Công ty của doanh nhân Hậu 'Pháo' làm ăn như thế nào trước khi bị bắt?

Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn của doanh nhân Hậu 'Pháo' hoạt động chủ yếu lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng thi công nhiều dự án hàng nghìn tỷ đồng tại Vĩnh Phúc và một số tỉnh thành.

Liên quan đến việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam Nguyễn Văn Hậu (tức "Hậu Pháo", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo tìm hiểu được biết, Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu "Pháo", sinh năm 1981, trú ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Quê gốc của Hậu ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Năm 2004, Hậu thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, tiền thân là Công ty TNHH Thương Mại và Xây Dựng Phúc Sơn, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng.

Năm 2016, doanh nghiệp của Hậu đã chi 1.500 tỷ đồng xây dựng Nghĩa trang Thiên An Viên (Vĩnh Phúc), dự án này mang tầm khu vực.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn.

Dù chỉ mới thành lập trong thời gian ngắn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn là chủ nhà thầu của loạt dự án có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng trải dài khắp đất nước. Điển hình như dự án Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn (Vĩnh Tường) với quy mô 130 ha.

Cũng tại Vĩnh Tường, Tập đoàn Phúc Sơn đã trúng thầu Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng. Dự án này được đầu tư từ ngân sách Nhà nước và được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt từ năm 2010, với thời gian thực hiện trong 5 năm (2010-2015), dự án Đầu tư xây dựng công trình Cải tạo nâng cấp đê tả Sông Hồng kết hợp đường giao thông kéo dài khoảng 28km, gồm 17km qua Vĩnh Tường và 11km qua huyện Yên Lạc, đoạn qua Vĩnh Tường.

Dự án có tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Trung ương là 70%, còn lại 30% là ngân sách tỉnh, chủ đầu tư là UBND huyện Vĩnh Tường.

Ngoài ra, thời điểm năm 2019, doanh nghiệp của ông Hậu cũng đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng Dự án Chợ đầu mối Vĩnh Tường từ Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Sông Hồng Thăng Long.

Dự án có quy mô diện tích 186,49 ha, tổng mức đầu tư là 2.290 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này từng bị phản ánh có nhiều dấu hiệu bất thường và bị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra.

Đầu năm 2019, Tập đoàn Phúc Sơn cũng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng Cụm Công nghiệp Thổ Tang – Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường với quy mô gần 36 ha. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng dự án dự kiến 427 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Phúc Sơn cũng đã triển khai làm dự án khu nhà ở cho người có thu nhập thấp 15 tầng (Vĩnh Yên); khu đô thị hai bên đường Phù Đổng (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với quy mô 149 ha.

Tại Nha Trang, Tập đoàn Phúc Sơn đầu tư dự án Khu Trung tâm đô thị Thương mại – Dịch vụ – Tài chính – Du lịch Nha Trang được xây dựng trên khu đất sân bay Nha Trang cũ.

Giữa năm 2019, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra để xác định có hay không tình trạng vi phạm mua bán, chuyển nhượng bất động sản tại dự án sân bay Nha Trang cũ. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, qua kiểm tra vào tháng 3/2018, chủ đầu tư dự án là CTCP Tập đoàn Phúc Sơn đã đưa bất động sản của dự án vào kinh doanh, thu tiền của khách hàng khi chưa đủ điều kiện.

Trước đó đầu tháng 5/2019, Sở Xây dựng Khánh Hòa đã có buổi làm việc với CTCP Tập đoàn Phúc Sơn về việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản liên quan đến dự án.

Theo đó, Tập đoàn Phúc Sơn đã cung cấp văn bản về việc báo cáo đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Được biết, tháng 11/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện 3 dự án BT tại Nha Trang để đổi khu "đất vàng" trên.

Giữa năm 2021, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố thông báo kết luận thanh tra (KLTT) về việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan các dự án trên.

Theo Kết luận 3 dự án trên tồn tại những vi phạm. Cụ thể các DA BT không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2017, mặc dù đã gia hạn đến tháng 6/2021 nhưng đến thời điểm thanh tra mới thi công đạt khoảng 27% khối lượng xây lắp.

Phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư, ký hợp đồng BT không phù hợp với tờ trình báo cáo Thủ tướng, làm tăng tổng mức đầu tư lên 484 tỷ đồng, kéo dài thời gian thực hiện DA lên thêm 30 tháng.

Đồng thời việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, ký kết hợp đồng BT còn có một số sai sót trong áp dụng định mức, đơn giá, biện pháp thi công, đền bù giải phóng mặt bằng và đưa một số hạng mục vào DA đầu tư chưa đúng quy định, làm tăng tổng mức đầu tư 3 DA lên 499,202 tỷ đồng.

Phê duyệt kết quả lựa chọn NĐT, đàm phán và ký kết hợp đồng 3 DA BT có giá trị hợp đồng BT cao hơn giá trị DA BT được tỉnh phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn NĐT là: 73,49 tỷ đồng, là vi phạm về nguyên tắc xét duyệt trúng thầu…

Quốc Bảo

Nguồn Pháp Luật Plus: https://phapluatplus.vn/cong-ty-cua-doanh-nhan-hau-phao-lam-an-nhu-the-nao-truoc-khi-bi-bat-196029.html