Công ty có vốn điều lệ 10 tỷ được Nhựa Tiền Phong (NTP) 'ưu ái' cho nợ 281 tỷ đồng

Công ty Hồng Phước với vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng, bất ngờ được Nhựa Tiền Phong cho nợ hơn 281 tỷ đồng tại ngày 31/12/2023.

Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP) mới công bố báo cáo tài chính Quý IV/2023. Theo báo cáo tài chính riêng Quý IV/2023, NTP ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh lũy kế trong năm 2023 đạt 4.608 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ so với năm trước đó.

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính năm 2023 ghi nhận hơn 268 tỷ, tăng 22% so với năm 2022; Chi phí tài chính chỉ ở mức 122 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022.Theo đó lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 552 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân lợi nhuận sau thuế tăng so với cùng kỳ là do trong kỳ giá nguyên vật liệu giảm và chi phí lãi vay giảm.Tại 31/12/2023, tổng tài sản của NTP đạt 5.095 tỷ đồng, tăng 7.7% so với đầu năm 2023. Trong đó, tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh đạt gần 1.396 tỷ đồng, tăng 234% so với đầu năm.

Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng cũng đáng chú ý trong năm 2023 đạt 860 tỷ đồng. Trong đó, thu từ Công ty cổ phần thương mại & đầu tư Hồng Phước (281 tỷ đồng), Công ty Nhựa tiền phong Phía Nam (379 tỷ đồng), công ty TNHH ĐT và phát triển kinh doanh Nam Phương (58 tỷ đồng), công ty TNHH TM Thái Hòa (54 tỷ đồng),...

Bên cạnh đó người mua trả tiền trước đạt rất thấp chỉ 7,6 tỷ đồng.Trong năm tài chính 2023, Nhựa Tiền Phong đầu tư xây dựng nhà máy và mua sắm máy móc, thiết bị tại Nhà máy ở Dương Kinh, Hải Phòng với tổng chi phí dở dang hơn 47 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2023 dư nợ vay ngắn hạn đạt hơn 1.645 tỷ đồng, chiếm 32% tổng nguồn vốn.Sau khi hợp nhất cùng 2 công ty con và 3 công ty liên kết, NTP ghi nhận doanh thu thuần năm 2023 đạt 5.176 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ đồng, tương đương mức giảm doanh thu của riêng công ty mẹ ở Hải Phòng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 đạt 559 tỷ đồng, chỉ tăng 7 tỷ đồng so với lợi nhuận của công ty mẹ.

Đáng chú ý, một đối tác với vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng, bất ngờ được Nhựa Tiền Phong cho nợ hơn 281 tỷ đồng tại ngày 31/12/2023.

Được biết, Công ty cổ phần thương mại & đầu tư Hồng Phước thành lập từ năm 2019 với vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm 2020, Hồng Phước đã có nợ phải trả Nhựa Tiền Phong hơn 34 tỷ đồng, đến cuối năm 2021 là 97 tỷ đồng, cuối năm 2022 là 235 tỷ đồng, cuối năm 2023 là hơn 281 tỷ đồng.

Trong năm 2024, theo nhận định của hãng chứng khoán FPTS, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nhựa xây dựng như Nhựa Tiền Phong sẽ giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục của năm 2023, nhưng vẫn đạt mức cao so với các giai đoạn trước.

Biên lợi nhuận gộp chịu áp lực giảm chủ yếu do giá hạt nhựa vốn đang ở mức rất thấp, được kỳ vọng sẽ phục hồi dần khi nhu cầu trên toàn cầu được cải thiện. Giá hạt nhựa PVC hiện được dự báo sẽ hồi phục về mức trung bình 900 USD/tấn trong năm 2024, tăng 6,2% so với năm 2023, tương ứng ở vùng giá trung bình giai đoạn 2018-2020, nhưng thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2021-2022.

Trung Hiếu

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/cong-ty-co-von-dieu-le-10-ty-duoc-nhua-tien-phong-ntp-uu-ai-cho-no-281-ty-dong-65742.html