Công ước Viên 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: Doanh nghiệp vẫn mơ hồ

Chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1-1-2017, dự kiến Công ước Viên 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) của Liên hợp quốc sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho DN trong hoạt động giao thương quốc tế. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều DN vẫn còn hiểu biết khá hạn hẹp về CISG, thậm chí chưa hề biết tới CISG.

Hầu hết DN chưa có nhiều hiểu biết về CISG. Ảnh: ST.

Lợi đủ đường

Việt Nam đã gia nhập CISG vào cuối tháng 12-2015 và CISG chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1-1-2017. Để tận dụng được các lợi ích mà CISG đem lại, DN và các chủ thể áp dụng cần lưu ý: Các quy định của CISG không bao trùm mọi vấn đề pháp lý có liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Được soạn thảo cách đây gần 40 năm, CISG chưa có các quy phạm điều chỉnh các vấn đề pháp lý mới phát sinh trong thương mại quốc tế. Ví dụ các quy phạm pháp lý liên quan đến thương mại điện tử. Tuy nhiên, trong những trường hợp này vẫn có thể vận dụng các nguyên tắc cơ bản của CISG để giải quyết tình huống phát sinh.

Dù thành công ở hầu hết các nước thành viên, song ở một số nước, CISG không đạt thành công. Điển hình nhất là tại Hoa Kỳ, CISG không gây được tiếng vang và không được sử dụng với tần suất như mong đợi.

Dù rất nhiều đối tác thương mại lớn trên thế giới của Việt Nam đã và đang là thành viên của CISG, tuy nhiên vẫn còn một số đối tác quan trọng của Việt Nam chưa tham gia Công ước Viên này. Đáng kể nhất là Vương quốc Anh, Ấn Độ và các nước khu vực ASEAN (trừ Singapore).

CISG là văn bản hài hòa hóa pháp luật nhằm thống nhất các quy phạm được áp dụng để điều chỉnh các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, dù các bên của hợp đồng ở quốc gia nào. Cho đến thời điểm hiện tại, CISG là một trong các điều ước quốc tế thành công nhất trong lĩnh vực thương mại quốc tế, được phổ biến và áp dụng rộng rãi nhất, với 85 quốc gia thành viên trên thế giới. Hiện nay, hầu hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều là thành viên của Công ước này.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Với định hướng kinh tế nhấn mạnh vào XK, hoạt động XNK của các DN Việt hiện diễn ra khá nhộn nhịp. Trong tổng số các hợp đồng mua bán, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, đặc điểm của phần đông DN Việt là hiểu biết pháp luật hạn chế. DN ít sử dụng tư vấn pháp luật chuyên nghiệp nên thường gặp khó khăn trong đàm phán hợp đồng, mất nhiều thời gian đàm phán, rơi vào cảnh yếu thế hơn, nhất là khâu chọn luật nào áp dụng. Thông thường, luật được chọn sẽ là luật của đối tác hoặc của nước thứ ba. Xuất phát từ những yếu tố trên, việc CISG có hiệu lực sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các DN.

“Lợi ích trước hết là tiết kiệm thời gian, chi phí đàm phán hợp đồng. Thông thường, khi đàm phán các DN mất khá nhiều thời gian cho việc lựa chọn luật áp dụng, đàm phán chi tiết về thực hiện hợp đồng hay thảo luận về từng điều khoản hợp đồng. Còn khi DN đôi bên đều thuộc các nước đã là thành viên của CISG, áp dụng CISG, nhiều trường hợp không cần đàm phán gì bởi đã có một khung pháp lý thống nhất, được áp dụng một cách tự động cho hợp đồng. Đây là cơ sở tham khảo miễn phí cho DN”, bà Trang nói.

Cũng theo bà Trang, CISG còn giống như “bệ đỡ” cho DN trong trường hợp khi ký kết hợp đồng, đôi bên không đàm phán về luật áp dụng. Thực tế, VCCI từng nhận được đơn kêu cứu của các DN và trong hợp đồng đàm phán thể hiện chỉ 2-3 trang gồm những thông tin khá hạn hẹp về giá cả, đối tượng mua bán… mà không hề có điều khoản gì về pháp luật. Do vậy, khi tranh chấp xảy ra, DN loay hoay không biết xử lý như thế nào. Nếu DN đôi bên đều đến từ các nước là thành viên của CISG thì từ năm 2017, DN rơi vào những trường hợp tương tự sẽ được tự động áp dụng theo CISG để xử lý.

Một số chuyên gia đánh giá, áp dụng CISG còn giúp DN tiết kiệm đáng kể khoản chi phí quản lý hợp đồng. Bởi không ít DN Việt Nam có nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa nhỏ với những đối tác khác nhau. Điển hình như đối với DN ngành gỗ, DN có hợp đồng nhỏ nhưng cùng lúc bán đi khoảng 10 thị trường và việc quản lý thực hiện hợp đồng mỗi cái một kiểu rất khó khăn. Với việc áp dụng CISG, những điều khoản hợp đồng sẽ tương tự nhau giúp đơn giản hóa khâu quản lý.

