Công ty điện lực Sơn La: Nhìn tới năm 2025

Giai đoạn 2009-2012, trong khi tỷ lệ tăng trưởng GDP của tỉnh Sơn La đạt trung bình từ 6 - 9% thì tỷ lệ tăng trưởng của điện năng đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế phải gấp 1,5 - 1,8 lần tỷ lệ tăng trưởng GDP. Nhu cầu sử dụng điện năng trong giai đoạn tới được dự báo sẽ ngày càng tăng cao theo nhịp độ phát triển của nền kinh tế.

Ngành điện luôn phải đi trước một bước

CôngThương - Là một tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc, kinh tế Sơn La chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Trong những năm qua, đời sống của bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, mức sống, thu nhập ngày càng được nâng cao, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được đáp ứng tốt hơn. Chính vì thế, nhu cầu năng lượng cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân cũng ngày một tăng cao, đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị điện gia dụng, các loại máy phục vụ sản xuất…

Hiện nay, tỉnh Sơn La đã và đang hình thành một số khu vực tạo ra cực tăng trưởng và phát triển của tỉnh như: Thành phố Sơn La, đô thị Mai Sơn, đô thị Mộc Châu, khu du lịch Mộc Châu, khu Đại học Tây Bắc... Đồng thời, Sơn La cũng đang hình thành nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) như KCN Mai Sơn (150 ha), CCN Mộc Châu (59,3 ha), CCN Phù Yên (38 ha), CCN Mường La (30 ha), CCN thị trấn Phù Yên (6 ha), CCN Thành phố Sơn La (18 ha)… Bên cạnh những lợi ích kinh tế cho địa phương, việc phát triển các KCN, CCN này cũng là thách thức cho tỉnh trong việc bảo đảm cung ứng điện năng.

Cùng với sự gia tăng về dân số và tăng trưởng kinh tế, điện thương phẩm của tỉnh Sơn La cũng tăng liên tục qua các năm. Cụ thể: điện thương phẩm đã tăng từ 83,22 triệu kWh năm 2003 lên 317,3 triệu kWh vào năm 2013, tăng gấp 3,8 lần, chỉ trong 10 năm.

Với mục tiêu xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá của vùng trung du, miền núi phía Bắc, trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc vào năm 2020 trên cơ sở tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để khai thác các tiềm năng, lợi thế vùng Tây Bắc, dự báo, tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ đến năm 2015 của Sơn La là 11,5%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 8,5%/năm. Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của Sơn La cũng ước đạt 1.000 USD/năm; cơ cấu kinh tế nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tương ứng là 37%, 25%, 38%; sản lượng lương thực có hạt đạt 59,5 vạn tấn; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 65.000 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 11.000 tỷ đồng; năng suất lao động là 41,6 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2020: Thu nhập bình quân đầu người đạt 1.800 USD/năm; cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tương ứng là 32,5%, 28,5%, 39%; sản lượng lương thực có hạt đạt 57,9 vạn tấn; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 90.000 tỷ đồng; thu ngân sách đạt khoảng 22.000 tỷ đồng; năng suất lao động là 62,9 triệu đồng/người/năm…

Với tốc độ phát triển như vậy, dự báo, trong giai đoạn 2014 – 2015, nhu cầu tiêu thụ điện năng của tỉnh sẽ ngày càng tăng. Năm 2025, dự báo, nhu cầu tiêu thụ điện năng của ngành sẽ tăng lên trên 628 triệu kWh điện, trong đó tốc độ tăng nhu cầu tiêu thụ điện năng của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản – ngành kinh tế mũi nhọn của Sơn La giai đoạn 2014-2025 khoảng 5%.

Để đáp ứng những mục tiêu này, nhu cầu tiêu thụ điện năng dự báo sẽ tăng cao và khả năng đáp ứng của hệ thống điện không bảo đảm. Do đó, giải pháp đặt ra là cần những chính sách hợp lý nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện năng tiết kiệm và có hiệu quả. Đồng thời, để Sơn La phát triển toàn diện, bền vững, ngành điện cũng luôn phải đi trước một bước nhằm bảo đảm nhu cầu điện năng cho toàn xã hội.

Trần Duy Trinh

Ngành điện luôn phải đi trước một bước

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/nang-luong/59870/cong-ty-dien-luc-son-la-nhin-toi-nam-2025.htm