Cột mốc lịch sử

Tỷ phú Elon Musk cho biết, Công ty Neuralink (Mỹ) do ông sáng lập đã cấy ghép chip vào não một người đầu tiên và bệnh nhân đang hồi phục tốt.

Minh họa/INT

Hãng Reuters ngày 30/1 dẫn lời tỷ phú Elon Musk cho biết, Công ty Neuralink (Mỹ) do ông sáng lập đã cấy ghép chip vào não một người đầu tiên và bệnh nhân đang hồi phục tốt.

Nghiên cứu sử dụng robot để phẫu thuật đặt bộ phận cấy ghép giao diện não - máy tính (BCI) vào vùng não kiểm soát ý định di chuyển. Mục tiêu ban đầu là cho phép con người chỉ dùng suy nghĩ điều khiển con trỏ hoặc bàn phím máy tính. “Kết quả ban đầu cho thấy, việc phát hiện các xung động thần kinh đầy hứa hẹn”, ông Musk chia sẻ trên mạng xã hội.

Điện thế hoạt động, còn được gọi là xung động thần kinh hay gai. Đây là hoạt động của các tế bào thần kinh (nơron), được Viện Y tế quốc gia Mỹ mô tả là các tế bào sử dụng các tín hiệu điện và hóa học để gửi thông tin xung quanh não và đến cơ thể.

Công ty Neuralink cho biết sẽ sử dụng robot R1 để phẫu thuật cấy ghép chip vào vùng não điều khiển chức năng vận động. Con chip sẽ ghi lại và truyền tín hiệu não không dây đến một ứng dụng giải mã ý định chuyển động.

Đây là lần đầu tỷ phú Elon Musk nhắc đến kết quả thử nghiệm kể từ tháng 5 năm ngoái, sau khi Neuralink được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt việc đưa chip vào não người.

Thời gian qua, Neuralink đã tìm kiếm tình nguyện viên. Ngày 19/9/2023, công ty cho biết đã vượt qua bài kiểm tra từ hội đồng đánh giá độc lập gồm các chuyên gia và bác sĩ đầu ngành tại Mỹ. Qua đó, họ được phép thử nghiệm cấy chip lên người bại liệt.

Hai tháng sau, Ashlee Vance - người viết tiểu sử đầu tiên cho Musk năm 2015 cho biết, hàng nghìn người đã đăng ký tham gia thử nghiệm của Neuralink. “Dù thu hút sự quan tâm, nhưng công ty vẫn chưa tìm được người phù hợp đầu tiên”, Vance cho biết thời điểm đó.

Neuralink là một công ty công nghệ sinh học thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk. Theo Neuralink, thiết bị cấy ghép của công ty có các sợi “siêu mịn” giúp truyền tín hiệu trong não bệnh nhân cấy ghép.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, nhà sáng lập Musk cho biết, sản phẩm của Neuralink có thể được gọi là “thần giao cách cảm”. Trước đó, tỷ phú Musk hình dung cấy ghép não có thể chữa một loạt bệnh và hội chứng, bao gồm béo phì, tự kỷ, trầm cảm và tâm thần phân liệt, cũng như cho phép duyệt web và phát triển khả năng thần giao cách cảm.

Nếu công nghệ hoạt động bình thường, bệnh nhân bị các bệnh thoái hóa nghiêm trọng như xơ cứng teo cơ một bên (hội chứng ALS) có thể sử dụng thiết bị cấy ghép để giao tiếp hoặc truy cập mạng xã hội bằng cách dùng suy nghĩ để điều khiển con trỏ chuột và gõ bàn phím.

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, Neuralink cũng phải đối diện với nhiều kêu gọi yêu cầu xem xét kỹ lưỡng cho các giao thức an toàn. Vào đầu tháng 1 năm nay, công ty này bị phạt do vi phạm các quy định của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ liên quan đến việc vận chuyển những vật liệu nguy hiểm.

Tháng 6/2023, Neuralink được định giá 5 tỉ USD. Vào tháng 11/2023, bốn nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ điều tra về khả năng ông Musk lừa dối các nhà đầu tư về sự an toàn cho công nghệ này, sau khi nhiều hồ sơ cho thấy, việc cấy ghép đã gây ra nhiều vấn đề trên khỉ, bao gồm liệt, co giật và sưng não.

Trọng Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cot-moc-lich-su-post671014.html