Hiểu biết bước đầu

Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng XK chủ lực của ngành nông nghiệp với kim ngạch lên tới nhiều tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: Đến thời điểm hiện tại, cộng đồng DN chế biến, XK gỗ hoàn toàn chưa nắm được bất kỳ thông tin gì có liên quan đến CISG, cũng chưa được bất kỳ bộ, ngành, cơ quan nào phổ biến. Tuy nhiên, khi tiếp nhận thông tin CISG sẽ được áp dụng vào năm tới, đem lại nhiều thuận lợi cho DN có hoạt động XNK, ông Quyền cho rằng, các DN ngành gỗ sẽ quan tâm, mong muốn nhận sự đồng hành, hỗ trợ nhanh chóng, thường xuyên của các cơ quan quản lý để hiểu và có thể áp dụng CISG nhằm gia tăng tính cạnh tranh cho DN.

Mặc dù không tới mức chưa nắm được thông tin gì nhưng liên quan tới vấn đề này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng bày tỏ khá dè dặt: VASEP đã nắm bắt được những hiểu biết nhất định về CISG thông qua thông tin từ VCCI, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam…, tuy nhiên cũng mới đang ở giai đoạn tìm hiểu ban đầu, chưa thực sự rõ ràng về các vấn đề liên quan.

“Từ góc độ các DN chế biến, XK thủy sản cụ thể, phần lớn DN đã và đang làm việc với bạn hàng thường xuyên, ít xảy ra các vướng mắc pháp lý nên cũng chưa thực sự dành sự quan tâm tới CISG. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, việc tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan tới mua bán hàng hóa quốc tế khá quan trọng. Vì vậy, thời gian tới để giúp các DN hiểu thêm, vận dụng hiệu quả CISG khi cần thiết, VASEP sẽ tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo tuyên truyền, tập huấn cho cộng đồng DN. Đương nhiên, các sự kiện này, VASEP sẽ mời đại diện chuyên gia có hiểu biết kỹ càng tham dự phổ biến, đồng thời giải đáp các thắc mắc trực tiếp của DN”, ông Hòe nhấn mạnh.

Ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương): Bộ Công Thương đang đề xuất Chính phủ Đề án để hỗ trợ các bên nắm bắt, hiểu biết hơn về CISG

Việt Nam thường ở vị thế yếu trong thương mại quốc tế, bởi vậy khi xảy ra tranh chấp giữa các DN rất khó để đàm phán áp dụng pháp luật Việt Nam. Vì vậy, việc CISG chính thức có hiệu lực từ năm 2017 đem lại lợi ích lớn nhất cho DN là từ nay về sau DN có nguồn luật chung để đàm phán áp dụng thay vì phải áp dụng luật của nhiều quốc gia khác.

Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền để DN hiểu biết về CISG. Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ các DN cũng như các bên liên quan, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ thực hiện một Đề án lâu dài. Lộ trình của Đề án kéo dài từ nay tới năm 2020, với các nội dung cụ thể như hỗ trợ cộng đồng DN tìm hiểu về CISG qua các khóa đào tạo, hội thảo; hỗ trợ các chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực thương mại quốc tế hiểu biết sâu hơn về CISG qua trao đổi chuyên gia quốc tế và nghiên cứu án lệ của nước ngoài; xây dựng chương trình giảng dạy với các trường đại học để tiến hành đào tạo ngay từ trong trường…

Thực tế, Việt Nam có giai đoạn chuẩn bị gia nhập CISG từ năm 2006. Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều dự án để tuyên truyền tới DN. Do vậy, việc triển khai Đề án lớn hơn từ nay tới năm 2020 là đang đi những bước cần thiết, theo lộ trình chứ không hề chậm trễ.

GS. Locknie Hsu, Chủ tịch Nhóm Thương mại và Đầu tư (Hiệp hội Luật gia các nước ASEAN): Quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho DN

Khi CISG có hiệu lực tại Việt Nam, điều quan trọng nhất phải làm sao để có thể nâng cao nhận thức cho các DN trong vấn đề này. Hình thức truyền tải thông tin cần đa dạng, phong phú, không nhất thiết phải mời học viên đến học cùng một thời điểm mà linh hoạt thông qua sự kiện trực tuyến, diễn đàn trên mạng, thậm chí xây dựng những chương trình đào tạo online hay xây dựng các video đào tạo ngắn rồi đưa lên mạng để thông tin chung, tổng quát hay nói về những chủ đề cụ thể mà từng đối tượng DN quan tâm.

Ngoài DN, việc đào tạo, bồi dưỡng cho các cơ quan tòa án của Việt Nam cũng phải được lưu ý đặc biệt bởi ở khâu thực thi CISG, vai trò của hệ thống này, nhất là trong diễn giải pháp luật khá quan trọng.

Đức Quang (ghi)

Nguyễn Thanh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cong-uoc-vien-1980-ve-hop-dong-mua-ban-hang-hoa-quoc-te-doanh-nghiep-van-mo-ho.aspx