Container Việt Nam (VSC): Tích cực củng cố vị thế qua loạt hoạt động M&A

Công ty Cổ phần Container Việt Nam (mã cổ phiếu VSC) hiện đang rất tích cực huy động vốn để gia tăng đầu tư vào loạt hoạt động M&A; qua đó, củng cố vị thế và gia tăng thị phần tại cụm cảng Hải Phòng.

Container Việt Nam vừa qua đã trở thành cổ đông lớn của Xếp dỡ Hải An.

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Container Việt Nam (mã cổ phiếu VSC - sàn HoSE) vừa thông qua việc triển khai thực hiện các thủ tục xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gia hạn việc chào bán cổ phiếu ra công chúng thêm 30 ngày, đến ngày 28/3/2024.

Trước đó, vào ngày 18/1, Container Việt Nam đã chốt danh sách cổ đông để chào bán hơn 133,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu VSC sẽ được nhận quyền mua thêm 01 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Thời gian đăng ký mua và nộp tiền từ ngày 26/1 đến ngày 18/3/2024. Nếu đợt chào bán này diễn ra thành công, Container Việt Nam sẽ thu về gần 1.334 tỷ đồng. Trong đó, Container Việt Nam sẽ dùng 1.320 tỷ đồng trong số tiền huy động được để mua thêm tối đa 44% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ từ các thành viên góp vốn hiện hữu, với định giá Cảng Nam Hải - Đình Vũ ở mức khoảng 3.000 tỷ đồng.

Nếu thương vụ này diễn ra thành công, Container Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 35% lên 79% tại Cảng Nam Hải - Đình Vũ và đưa cảng này từ công ty liên kết thành công ty con. Cảng Nam Hải - Đình Vũ hiện đang chiếm 10% thị phần khu vực cụm cảng Hải Phòng.

Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, việc sở hữu Cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ giúp Container Việt Nam trở thành doanh nghiệp cảng biển lớn nhất tại Hải Phòng, với tổng công suất khoảng 2,6 triệu TEU, tăng 36% so với năm 2022 và chiếm 30% thị phần khu vực.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VSC của Container Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Thêm vào đó, việc vận hành đồng thời 3 cảng có vị trí liên tiếp nhau là VMIC Đình Vũ, Nam Hải Đình Vũ, và Xanh VIP giúp Container Việt Nam tối ưu hóa chi phí vận hành, cũng như hạn chế tình trạng chuyển tàu ra làm hàng tại các cảng khác khi trùng lịch. Đây là một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp này phát sinh tỷ lệ chi phí mua ngoài cao trong thành phần giá vốn dịch vụ (chiếm khoảng 40% giai đoạn 2021-2022, và chiếm 48% trong nửa đầu năm 2023).

Do đó, thương vụ thâu tóm Cảng Nam Hải Đình Vũ được kỳ vọng sẽ giúp Container Việt Nam cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh trong thời gian tới.

Vào cuối tháng 1 vừa qua, Container Việt Nam cũng đã chi khoảng 82 tỷ đồng để nâng sở hữu từ 2,96% lên 5% (tương đương 5,2 triệu cổ phiếu), trở thành cổ đông lớn tại Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã cổ phiếu HAH).

Xếp dỡ Hải An hiện là một trong những doanh nghiệp vận tải biển nội địa lớn hàng đầu trên thị trường; đồng thời sở hữu Cảng Hải An tại Hải Phòng với cầu tàu dài 150 m với năng lực khai thác hơn 400.000 TEU/năm.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong năm 2023, Container Việt Nam ghi nhận doanh thu hơn 2.180 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2022, nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 44%, còn 286 tỷ đồng. Mức giảm mạnh của lợi nhuận chủ yếu do chi phí vận hành và chi phí nợ vay để tài trợ cho các hoạt động M&A tăng lên.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/2, thị giá cổ phiếu VSC đạt 22.100 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/container-viet-nam-vsc-tich-cuc-cung-co-vi-the-qua-loat-hoat-dong-ma-117177.htm