản. Dù là lễ trong khuôn khổ gia đình hay hội của bản, đến đâu Trung tá QNCN Nguyễn Quang Vinh cũng được chào đón, ngồi trang trọng cùng với hàng ngũ “người có uy tín” của thôn, bản. Từ người già đến người trẻ đều dành cho anh những tình cảm và sự trân trọng đặc biệt. Bởi trong sâu thẳm trái tim, họ đều biết rằng: Đồng bào xã Bắc Sơn và Hải Sơn có được đời sống no ấm như ngày hôm nay đều có sự đóng góp không ngừng nghỉ của cán bộ, chiến sĩ Lâm trường 42, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327, trong đó có cá nhân Trung tá QNCN Nguyễn Quang Vinh-“cột mốc sống” nơi biên cương.

Bài và ảnh: HOÀNG GIA - PHÚ SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/cot-moc-song-o-lam-truong-42-tiep-theo-va-het-776197